LTS: Như một hoạt động nhằm kỷ niệm 40 năm ngày đất nước thống nhất, từ 13-4 đến 24-4, một trại sáng tác hội họa đã được tổ chức tại Công viên đất nung Thanh Hà (Hội An) với sự tham dự của 18 họa sĩ nam và nữ đến từ TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng. Chiều 25-4 cũng tại địa điểm trên, cuộc triển lãm tranh đã được khai mạc trọng thể. Trước giờ khai mạc, ông Roby Bellemans, Giám đốc điều hành Công viên Thanh Hà đã có những ghi nhận về quá trình sáng tác của các họa sĩ dự trại.
Trước khi các họa sĩ khác khởi sự vẽ thì họa sĩ Nguyễn Văn Thuấn gần như đã hoàn thành tác phẩm của mình. Trông con người mạnh mẽấy bạn sẽ nghĩ ngay đến những nhát cọ mạnh mẽ, thế nhưng họa sĩ lại hết sức tỉ mỉ cho đến những đường nét cuối cùng trong tác phẩm của mình. Trong khi đó, tranh của nữ họa sĩ năng động Nguyễn Phương Hoa chứa đựng một cái nhìn sôi nổi. Bên cạnh cô ấy, họa sĩ Đoàn Việt Nga đang vẽ điều ngược lại: một hồ nước bình lặng với những con thuyền như đang nằm thư giãn. Tôi muốn đặt bức tranh này trong văn phòng làm việc, nó sẽ giúp đầu óc tôi thư thái để có thể chuẩn bị tốt cho lễ khánh thành công viên(*). Kế bên, họa sĩ Thái Vĩnh Thành đang dựng trên mặt tranh những ngôi nhà truyền thống Việt Nam. Ông không dùng cọ mà dùng dao trộn màu để những ngôi nhà cũng như những thân cây chung quanh nhà sẽ đạt hiệu quả thẩm mỹ hơn và làm cho không gian tranh trở thành ba chiều.
Ba họa sĩ kể trên đang làm việc ở bên ngoài sân của công viên. Tôi hầu như quên mất họa sĩ Phạm Hoàng Thuận Nhân đang ở bên trong: cô ấy tìm cho mình một nơi rất yên tĩnh, phía sau những bậc thang. Và có thể thấy họa sĩ Ngô Đoàn Thị Ngọc Uyển đã chiếm lấy một trong số các phòng khách, cô cần một nơi kín gió vì phải làm tranh cắt dán giấy (collage)… Gần đó, họa sĩ Lê Xuân Chiểu đang ngợi ca bằng màu sắc một bà cụ nghệ nhân làng gốm – người ngồi giữa các bình gốm cùng những tác phẩm khác mà cụ đã làm trong suốt cuộc đời mình. Họa sĩ Huỳnh Thị Minh Vân tìm cho mình một nơi an toàn trong góc nhà để vẽ. Ngày đầu tiên bạn có thể thấy trong tranh của cô một phố thị cổ kính với những người đạp xích lô, nhưng do họ phải lao động mỗi ngày nên bạn sẽ thấy họ ngày càng trở nên mệt mỏi. Trước chỗ Minh Vân ngồi, họa sĩ Bạch Thị Thanh Thủy đang tạo hình một người phụ nữ giữa những đèn lồng tròn, nhưng thoạt nhìn giống như cô đang sáng tác một bức tranh trừu tượng với rất nhiều những vòng tròn chung quanh.
Tôi cảm thấy thích thú khi có thể ngắm nhìn các nghệ sĩ làm việc mỗi ngày. Ví dụ, trong gian bếp, họa sĩ Võ Văn Y hiển nhiên đã được chính công viên gốm truyền cảm hứng nên chúng ta có thể thấy một sự phát triển thú vị về bố cục trong tranh ông khi sử dụng những màu đất tuyệt đẹp… Trong khi đó, trong tranh của họa sĩ Lê Hữu Nghiệm là những gì mà một người nước ngoài như tôi cảm thấy rất hấp dẫn: những phụ nữ Việt Nam duyên dáng trong tà áo dài và chiếc nón lá. Lớp đầu tiên của mặt tranh khá bằng phẳng, do họa sĩ vẽ bằng sơn dầu nên phải vài ngày để nó khô đi, sau đó mới vẽ lớp kế tiếp – lập tức bạn sẽ thấy sự khác biệt: qua mỗi lớp sơn bức tranh càng sống động hơn.
Phía ngoài gần khu triển lãm họa sĩ Nguyễn Văn Phượng đang làm việc. Chúng ta có thể thấy một màu sơn xanh đậm bí ẩn trong tranh. Đó hẳn là sông Thu Bồn. Màu vẽ chảy tràn ra khỏi bức tranh và trông có vẻ như họa sĩ đã mắc lỗi nghề nghiệp. Nhưng trên dòng sông sẫm màu ấy nổi lên những màu sắc rực rỡ và ta có thể biết vì sao du khách lại có ấn tượng mạnh khi ngắm nhìn Hội An vào ban đêm. Còn nhiều điều hơn nữa về Hội An mà chúng ta có thể thấy qua loạt tranh của họa sĩ Hoàng Anh và một lần nữa, thật thích thú khi được ngắm nhìn họ làm việc. Họa sĩ Hoàng Anh đang dùng những kỹ thuật rất thú vị, và thú vị hơn nữa khi đi đến gian phòng được dùng làm kho vật liệu xây dựng. Ở đây chúng ta thấy họa sĩ Nguyễn Thị Kim Chi với những bức tranh của cô ấy. Tranh Kim Chi không chỉ là sự quan sát và mô tả cách người dân làng gốm tạo tác sản phẩm: nó chính là sản phẩm của làng gốm. Thậm chí bạn còn có thể ngửi thấy mùi đất sét trong tranh. Còn tranh trừu tượng của họa sĩ Nguyễn Hồng Quân là một tác phẩm thi vị với bốn phần: Hội An, những dòng sông, công viên gốm và công việc làm đồ gốm ở Thanh Hà.
Cuộc triển lãm chỉ là những phản ánh ban đầu, song tôi lại muốn biết những gì các họa sĩ thực hiện tại đây sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến công việc của họ trong tương lai.
(*) Được xây dựng từ tháng 7-2011 trên diện tích hơn 6.000m2 với số vốn đầu tư lên đến 22 tỉ đồng, Công viên đất nung Thanh Hà (làng gốm Thanh Hà, phường Thanh Hà, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam) đã hoàn thành và đón khách tham quan. Công viên là nơi trưng bày các sản phẩm đặc trưng của làng gốm Thanh Hà; giới thiệu công nghệ gốm thuộc các làng nghề nổi tiếng như Bát Tràng, Thổ Hà, Phù Lãng, Chu Đậu, Hương Canh… cùng tác phẩm gốm của nhiều nghệ sĩ đến từ TP. Hồ Chí Minh và các nghệ sĩ địa phương đã dự trại sáng tác gốm mỹ thuật tại đây. Sau đợt sáng tác và triển lãm hội họa cuối tháng 4, đầu tháng 5-2015 này Công viên đất nung Thanh Hà sẽ chính thức làm lễ khánh thành.
- Roby Bellemans