Đoàn du khách chỉ có 16 người, hầu hết là những tín đồ Công giáo cao tuổi (chỉ có tôi là ngoại đạo), đi Israel với tâm niệm hành hương về nguồn, viếng những thánh tích có liên quan đến cuộc đời và hoạt động truyền giáo của Chúa Jesus từ khi Người ra đời ở Bethlehem trong một máng cỏ cho đến khi Người chịu nhục hình trên cây thánh giá trên đồi Golgotha. Chuyến đi để lại cho tôi nhiều ấn tượng sâu sắc, giúp cho tôi có thêm nhiều kiến thức về lịch sử cổ xưa của vùng Trung Đông như đã được miêu tả trong bộ Kinh Thánh (gồm cả hai phần Cựu Ước và Tân Ước).
Đặc biệt, trong chuyến đi này đã diễn ra hai sự kiện do ngành du lịch Israel sắp xếp, điều mà tôi chưa từng trải qua trong những chuyến đi du lịch ở các nước khác.
Sự kiện thứ nhất
Trong lịch trình tham quan có chuyến đi du thuyền trên biển hồ Galilée ở miền Bắc Israel, ghé thăm những địa điểm ven hồ như thành phố cổ Capernaum, nơi Chúa Jesus làm nhiều phép lạ, thăm nhà thờ thánh
Phê-rô, lên ngọn núi Bát Phúc (Tám mối phúc thật) để ngắm nhìn toàn cảnh hồ Galilée từ trên núi. Khi chúng tôi xuống du thuyền để bắt đầu khởi hành, thì bỗng thấy ở mũi thuyền lá quốc kỳ Việt Nam được kéo lên bên cạnh lá quốc kỳ Israel, đồng thời trỗi lên bản quốc thiều “Tiến quân ca”. Mọi người trong chúng tôi đứng lên, nghiêm trang chào quốc kỳ. Trong lòng tôi có một niềm xúc động đặc biệt, không ngờ ở một đất nước xa xôi tận Trung Đông, một đoàn du khách Việt Nam lại được đón tiếp trân trọng như thế. Đây là một việc thể hiện sự quý trọng và tình hữu nghị đối với đất nước Việt Nam chúng ta.
Tác giả trên bờ hồ Galilée
Sự kiện thứ hai
Đêm cuối cùng ở Jerusalem, ông giám đốc Công ty Du lịch Israel (đối tác với Công ty Carnival) đến khách sạn ăn bữa cơm tối với đoàn chúng tôi. Sau mấy lời phát biểu hữu nghị và cảm ơn, ông trao cho mọi thành viên trong đoàn chúng tôi hai văn bản, trong đó ghi rõ tên họ của từng người nhận:
1. Bức thư cảm ơn của Bộ trưởng Bộ Du lịch Israel có nội dung như sau: “Nhân chuyến thăm của ông đến Israel, tôi lấy làm hân hạnh được nhận ông là một người bạn chân chính của Israel. Xin cảm ơn ông về sự ủng hộ và tình đoàn kết mà chúng tôi đánh giá rất cao.Tôi rất vui lòng được chọn ông làm đại sứ du lịch tự nguyện cho Israel.Tôi hy vọng ông sẽ chia sẻ kinh nghiệm đầy ý nghĩa về chuyến đi này với các bạn của ông.Và tôi mong có thể đón ông trở lại”.
Thư cảm ơn có chữ ký của Bộ trưởng Du lịch Israel
2. Bản xác nhận có chữ ký của Bộ trưởng Du lịch Israel và thị trưởng Jerusalem, trong đó “công nhận ông Trần Vĩnh An là người đã hành hương đến Jerusalem, thành phố thiêng liêng, thủ đô của nước Israel”.
Việc làm này thật là một hành động rất khôn khéo. Tôi nghĩ rằng có lẽ họ làm như thế đối với một vài nước ít có người đến Israel, chứ đối với du khách đến từ châu Âu mỗi năm có hàng mấy triệu người, họ đâu có sức mà làm như thế.
Việc làm này không chỉ nhằm quảng bá cho ngành du lịch Israel mà còn mang ý nghĩa chính trị muốn tranh thủ bạn bè trên trường quốc tế, khi mà Israel nhiều lần bị dư luận quốc tế lên án vì “ăn hiếp” Palestine quá đáng. Trong bản xác nhận kể trên, họ tranh thủ khẳng định lại Jerusalem là thủ đô của Israel, điều mà các nước trên thế giới cho đến nay vẫn không thừa nhận.
Trần Vĩnh An