Theo ông Anthony Lake – Giám đốc điều hành UNICEF, cần thực hiện một tiến trình mới quyết liệt hơn để giảm thiểu tình trạng trên. Đã có nhiều cố gắng được hỗ trợ bởi nguồn lực tương đối đầy đủ nhằm đảm bảo sức khỏe và sự sống còn của trẻ em, nhưng việc giảm thiểu tối đa tỷ lệ tử vong của trẻ nhỏ chưa tương xứng. Theo báo cáo từ bộ phận điều hành các vấn đề liên quan đến trẻ em của Liên Hiệp Quốc, ba căn bệnh đe dọa sự sống của trẻ em là sốt xuất huyết, viêm phổi và tiêu chảy, mỗi ngày đang cướp đi sinh mạng của 6.000 trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Ngoài ra, suy dinh dưỡng cũng là nguyên nhân của khoảng 50% số trẻ em bị tử vong.
Ấn Độ là một trong những nước có tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi cao nhất thế giới
Kể từ năm 1990, các quốc gia thuộc khu vực Đông Phi và Nam Phi đã giảm số lượng trẻ dưới 5 tuổi bị tử vong được hơn 50% so với trước đó, nhưng Tây Phi và Trung Phi vẫn không giảm được như vậy. Nigeria có hơn 30% trẻ em dưới 5 tuổi chết vì bệnh sốt rét và khoảng 20% liên quan đến HIV/AIDS. Tính bình quân, cứ tám trẻ em bị tử vong trên toàn thế giới thì có một trẻ của quốc gia Tây Phi này. Nếu tính từ năm 2005, những tiến bộ về bảo vệ sức khỏe trẻ em trên toàn thế giới đã nâng được tỷ lệ cải thiện khá ổn định là 4% mỗi năm. Những quốc gia như Bangladesh, Ethiopia và Brazil có diễn tiến tích cực nhất, một phần nhờ vào sự phát triển của hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Những can thiệp kịp thời để bảo vệ tính mạng trẻ em ngày một đa dạng, chẳng hạn việc cấp phát mùng màn chống muỗi, thuốc men, xây dựng hệ thống xử lý nước và đảm bảo nguồn cung cấp nước an toàn… đã giúp giảm đáng kể tỷ lệ trẻ em tử vong tại nhiều quốc gia. Tuy nhiên, tình trạng không thực sự tiến bộ ở Nigeria, Congo, Sierra Leone, Pakistan… đặt ra đòi hỏi phải khẩn trương thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp bảo vệ trẻ em thì mới hy vọng có được những thành quả đáng ca ngợi khi tổng kết quá trình hơn 20 năm cả thế giới nỗ lực vì các thế hệ tương lai của nhân loại.
B. Trịnh theo AP