Thành phố Venice đang bị quá tải bởi sự có mặt của 20 triệu du khách mỗi năm, khiến các quan chức Ý bắt đầu tính tới việc xem xét giới hạn lượng khách có thể vào thành phố hoặc các địa điểm tham quan nổi tiếng.
Venice, nơi xưa kia từng là trung tâm của các hoạt động hàng hải và giao thương, nay đang là địa điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng đang có nguy cơ bị “xâm chiếm” bởi số lượng quá đông du khách ghé thăm.
Âm thanh chủ yếu của thành phố lãng mạn này giờ đây là tiếng lạch cạch của bánh xe lăn từ những chiếc vali kéo, kết hợp với tiếng bước chân trên cầu đi bộ, khi từng đoàn từng đoàn du khách ra bến để đi thuyền trên các tuyến kênh rạch của thành phố.
Các quan chức chính phủ Ý đang tỏ ra sốt ruột với cái mà họ gọi là “khách du lịch chất lượng thấp” và đang cân nhắc việc giới hạn số lượng du khách.
“Nếu bạn đến từ tàu biển, sau khi cập bến, bạn chỉ có hai hoặc ba tiếng đồng hồ, đi theo những người hướng dẫn, tới thăm các điểm nổi tiếng như quảng trường Piazzale Roma, cầu Rialto và quảng trường San Marco rồi quay lại”, Bộ trưởng Văn hóa Ý Dario Franceschini cho biết. Ông gọi đó là kiểu du lịch vội vã “vừa ăn vừa chạy” và không mang lại giá trị.
Ông Franceschini nói thêm: “Vẻ đẹp của các thị trấn Ý không chỉ là kiến trúc, mà còn là những hoạt động thực tế của các địa điểm, cửa hàng… Chúng ta cần phải lưu giữ bản sắc của chúng”.
Theo số liệu của chính quyền, nếu như năm 1951 có khoảng 175.000 người dân sống ở Venice thì tới nay con số này đã giảm hơn một phần ba, chỉ còn 50.000. Những người dân đang sống trong thành phố đã thành lập các hiệp hội để phản đối “những du thuyền lớn”. Tháng 6 vừa qua, 18.000 người Venice đã tham gia bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về tàu du lịch. Kết quả là đa số ủng hộ việc loại những chiếc tàu khổng lồ này ra khỏi khu vực thành phố. Nhiều cửa hàng đã vẽ hình những chiếc tàu du lịch lớn với hàm răng cá mập đang đe dọa ngư dân, in lên áo phông để bán làm đồ lưu niệm cho khách.
Chính Bộ trưởng Franceschini khi nhìn những dòng khách ùn ùn di chuyển trên quảng trường San Marco, cũng phải thừa nhận đây là “một cảnh tượng không thể chấp nhận” mà vấn đề chính là từ những chiếc tàu lớn.
Hiện nay lễ hội nghệ thuật có tên Biennale Venice được tổ chức vào ngày cuối tuần đã làm Venice chật cứng khách đến để khám phá các màn biểu diễn nghệ thuật, múa và sân khấu mới nhất.
Thế nhưng ông Paolo Baratta, Chủ tịch lễ hội Biennale Venice, phàn nàn rằng mặc dù ban tổ chức cố gắng xây dựng những mô hình hấp dẫn, nhưng những người đến từ tàu du lịch chỉ lướt qua ào ào mà chẳng quan tâm đến những gì đang diễn ra.
Vào ban đêm, phần lớn du khách quay trở lại tàu du lịch. Lúc ấy, Venice dường như mới được trở lại chính mình. Quãng thời gian êm ả này kéo dài cho tới bình minh. Lúc ấy, quảng trường San Marco hoàn toàn vắng lặng, chỉ có những con chim bồ câu và những người dân địa phương dậy sớm.
Nhưng cũng có một thực tế là những con tàu biển nói trên mang du khách tới, đồng nghĩa với việc mang đến nhiều tiền. Kể từ khi Venice không còn là trung tâm giao thương như xưa nữa thì thành phố này cần phải có tiền. Và các tàu du lịch không chỉ tạo ra thu nhập từ bán vé tham quan mà còn tạo công ăn việc làm cho toàn bộ chuỗi cung ứng, từ thợ cơ khí, bồi bàn cho đến “taxi trên sông”. Những người dân làm nghề chèo thuyền du lịch ở Venice cũng có công việc ổn định hơn.
- N.N
Xem thêm: