Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman tuần qua đã có bài phát biểu về Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP), trong đó nổi lên một số nội dung cho thấy nền kinh tế của cả hai bên đều cần có sự hỗ tương để phát triển.
Trong vòng sáu tháng qua mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu đã có nhiều tiến triển quan trọng và hai bên chỉ có cơ hội duy nhất để đạt được hiệp định này từ nay đến cuối năm 2016.
Tại sao Mỹ và châu Âu cần có TTIP? Thứ nhất, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã có mối quan hệ kinh tế sâu rộng – đạt 3 tỉ USD trao đổi thương mại mỗi ngày, 4.000 USD đầu tư, tạo ra 14 triệu việc làm cho cả hai bên. Đó là lý do hai bên bắt đầu đàm phán về hiệp định này từ nhiều năm trước – một thỏa thuận có thể khiến hai bên cùng có lợi, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều rào cản. Những rào cản này tuy không cao như ở những thị trường khác nhưng nó vẫn tạo nên sự khác biệt giữa hàng xuất khẩu của hai bên vào thị trường của nhau. Hơn nữa, đối với nền kinh tế Mỹ và châu Âu, doanh nghiệp nhỏ chính là yếu tố quyết định việc làm và tăng trưởng kinh tế.
Tại Mỹ, 98% các doanh nghiệp xuất khẩu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, phần lớn các doanh nghiệp này chỉ xuất khẩu tới một quốc gia. Tại châu Âu, cứ 50 doanh nghiệp nhỏ thì mới có một doanh nghiệp xuất khẩu vào Mỹ. Vì vậy, Mỹ và châu Âu cần tạo cơ hội dành cho các doanh nghiệp nhỏ. Châu Âu nổi tiếng về sức cạnh tranh toàn cầu và sức sáng tạo cao. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa như Mittelstand của Đức có thể cạnh tranh với bất cứ công ty nào trên thế giới.
Ngoài hàng rào và việc tiếp cận thị trường, TTIP cũng nhắm vào những thách thức mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đối mặt, từ việc đưa sản phẩm vào thị trường đến thủ tục pháp lý – những yếu tố thường khiến các doanh nghiệp nhỏ lúng túng. Các doanh nghiệp lớn có thể thuê đội ngũ cố vấn và luật sư để vạch ra con đường phù hợp với quy định của các quốc gia, trong khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đối mặt với trình tự pháp lý khác nhau ở mỗi quốc gia. Họ không biết những sản phẩm của họ bị đối xử thế nào khi đến thị trường đó, từ đó không thể định giá và quảng bá sản phẩm. Đây là một trở ngại lớn trong hội nhập thương mại quốc tế. Thông qua TTIP, Mỹ và châu Âu sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện điều này dễ dàng hơn, giảm nguy cơ gặp khó khăn khi đưa sản phẩm vào thị trường.
V.K (DNSGCT)