Một buổi sáng trong cái nắng đầu thu, chúng tôi theo con tàu Tiên Sa rời bến sông Hàn ở trung tâm Đà Nẵng hướng về huyện Hòa Vang. Theo lời anh bạn địa phương, những ai muốn tìm thấy nét đẹp cổ xưa của vùng đất Quảng Đà thì không thể không tìm đến miền đất ngoại thành còn thưa vắng dấu chân du khách này.
Sông Túy Loan
Đến thôn Bồ Bản, nơi hai bên bờ sông có hàng tre xanh mát dày ken, cả đoàn lên bờ ghé thăm đình làng Bồ Bản rồi lại tiếp tục cuộc hành trình qua khu vực chợ cũ trên sông Túy Loan, đến đình làng Túy Loan có cây đa hơn 100 năm tuổi. Trải qua bao thăng trầm, đình cổ vẫn giữ được nét uy nghi trầm mặc. Được xây dựng lần cuối cùng vào năm 1889, đến nay đình làng còn gần như nguyên vẹn, nằm lặng lẽ dưới bóng đa cổ thụ chờ đợi mùa lễ hội. Sân đình có xây trụ biểu, bình phong, vẽ các câu đối… rất tỉ mỉ sắc sảo.
Đình Túy Loan
Quanh đình, phong cảnh làng quê thật đẹp với gam màu sống động đến từ dòng sông, bến nước, bãi bờ, đồng lúa, cầu, chợ… Xưa kia, làng Túy Loan là nơi hội tụ giữa đường thủy và đường bộ nên sớm phát triển sầm uất, nổi tiếng nhờ cảnh trên chợ dưới sông tấp nập. Chợ làng như là một trung tâm quy tụ hầu hết sản vật quanh vùng: Cá mắm từ Hội An, Đà Nẵng lên; lâm sản từ miền núi phía tây xuống; chiếu, nón, nong rổ ở Cẩm Nê về… Nghề làm bánh tráng và mì quảng ở Túy Loan nổi tiếng từ xưa. Để có bánh tráng ngon người làm phải chế biến đủ năm thứ gia vị gồm mắm, muối, đường, tỏi và mè. Còn để có con mì ngon dẻo cần phải dùng một loại gạo đặc biệt đến từ vùng đất cát không phèn của xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc.
Cách đình Túy Loan khoảng hai cây số theo đường sông là nhà cổ Tích Thiện Đường. Nhà được xây theo lối kiến trúc ba gian hai chái, mái lợp ngói âm dương đúng kiểu kiến trúc quen thuộc của những ngôi nhà hàng trăm năm tuổi ở làng quê xứ Quảng Đà. Để có đủ nguyên vật liệu xây nhà, chủ nhân xưa phải tìm đủ và chở gỗ mít từ Huế về ròng rã hàng mấy năm trời. Toàn bộ bàn thờ, phản ngồi, cột nhà… đều làm từ gỗ mít, trải qua hàng trăm năm tuổi đã lên màu nâu bóng. Những nét chạm trổ tinh xảo trên thủ thờ, xà ngang, cột nhà… là dấu ấn tài hoa của những người thợ làng mộc Kim Bồng (Hội An, Quảng Nam) một thời vang tiếng. Đến đây, nhiều người sống dậy những hoài niệm về một thời mà đời sống sinh hoạt gia đình gắn với chiếc cối đá xay gạo, nồi đất, mâm đồng…
Một hồ thủy lợi đẹp ở Hòa Vang
Không chỉ còn nhiều đình, nhà cổ, Hòa Vang cũng được biết đến với giáo xứ Hòa Sơn, nơi có nhiều nhà thờ tuổi đời hàng thế kỷ. Giáo xứ được thành lập vào năm 1876, do các linh mục người Pháp dòng Thừa Sai xây dựng. Giáo xứ bao gồm hai xứ đạo với sáu nhà thờ, hai nhà nguyện tạo thành một quần thể kiến trúc công giáo độc đáo, trong đó lớn và lâu đời nhất là nhà thờ Phú Thượng. Hoàn thành năm 1887, nhà thờ này toát lên vẻ cổ kính, uy nghi. Hiện nay, công trình đang được trùng tu để thay thế các cột gỗ giữa nhà thờ đã bị mối mọt làm hư hại. Đối diện nhà thờ Phú Thượng còn có một khuôn viên đẹp dành cho dòng tu kín. Cách đó không xa, nằm trên một ngọn đồi với nhiều cây cổ thụ xanh tốt tỏa bóng mát quanh năm, nhà thờ Hòa Ninh với những bức tường được lát bằng đá xanh lại khiến người ta liên tưởng đến các nhà thờ cổ tại thành phố Đà Lạt.
Cổng nhà thờ Phú Thượng
Nhà thờ Phú Thượng
Những nét riêng của Hòa Vang là thế, rải rác và lặng lẽ. Điều đó khiến cho kẻ muốn chiêm ngưỡng nét đẹp xưa phải lặn lội đi tìm để rồi nhớ mãi!
Nguyễn Văn Thanh
Ảnh Đăng Định, Nguyễn Anh Hoàng