Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017-2018. Tuy nhiên, văn bản này được đánh giá là đang làm khó giáo viên…
Giáo dục dựa trên năng lực là gì?
Giáo dục dựa trên năng lực là một phương thức tiếp cận mới có thể góp phần quan trọng trong việc gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với nhu cầu xã hội và thị trường lao động. Mô hình này được hình thành và phát triển rộng khắp tại Mỹ vào những năm 1970 và phát triển mạnh mẽ trong những năm 1990 ở các nước châu Âu. Đây là cách tiếp cận giáo dục có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất để tạo ra sự phù hợp giữa giáo dục, đào tạo và nhu cầu về năng lực tại nơi làm việc và là cách thức chuẩn bị lực lượng lao động cho một nền kinh tế cạnh tranh toàn cầu.
Năng lực có thể hiểu là sự kết hợp của các khả năng, kỹ năng, phẩm chất, thái độ và hành vi của một cá nhân hay tập thể nhằm hoàn thành một công việc nào đó. Giáo dục dựa trên năng lực là sự kết hợp giữa giáo dục khai phóng và giáo dục nghề nghiệp, khái niệm nền tảng là việc áp dụng lý thuyết vào thực tế cuộc sống và lấy người học làm trung tâm. Theo đó, cách thức giáo dục này phát huy tối đa năng lực của từng học sinh, giúp các em tự tìm tòi, khám phá tri thức dựa trên sở thích và mối quan tâm riêng của chúng, từ đó các em có thể làm chủ tri thức, tư duy sáng tạo, phản biện và vận dụng tri thức vào giải quyết vấn đề trong cuộc sống. Một số nhà nghiên cứu cho rằng giáo dục dựa trên năng lực thường là dành cho giáo dục dạy nghề hoặc riêng ngành công nghệ thông tin. Nhưng thực tế, giáo dục theo năng lực dành cho tất cả học sinh, sinh viên đa ngành. Với sự phát triển mạnh của khoa học và công nghệ sẽ làm cho kiến thức lạc hậu rất nhanh nên giáo dục nếu chỉ hướng tới việc nắm vững kiến thức như truyền thống là một sự thiếu sót lớn. Do đó, giáo dục phải giúp học sinh, sinh viên có khả năng làm chủ kiến thức để giải quyết những vấn đề trong khoa học cũng như trong thực tế.
Mô hình giáo dục dựa trên năng lực nhấn mạnh đến kết quả đầu ra của người học, từ đó xây dựng và phát triển chương trình dạy và học, sau đó giảng dạy và xây dựng các phương pháp đánh giá nhằm đảm bảo rằng mục đích của giáo dục theo năng lực đạt được mục tiêu đề ra. Như vậy, yếu tố quan trọng của giáo dục năng lực là xây dựng được các tiêu chuẩn đầu ra rõ ràng, từ đó thiết lập được những điều kiện và cơ hội để khuyến khích người học có thể đạt được các mục tiêu ấy. Tuy nhiên, đầu ra của giáo dục dựa trên năng lực không chỉ thể hiện ở hiện tại mà có cho thấy ở tương lai, tức là khả năng người học sẽ làm được trong tương lai. Vì vậy, giáo dục dựa trên năng lực phải đảm bảo phát triển theo hướng cả chiều rộng và chiều sâu, tính tương hỗ giữa các môn học nhằm hình thành kiến thức, kỹ năng, giá trị, hành vi, và thái độ theo yêu cầu đề ra cho các em. Theo đó, giáo viên giữ vai trò hướng dẫn và thiết kế nội dung giảng dạy, còn học sinh phải tự xây dựng kiến thức và hiểu biết riêng của chúng thông qua khả năng tìm tòi, khám phá, sáng tạo, kiểm tra và quan sát. Các chương trình dạy học phải linh hoạt và đa dạng, hướng tiếp cận dạy dựa trên năng lực có thể tổ chức học theo nhóm, tự học, học theo sở thích và năng khiếu… Ngoài ra, giảng dạy dựa trên năng lực khuyến khích việc ứng dụng công nghệ, công cụ dạy học nhằm tối ưu hóa việc phát huy năng lực của người học. Hướng tiếp cận nội dung nhấn mạnh đến vai trò của phương pháp dạy học thì hướng tiếp cận năng lực quan tâm đến cách học, yếu tố tự học của người học.
Văn bản hướng dẫn gây khó cho các trường
Thực tế, việc áp dụng phương pháp giảng dạy theo năng lực thay vì giảng dạy theo nội dung, kiến thức ở Việt Nam vốn đã “chậm chân” nhiều năm so với đa số các nước tiên tiến trên thế giới. Vì vậy, việc “nôn nóng” áp dụng ngay cách dạy mới mẻ này là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, phải chăng vì muốn áp dụng một cách nhanh chóng mà “văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017-2018” chưa được nghiên cứu kỹ.
Theo văn bản này, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường tiếp tục rà soát nội dung trong sách giáo khoa, tinh giản những nội dung dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng học sinh, điều chỉnh để tránh trùng lắp nội dung giữa các môn học, hoạt động giáo dục. Đáng chú ý, văn bản yêu cầu “tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa” nhưng phải “bổ sung, cập nhật những thông tin mới phù hợp thay cho những thông tin cũ, lạc hậu”. Mặt khác, văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo mang tính thay đổi cả triết lý, mục tiêu giáo dục khi mà chương trình, nội dung sách giáo khoa vẫn chưa có gì thay đổi sẽ gây khó cho các trường. Vì chương trình xây dựng theo mục tiêu cũ vậy mà lấy chương trình cũ để đòi hỏi giáo viên thay đổi theo mục tiêu mới sẽ bị khiên cưỡng, chắp vá.
Theo TS Hoàng Thanh Tú, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, văn bản cần có hướng dẫn cụ thể hơn, còn nếu chỉ theo nội dung công văn nêu trên của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì sẽ thiếu sự nhất quán giữa nhà quản lý với những người trực tiếp thực thi là đội ngũ giáo viên. Công văn yêu cầu “tiếp tục rà soát nội dung dạy học trong sách giáo khoa hiện hành, tinh giản, điều chỉnh, cập nhật… thì căn cứ vào đâu để làm điều đó? Mặt khác, giáo viên lấy thông tin mới ở đâu? Lấy bao nhiêu là đủ? Nếu tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa mà không có mở rộng thì bài học sẽ khô cứng, thiếu hấp dẫn. Đáng chú ý, việc yêu cầu các trường phải sắp xếp cho phù hợp thực tế của mình thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nói rõ cơ sở nào để sắp xếp thành các chủ đề? Giáo viên hiện nay phần lớn chưa có khả năng phát triển chương trình nghĩa là chưa biết cách cấu trúc, sắp xếp lại chương trình. Ngoài ra, việc thay các hình thức cho các bài kiểm tra hiện hành là nên làm vì phải thông qua hoạt động, sản phẩm mới đánh giá được năng lực còn các bài kiểm tra viết chủ yếu kiểm tra kiến thức. Tuy nhiên, cần tập huấn cho giáo viên một cách tiếp cận hệ thống về chương trình thì mới có thể làm được. Chỉ cắt một khâu kiểm tra rời ra thì các nhiệm vụ sẽ không gắn kết với chương trình, mục tiêu cần đạt.
TS Hoàng Tú cho rằng việc hướng dẫn triển khai của Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa rõ ràng, dẫn đến các nhà quản lý hoặc giáo viên hiểu không đúng sẽ dẫn đến triển khai thực tế là lúng túng, việc đổi mới thành hình thức và không hiệu quả.