Sự sụt giảm này đặc biệt đáng chú ý trong số những phụ nữ trẻ ở Trung Quốc (TQ) và Ấn Độ, những người đàn ông Nga trung niên và những người già trên khắp thế giới.
Theo The Economist, ở mức độ toàn cầu, tỷ lệ tự tử đã giảm 29% kể từ năm 2000. Nhìn chung ở quy mô toàn cầu, nhờ số người tự vẫn giảm nên 2,8 triệu mạng người đã được cứu sống kể từ năm 2000.
Tại hầu hết các nước phương Tây, tỷ lệ này đã giảm trong nhiều thập niên. Số người tự vẫn ở TQ bắt đầu giảm trong những năm 1990. Tình hình cũng diễn ra tương tự ở Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ. Chỉ có Mỹ là ngoại lệ khi số người tự tìm đến cái chết đã tăng đến mức báo động là 18% trong thế kỷ này. Hai mươi năm trước, tỷ lệ tự vẫn ở Mỹ chỉ bằng một nửa của TQ, còn bây giờ lại cao gấp đôi. Theo trang tin Science Alert, năm 2016, gần 45.000 người chết vì tự tử ở Mỹ. Thực trạng được ghi nhận diễn ra phổ biến trên toàn đất nước này, ảnh hưởng tới mọi nhóm tuổi và thành phần nhân khẩu học.
Không có lý do chính nào cho xu hướng tích cực này nhưng có sự chú ý đặc biệt trong ba nhóm người. Một là nhóm phụ nữ trẻ ở TQ và Ấn Độ. Trước đây, ở TQ và Ấn Độ, nhiều phụ nữ trẻ thường chọn cái chết để giải quyết những bế tắc trong cuộc sống. Đáng mừng là xu hướng này đang giảm dần. Tỷ lệ phụ nữ trẻ TQ tự vẫn đã giảm 90% kể từ giữa những năm 1990. Một nhóm khác là tỷ lệ tự tử ở nam trung niên tại Nga cũng giảm mạnh. Sau sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết, tỷ lệ nghiện rượu và tự sát tăng vọt trong nhóm này.
Tuy nhiên, kinh tế và xã hội ổn định, nạn thất nghiệp đang giảm đã giúp nhiều người sống tích cực hơn. Chính sách hạn chế uống rượu ở Liên bang Xô Viết năm 1985 đã khiến tiêu thụ rượu giảm và kéo theo những người say xỉn tự tử giảm. Tình hình tương tự diễn ra dưới thời quản lý của chính quyền Vladimir Putin khi siết chặt hơn các chính sách hạn chế rượu trong năm 2005. Nhóm thứ ba là những người già trên khắp thế giới. Tỷ lệ tự sát ở người cao tuổi vẫn còn cao hơn so với phần còn lại của dân số, nhưng cũng đã giảm nhanh hơn so với các nhóm khác từ năm 2000 một phần nhờ các phúc lợi chăm sóc y tế được tăng cường.
Sự thay đổi tích cực trong xã hội góp phần quan trọng trong việc giảm tỷ lệ tự vẫn. Phụ nữ châu Á có nhiều tự do và cơ hội hơn trước đây, và nhờ đô thị hóa, người dân bị hạn chế tiếp cận với thuốc trừ sâu vốn là chất độc rất mạnh mà nhiều người sử dụng để tìm đến cái chết. Việc cấm sử dụng thuốc trừ sâu độc hại cũng đã có tác động rõ ràng đến tỷ lệ tự tử ở các nước như Hàn Quốc và Sri Lanka. Việc bán paracetamol và aspirin chỉ với số lượng rất nhỏ cũng có tác dụng tích cực trong xu hướng hạn chế những người tự tìm đến cái chết.
Tuy nhiên, thay đổi xã hội lại chịu trách nhiệm một phần về sự gia tăng tỷ lệ tự sát ở Mỹ, đặc biệt tăng lên nhiều nhất trong số những người trung niên, da trắng, nghèo – những nạn nhân của “cái chết tuyệt vọng” được Anne Case và Sir Angus Deaton, các nhà kinh tế học tại Đại học Princeton xác định. Ngoài ra, quyền sở hữu súng cũng là một yếu tố làm tăng các vụ tự sát “thành công” tại Mỹ. Một nửa số vụ tự tử của Mỹ có sử dụng súng. Sự khác biệt về tỷ lệ tự sát giữa các tiểu bang, dao động từ 26 người tự sát/100.000 dân mỗi năm ở Montana và 5/100.000 dân ở Washington, phần lớn được giải thích liên quan đến cấp độ sở hữu súng.