Không có nhiều điểm nhấn về giao dịch trong tuần từ 15 đến 19-6, đúng như những nhận định trước đó về một khoảng thời gian thị trường giằng co, tích lũy, chờ những thông tin tích cực để đột phá. Nhiều nhà đầu tư đạt được lợi nhuận kỳ vọng đã tiến hành chốt lời để bảo toàn thành quả, trong khi người mua lại không mặn mà với những mức giá cao. Chính vì điều này, thanh khoản của thị trường đã giảm tương đối so với tuần trước: Khối lượng khớp lệnh trên HoSE giảm 20,5%, còn trên HNX, khối lượng khớp lệnh cũng giảm 19,1%. Thanh khoản chỉ tăng mạnh trong phiên cuối tuần (19-6) nhờ vào hoạt động tái cơ cấu của các quỹ ETF. Tuy nhiên, cũng như những đợt tái cơ cấu gần đây, hoạt động này không ảnh hưởng nhiều đến các chỉ số. Đà lên xuống của hai chỉ số chính chủ yếu “ăn theo” nhóm cổ phiếu lớn và cũng không có sự thay đổi đáng kể so với một tuần trước đó. Cụ thể, VN-Index tăng 1,97 điểm (0,34%), dừng ở 584,7 điểm, còn HNX-Index giảm 0,85 điểm (0,97%), còn 87,1 điểm. Như vậy, có thể nói dù chịu áp lực bán ra khá mạnh nhưng giá cổ phiếu cơ bản vẫn trụ vững, giao dịch giằng co là xu hướng chủ đạo trong các phiên. Trong tuần, hoạt động mua ròng của khối ngoại trên HoSE tập trung chủ yếu ở phiên cuối tuần do kỳ tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF, với 186,7 tỉ đồng, chiếm hơn 40% giá trị mua ròng cả tuần. Còn trên HNX, khối ngoại vẫn tiếp tục duy trì đà mua ròng như nhiều ngày qua. Tính chung trên cả hai sàn, khối ngoại mua ròng hơn 460 tỉ đồng.
Cổ phiếu JVC của Công ty cổ phần Thiết bị Y tế Việt Nhật trở thành “điểm nhấn” bất đắc dĩ tuần qua và cũng khiến cho nhiều người bất ngờ trước cách phản ứng với thông tin xấu của ban lãnh đạo doanh nghiệp này. Họ gần như không phản ứng gì trước những thông tin tiêu cực về doanh nghiệp mình, hệ quả là nhà đầu tư buộc phải “tháo chạy” hàng loạt. Những trường hợp tương tự, các doanh nghiệp thường phản ứng rất nhanh, công bố thông tin cải chính, tổ chức họp báo, chủ động liên hệ với các cổ đông…, nên giá cổ phiếu không bị giảm sàn nhiều phiên như JVC. Điều này không chỉ gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư, các cổ đông hiện hữu của công ty, mà về lâu dài sẽ khiến họ gặp khó khăn khi cần huy động vốn trên thị trường chứng khoán.
Việc Hạ viện Mỹ thông qua dự luật TPA, trao cho Tổng thống Barack Obama cơ chế đàm phán nhanh là thông tin từ bên ngoài có tác động tích cực đến thị trường chứng khoán nước ta. Nhiều nhà đầu tư tỏ ra hào hứng mua vào, đặc biệt là tìm mua những cổ phiếu của các doanh nghiệp được hưởng lợi từ Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Dù vậy, do dự luật TPA không bao gồm gói Hỗ trợ điều chỉnh thương mại (TAA) – sẽ được trả lại để thông qua tại Thượng viện – nên việc hoàn tất đàm phán TPP của Mỹ với các nước trong đó có nước ta sẽ còn mất thêm một khoảng thời gian.
Nếu chỉ xét trên góc độ đầu tư, thị trường dù đang tăng điểm nhưng cơ hội để đầu tư kiểu “lướt sóng” khá thấp, bởi không có nhiều cổ phiếu tăng điểm trong nhiều phiên liên tục. Cũng khó cho những ai chọn đầu tư theo nhóm ngành, bởi các cổ phiếu tăng giá không theo một nhóm ngành cụ thể mà có sự phân hóa rõ rệt. Cổ phiếu của một ngành thường chỉ tăng giá tối đa hai phiên, sau đó giảm để chuyển sang nhóm khác. Điều này có thể do kinh tế chung vẫn còn nhiều khó khăn và chưa định hình được ngành nào có lợi thế trong thời gian tới. Vậy nên sẽ có sự phân hóa trong từng doanh nghiệp và điều này khiến cho câu chuyện lợi nhuận quý II sắp được công bố trở nên quan trọng. Sẽ có một số nhóm cổ phiếu nổi bật thu hút dòng tiền, chính là nhóm cổ phiếu của các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tích cực trong quý II và tính chung cho sáu tháng đầu năm. Tuy nhiên, cũng có luồng quan điểm cho rằng các báo cáo kết quả kinh doanh chỉ phản ánh chuyện quá khứ, dù cũng là một yếu tố để đánh giá triển vọng tương lai nhưng không tác động mạnh bằng những yếu tố vĩ mô. Yếu tố vĩ mô sẽ tác động mạnh hơn đến dòng tiền chảy vào thị trường và vào triển vọng kinh doanh chung của doanh nghiệp.
Việc thanh khoản của thị trường giảm chứng tỏ lượng tiền vào thị trường chứng khoán không còn dồi dào. Trong khi đó, lượng cung cổ phiếu là rất lớn và nhiều doanh nghiệp vẫn đang liên tục phát hành thêm cổ phiếu. Nhà đầu tư chỉ chọn một số cổ phiếu tiềm năng vào danh mục, “bỏ rơi” các cổ phiếu khác. Điều này đã diễn ra trong phiên giao dịch đầu tuần (22-6). Chỉ cần một số mã trụ cột và có thông tin tích cực như VNM, VCB, BID, KDC, PVD… tăng mạnh cũng đủ giúp VN-Index tăng đến 9,38 điểm, dù xét theo số mã tăng/giảm thì thị trường khá cân bằng (103 mã tăng so với 99 mã giảm). Thanh khoản ở mức trung bình, với trị giá giao dịch đạt 2.182,118 tỉ đồng. Thị trường đang trong giai đoạn phân hóa mạnh mẽ.
Thành Huân (DNSGCT)