Vàng vốn được xem là một công cụ tài chính an toàn để đối mặt với lạm phát và khi đồng USD trượt giá. Vậy nhưng tuần qua kim loại quý này đã có cú lao dốc mạnh nhất kể từ sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008. Trong bối cảnh USD tiếp tục tăng giá suốt nhiều tháng nhờ nền kinh tế số 1 thế giới tiếp tục đà tăng trưởng vững chắc, sự thiếu ổn định tại thị trường Trung Quốc và vấn đề khủng hoảng nợ trở nên tồi tệ hơn ở Hy Lạp, giới đầu tư quốc tế đã tập trung nhiều hơn vào đồng USD, kéo theo đó là việc vàng bị mất dần sự hấp dẫn trên trường quốc tế. Kể từ sau năm 2008, giá vàng tiếp tục tăng mạnh trong nhiều năm liền và chạm mức cao kỷ lục gần 1.900 USD/ounce hồi tháng 8-2011, khi đó giới đầu tư dự báo rằng chính sách lãi suất siêu thấp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cùng với chương trình thu mua công trái phiếu khổng lồ của Mỹ sẽ phá giá đồng USD và nước Mỹ sẽ trải qua một giai đoạn lạm phát kéo dài. Tuy nhiên, dự báo ấy đã không xảy ra. Thay vào đó, lạm phát của nước Mỹ tiếp tục giữ vững dưới mức 2%, trong khi nền kinh tế nước này tiếp tục duy trì mức hồi phục tốt, làm bệ phóng vững vàng cho đồng USD tăng giá mạnh so với các đồng tiền mạnh trên thế giới gồm dollar Úc, euro, bảng Anh và yen Nhật.
Đầu tuần qua, giá vàng thế giới có lúc giảm xuống còn 1.106 USD/ounce, thấp nhất trong vòng năm năm qua và thấp hơn khoảng 40% so với thời điểm tháng 3-2010. Theo giới phân tích từ HSBC New York, dù không ít nhà đầu cơ vẫn bị hấp dẫn bởi kim loại quý này nhưng sẽ là một quyết định không sáng suốt nếu tiếp tục giữ vàng khi USD đang tăng giá mạnh và còn duy trì đà tăng trong năm nay cũng như năm 2016. USD càng ổn định khi FED đang tiến gần hơn tới việc đưa ra quyết định gia tăng lãi suất lần đầu tiên trong gần một thập niên qua. Khả năng USD tăng giá trong tháng 9 tới và giá trị lãi suất công trái phiếu Mỹ tăng theo đã giúp đồng USD không ngừng tăng giá so với nhiều ngoại tệ mạnh, đặc biệt là euro và yen Nhật. Trong năm qua, USD đã tăng khoảng 21% so với rổ tiền tệ mạnh. Dù vậy, theo giới quan sát từ Wells Fargo Asset Management, hành động bán tháo vàng để chuyển sang hẳn USD lại không phải là bước đi khôn ngoan, bởi khi mà ai cũng tin vào thị trường chứng khoán lẫn nền kinh tế Mỹ, mua vào USD và trái phiếu Mỹ, thì đó cũng là lúc giới đầu tư càng phải thận trọng hơn bao giờ hết.
B. Trịnh theo AP (DNSGCT)