Cuộc nghiên cứu do tổ chức Partners for Prevention tiến hành, trong khuôn khổ một dự án phối hợp giữa Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), Quỹ Dân số LHQ, tổ chức Phụ nữ LHQ và tổ chức Những người tình nguyện ngăn ngừa bạo lực giới tính tại châu Á – Thái Bình Dương, với sự hợp tác của Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Nam Phi cùng các toán nghiên cứu khác. Trong suốt hai năm, từ tháng 1-2011 đến tháng 12-2012, các tình nguyện viên trong chương trình nghiên cứu đã phỏng vấn 10.178 đàn ông trong độ tuổi trên sống tại sáu quốc gia châu Á – Thái Bình Dương gồm Bangladesh, Trung Quốc, Campuchia, Indonesia, Papua New Guinea và Sri Lanka, về những vấn đề nhạy cảm liên quan đến đời sống tình dục của họ. Nếu tính theo từng quốc gia trong số sáu nước đã diễn ra cuộc nghiên cứu thì Indonesia và Papua New Guinea có số người trả lời phỏng vấn xác định đã sử dụng bạo lực tình dục với phụ nữ nhiều nhất, và ít nhất là ở Bangladesh.
Một cuộc biểu tình chống tội phạm tình dục tại châu Á
Các nhà nghiên cứu đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu các nguyên nhân dẫn đến tội phạm tình dục tại châu Á – Thái Bình Dương và nhận được giải đáp của hơn 70% những người trả lời phỏng vấn là do họ tự thấy mình có quyền như thế, trong khi gần 60% coi đó là “trò tiêu khiển” và 37,9% nhằm “trừng phạt” nạn nhân (!). Hơn 50% người trong cuộc cảm thấy có tội và không đến 25% xác nhận từng bị bỏ tù vì tội cưỡng dâm. Rượu với những hậu quả tất yếu của nó (say sưa, mất tự chủ…) cũng góp phần không nhỏ vào tình hình tội phạm tình dục khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Một chi tiết không thể bỏ qua trong nội dung kết quả nghiên cứu, đó là gần 60% số đàn ông từng phạm tội cưỡng dâm khi trong độ tuổi thiếu niên, vì thế, trong chương trình phòng chống tội phạm tình dục, cần quan tâm đến nam giới trong độ tuổi thanh thiếu niên, giúp họ bù đắp phần nào những khoảng trống trong đời sống tinh thần.
Lê Nguyễn tổng hợp