Theo những số liệu mới nhất vừa được công bố, trong năm 2014, tổng số vốn ODA (viện trợ phát triển chính thức) trên toàn thế giới đạt 135,2 tỉ USD, cao hơn mức kỷ lục 135,1 tỉ USD của năm 2013. Tính chung, khoản tiền trên chiếm tỷ lệ 0,29% tổng thu nhập quốc gia (GNI) của những nước phát triển cam kết tham gia vào chương trình này. Tuy nhiên, theo những dữ liệu do Ủy ban Viện trợ Phát triển (DAC) thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Liên Hiệp Quốc (OECD) công bố, chương trình ODA đã để lộ một điều bất cập, đó là hình thức viện trợ song phương, dành cho những nước kém phát triển nhất, vốn chiếm gần hai phần ba tổng mức ODA, đã bị tụt mất 16%. Ngay con số 0,29% cũng nói lên tính bất ổn của chương trình, khi mà trước đây, các nước châu Âu hứa hẹn cung ứng 0,7% GNI của họ cho các nước nghèo. DAC gồm 28 nước thành viên, trong đó 13 nước đã gia tăng mức cung ứng vốn viện trợ, nổi bật là Phần Lan, Đức, Thụy Điển và Thụy Sĩ. Bên cạnh đó, có đến 15 nước không thực hiện đúng cam kết, đáng kể nhất là Úc, Canada, Pháp, Nhật, Ba Lan, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Trong một tuyên bố gần đây, chủ tịch DAC là ông Erik Solheim cho rằng viện trợ ODA vẫn còn rất quan trọng đối với những nước nghèo và xu thế cắt giảm hình thức viện trợ này cần được đảo ngược lại đối với những nền kinh tế ít phát triển nhất. Pháp cắt giảm ngân sách viện trợ bốn năm liên tiếp, còn viện trợ của Tây Ban Nha cũng xuống dưới mức thấp nhất kể từ năm 1989. Hà Lan tuy có tiến bộ trong cung ứng viện trợ ODA, song vẫn không đạt đến tỷ lệ 0,7% GNI như đã cam kết.
Lên tiếng về những bất ổn trong quá trình thực hiện chương trình ODA toàn cầu trong thời gian vừa qua, Oxfam, một liên hiệp quốc tế chống đói nghèo gồm 17 tổ chức hoạt động trên gần 91 quốc gia, kêu gọi cộng đồng thế giới đề ra những mục tiêu phát triển mới và một thỏa thuận nhằm đối phó với sự thay đổi khí hậu toàn cầu, đặc biệt tại Hội nghị Quốc tế lần thứ ba về tài chính cho phát triển sẽ diễn ra tại Addis Ebeba, Ethiopia, vào tháng 7 năm nay. Tại hội nghị này, Bộ trưởng Tài chính các nước tham dự sẽ tái cam kết đóng góp 0,7% GNI cho chương trình viện trợ ODA, theo một lịch trình rõ ràng. Dẫu gì thì thân phận các nước kém phát triển nhất sẽ phải là một ưu tiên trong bất cứ tiến trình nào trong kế hoạch phát triển bền vững sau 2015.
Lê Nguyễn tổng hợp (DNSGCT)