Được thành lập vào năm 2004, VietAbroader đã nhanh chóng trở thành một cái tên quen thuộc trong cộng đồng giới trẻ. Khởi đầu với mong muốn mang đến cho các học sinh, sinh viên Việt Nam những thông tin đa dạng về du học Mỹ, VietAbroader đã dần mở rộng với sứ mệnh “Truyền lửa cho tuổi trẻ Việt Nam”. Bắt đầu từ năm 2014, VietAbroader đã “lấn sân” sang lĩnh vực tư vấn nghề nghiệp, giúp giải đáp những băn khoăn “hậu du học”. Năm 2015, chuỗi chương trình nghề nghiệp VietAbroader bao gồm Ngày trò chuyện nghề nghiệp ở Hà Nội và Hội thảo nghề nghiệp ở TP.HCM với nhiều hoạt động giúp các bạn trẻ tìm kiếm thông tin, tìm kiếm cơ hội việc làm cũng như lắng nghe lời khuyên từ những đàn anh.
Sau du học sẽ là chân trời hồng?
Trong nhiều năm, VietAbroader đã thành công trong việc tập trung vào việc truyền cảm hứng đến các học sinh, sinh viên về những câu chuyện du học. Tuy nhiên, việc được du học tại những trường danh giá có bảo đảm được thành công cho các bạn trẻ trên con đường sự nghiệp? Với những bạn chưa có cơ hội đi du học, liệu con đường khởi nghiệp có thêm phần gian nan? Đó là những câu hỏi mà rất nhiều du học sinh cũng như sinh viên trong nước luôn băn khoăn. Phải làm gì để khởi nghiệp thuận lợi cũng như vượt được những thử thách trên con đường xây dựng sự nghiệp chính là một trong những chủ đề được các bạn trẻ quan tâm nhất. Với nhận định “Đối lập với nguyện vọng cao về tiềm năng thăng tiến và mức lương thưởng, các bạn trẻ vẫn đang cố định mình trong vùng an toàn với những định hướng mòn cũ, khi mà chính các bạn cũng chưa có sự chuẩn bị đầy đủ về kỹ năng và tâm thế cho công việc. Vì thế, với thị trường lao động có chất lượng đồng đều như hiện tại, những lối đi truyền thống ấy đang ngày càng khan hiếm cơ hội để các bạn phát triển tiềm năng và đạt được hoài bão của mình”, VietAbroader đã đặt mục tiêu xây dựng Chuỗi chương trình nghề nghiệp VietAbroader 2015 như một địa chỉ đáng tin cậy và là nguồn cảm hứng để các sinh viên phát huy tốt nhất tiềm năng ở bước ngoặt lớn của cuộc đời: tốt nghiệp đại học.
Tại TP.HCM, chương trình Hội thảo nghề nghiệp VietAbroader 2015: “Đón đầu cơ hội” bao gồm bốn hoạt động chính. Đầu tiên, chuỗi video huấn luyện trực tuyến được đăng tải mở rộng vào trung tuần tháng 6 với các chủ đề như khám phá bản thân, tìm việc, viết resume và phỏng vấn nhằm giúp các bạn chuẩn bị nền tảng cơ bản cho các hoạt động tiếp theo. Buổi Khơi nguồn cảm hứng (18-7-2015) dành cho 200 sinh viên là cầu nối truyền tải những câu chuyện độc đáo của các khách mời về phương pháp tìm kiếm cơ hội và phát triển sự nghiệp với vốn sẵn có. Vào ngày 26-7, sự kiện chính Hội thảo nghề nghiệp “Đón đầu cơ hội” sẽ diễn ra với các tọa đàm về những hướng đi được mở rộng từ các ngành nghề cơ bản. Lần đầu tiên, chương trình giới thiệu “Phòng Tư vấn nghề nghiệp” với cơ hội để các bạn trao đổi, tư vấn trực tiếp với những cố vấn đầu ngành. Bên cạnh đó, hội thảo cũng tạo cơ hội để các bạn trực tiếp tìm việc bằng cách phỏng vấn tại chỗ với gần 50 công ty hàng đầu trong phần Triển lãm nghề nghiệp buổi chiều. Sau cùng, trong hoạt động Ngày trải nghiệm, các bạn có cơ hội tham quan và tìm hiểu về văn hóa công ty mà các bạn mơước làm việc.
Tại Hà Nội, buổi trò chuyện nghề nghiệp VietAbroader 2015 mong muốn trực tiếp giải quyết hiện trạng thiếu kỹ năng hoặc chưa biết thể hiện kỹ năng trước nhà tuyển dụng của những bạn trẻ mới ra trường. Chương trình gồm hai buổi nói chuyện cuối tuần trong tháng 7 dành cho 40-50 sinh viên mỗi buổi, bao gồm cả du học sinh và sinh viên đại học trong nước, nhằm tạo sự tương tác trong không gian mở và gần gũi hơn hội thảo lớn. Buổi đầu tiên sẽ tập trung vào định hướng và trình bày với phần tọa đàm cùng đại diện nhân sự từ các công ty lớn và thảo luận chuyên đề “Việc làm nhỏ – cơ hội lớn”, “Những cú sốc văn hóa”, v.v… cũng như trực tiếp huấn luyện các kỹ năng như phân tích resume hay phỏng vấn thử và nhận phản hồi từ chuyên gia. Ở buổi thứ hai, các bạn được tham gia vào các tọa đàm chuyên biệt về từ ba đến năm nhóm ngành nghề phổ biến, qua đó hiểu thêm về thị trường lao động hiện tại, xu hướng tuyển nhân viên và khám phá những lựa chọn đa dạng ở mỗi lĩnh vực.
Khởi nghiệp cũng cần cảm hứng
Mở đầu cho chuỗi chương trình tại TP.HCM là buổi Khơi nguồn cảm hứng, nơi các sinh viên được giao lưu và trò chuyện với ba diễn giả: chị Chu Huệ Dung – Giám đốc vận hành và nhân sự, Everest Education, anh Trần Bá Khôi Nguyên – Giám đốc quốc gia, Maven Ventures Việt Nam; chị Đỗ Thị Thanh – Giám đốc điều hành, Telasoft. Ba vị khách mời lần lượt chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp của mình. Tuy khác nhau nhưng đều là những câu chuyện về người trẻ vừa tốt nghiệp đại học, chập chững từng bước trên con đường xây dựng sự nghiệp trong khi vẫn còn nhiều băn khoăn về những lựa chọn của mình. Không phân chia “du học” hay “học trong nước”, ba vị khách mời đều khẳng định khi vừa tốt nghiệp, vị trí và cơ hội của các bạn trẻ gần như tương đương và thành công hay thất bại đều tùy thuộc vào thái độ, khả năng của từng người. Đối với các du học sinh, lợi thế ngoại ngữ, phong cách làm việc hiện đại và những kiến thức cập nhật được học sẽ không đủ nếu các bạn không có thái độ cầu tiến và chăm chỉ. Ngược lại, chưa có cơ hội đi du học không có nghĩa là sinh viên tốt nghiệp trong nước không có cơ hội tìm kiếm việc làm tốt và khó thăng tiến trong công việc.
Từ kinh nghiệm của những người đi trước, ba vị khách mời đã phần nào “vẽ đường” cho các sinh viên biết nhà tuyển dụng cần tìm kiếm những tố chất nào, cũng như các bạn cần phải tự trau dồi bản thân ra sao nếu muốn có một sự khởi đầu thuận lợi. Sau phần chia sẻ của các khách mời, các bạn trẻ được cùng nhau thảo luận để đưa ra hướng giải quyết cho một số tình huống tưởng chừng oái oăm nhưng thật ra ai cũng có thể gặp trên con đường xây dựng sự nghiệp của mình. Buổi trò chuyện khép lại, nhiều câu hỏi đã được trả lời để các sinh viên sẵn sàng cho các hoạt động sắp tới của Chuỗi chương trình nghề nghiệp VietAbroader 2015.
Nhật Hà (DNSGCT)