Báo cáo của Ủy hội sông Mekong hồi đầu tháng 4 cho biết các đập nước trên dòng sông này có thể mất đi 60% lượng nước, 65% phù sa, đồng thời sự hạn chế dòng chảy sẽ làm hai quốc gia hạ nguồn sông Mekong là Campuchia và Việt Nam có thể thiệt hại 50% sản lượng cá, mà các giải pháp công nghệ thủy sản tốt nhất cũng khó lòng bù đắp được.
Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đã tiến hành thực hiện nghiên cứu nói trên trong vòng 30 tháng, với sự hỗ trợ từ Viện Thủy lợi Đan Mạch cùng sự hợp tác của các chuyên gia Lào, Campuchia.
Sông Mekong có vai trò rất quan trọng trong đời sống sinh hoạt và phát triển kinh tế xã hội của Campuchia lẫn Việt Nam. Dòng sông này cung cấp nguồn nước cho Biển Hồ – hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á, tạo ra môi trường sinh thái đồng bằng ngập nước đa dạng sinh học cho Campuchia và là điều kiện giúp nước này trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu cá nước ngọt hàng đầu thế giới.
Sông Mekong cũng có vai trò rất quan trọng đối với ngành nông nghiệp Campuchia vốn vẫn sử dụng phương thức sản xuất phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên. Trong số 11 đập thủy điện được xây dựng trên vùng hạ lưu sông Mekong, có hai đập nằm trên phần đất Campuchia.
Sau khi nghiên cứu và thảo luận, nhận thấy thực tế là các nước láng giềng ở hạ lưu đang phải chịu tình hình hạn hán và xâm nhập mặn khốc liệt nhất trong 20 năm qua, nhất là ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, ngày 23-3 Lào đã bắt đầu xả nước từ bốn hệ thống sông nhánh gồm sông Nặm U, Nặm Khan, Nặm Ngừm và sông Nặm Thơm với lưu lượng 1.136m³/s. Đây là một việc làm cần thiết và rất quan trọng để giúp đỡ các nước láng giềng.
Bộ trưởng Năng lượng Khammany cho biết Lào có kế hoạch sẽ xả nước cho đến cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6-2016. Ông bày tỏ tin tưởng với tổng lượng nước xả xuống hạ lưu sông Mekong là 3.610m³/s, gồm 1.136m³/s của Lào, 220m³/s của Thái Lan và 2.254m³/s của Trung Quốc sẽ giúp giảm được phần nào tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn gay gắt hiện nay tại khu vực hạ lưu.
Trong khi đó, các quan chức và chuyên gia Thái Lan cho biết tình hình hạn hán tại nước này đang diễn biến hết sức nghiêm trọng, đồng thời cảnh báo trong vòng bốn tháng rưỡi nữa Thái Lan phải có các chương trình cụ thể quản lý nguồn nước và sử dụng nước khoa học để tránh hậu quả khó lường.
N.N (DNSGCT)