Giá cả đất đai luôn nhạy cảm với các thông tin liên quan đến quy hoạch. Gần đây nhất, tình hình này nóng lên tại các địa phương được kỳ vọng trở thành đặc khu kinh tế, nếu Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 10 tới, đó là Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang với những phi vụ đầu cơ, chuyển nhượng mang yếu tố tiêu cực.
Mới đây Bộ Xây dựng đã phải vào cuộc qua một công văn gửi tới ba tỉnh nói trên yêu cầu trong thời gian ngắn phải kiểm soát tình hình giá đất.
Thời gian vừa qua, báo chí có phản ánh việc xuất hiện tình trạng một số nhà đầu tư cá nhân chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng, đất nông nghiệp; chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái quy định pháp luật, có hiện tượng giá đất nền tăng cao trong thời gian ngắn tại khu vực Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa), làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản.
Để quản lý, ổn định thị trường này, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh nói trên tổ chức kiểm tra, làm rõ nguyên nhân gây ra biến động của thị trường, tổ chức thanh tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, pháp luật về kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan theo thẩm quyền.
Các biện pháp cần thiết sẽ được chính quyền ba tỉnh trên chỉ đạo các Sở, ngành chức năng triển khai các biện pháp cần thiết để ổn định thị trường bất động sản; kịp thời thông tin cho các cơ quan, tổ chức, người dân về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, quy hoạch, kế hoạch phát triển hạ tầng và đô thị, định hướng, kế hoạch và chương trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương để minh bạch thông tin thị trường, ngăn chặn các hiện tượng đầu cơ tăng giá bất động sản.
Theo Bộ Xây dựng, các địa phương trên cũng đề xuất các biện pháp để ổn định thị trường, phòng ngừa và ngăn chặn hiện tượng đầu cơ, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật; ngăn chặn việc phân lô bán nền trái quy định; chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng, đất nông nghiệp làm tăng giá bất động sản bất hợp lý tại những khu vực nêu trên, không để xảy ra tình trạng sốt nóng giá đất nền và dẫn đến hiện tượng bong bóng bất động sản.
Công văn yêu cầu các địa phương trên có văn bản về kết quả thực hiện gửi về Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) trước ngày 7-5.
Trong một báo cáo gần đây, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết đất nền tại Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc có nơi đã chạm mốc 60 triệu đồng mỗi mét vuông bởi nhiều người kỳ vọng nơi đây sẽ trở thành đặc khu kinh tế. Giới chuyên gia cảnh báo quy hoạch đặc khu vẫn chưa được phê duyệt chính thức nên nhà đầu tư cần tìm hiểu thông tin chính thống từ chính quyền địa phương.
Riêng tại Vân Đồn, đơn vị này cho biết trong quý I-2018 tình trạng gom đất nền, đất thổ cư xảy ra nhộn nhịp.
Tại Phú Quốc (Kiên Giang), đất đang được săn tìm do tin đồn địa phương này dành nhiều chính sách ưu đãi trong đầu tư.
Trong khi đó tại Khánh Hòa, nhiều nhà đầu tư lớn và cá nhân ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hạ Long, Nha Trang đã đến tham khảo hiện trạng và giao dịch mạnh tại các khu vực đất thuộc Bắc Vân Phong.
Cũng chuyện đất đai nhà cửa nhưng dưới một góc độ khác là tuần qua Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế tài sản nhà giá trị trên 700 triệu đồng, nhưng đang gặp phản ứng gay gắt của dư luận xã hội.
Trong một dự thảo gửi Chính phủ về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tài sản, theo đó Bộ Tài chính đề xuất sẽ đánh thuế tài sản đối với đất ở, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, đất phi nông nghiệp nhưng sử dụng vào mục đích kinh doanh hoặc để ở.
Bên cạnh đó, nhà và công trình trên đất có giá trị trên 700 triệu đồng hoặc 1 tỉ đồng, ôtô có giá trị từ 1,5 tỉ đồng trở lên, tàu bay, du thuyền… cũng sẽ bị đánh thuế.
Hai phương án thuế suất thuế tài sản được tính đến là áp dụng mức thuế suất thuế tài sản chung là 0,3% hoặc 0,4%. Theo Bộ Tài chính thì mức thuế suất thuế tài sản ở một số nước thấp nhất là 0,2%, đa số các nước áp dụng mức thuế suất thuế tài sản cao, chẳng hạn như Indonesia là 0,5%.
Với thuế suất 0,3%, dự kiến số thu thuế tài sản khoảng 22.700 tỉ đồng nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 1 tỉ đồng. Còn nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng thì số thu thuế tài sản sẽ khoảng 23.300 tỉ đồng.
Với phương án thuế suất 0,4%, số thu thuế tài sản khoảng 30.300 tỉ đồng nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 1 tỉ đồng hoặc khoảng 31.000 tỉ đồng (nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng).
Với tất cả các phương án trên, Bộ Tài chính đề nghị thực hiện theo phương án thuế suất 0,4% và áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng.
Đề xuất được Bộ Tài chính giải thích như sau: Kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều quốc gia đánh thuế nhà, trong đó có nhà sử dụng cho mục đích kinh doanh vì cho rằng người được hưởng lợi từ việc sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông, phúc lợi xã hội sẽ phải có nghĩa vụ đối với Nhà nước.
Hàn Quốc quy định các loại nhà chịu thuế tài sản gồm nhà ở, nhà cho sân golf và các dịch vụ xa xỉ, tòa nhà dùng để làm nhà máy ở khu dân cư và các tòa nhà với mục đích khác; Đài Loan quy định các loại nhà chịu thuế là nhà ở và nhà, công trình xây dựng cho mục đích thương mại; Singapore quy định thu thuế đối với nhà ở, tòa nhà…
Ở Việt Nam việc đánh thuế đối với nhà và công trình thương mại, dịch vụ sẽ có tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, về nguyên tắc, thu thuế về tài sản, bất động sản là phù hợp với thông lệ quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh thuế bất động sản của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên phải tính toán làm sao cho vừa sức dân, điều mà người dân phản ứng là Bộ Tài chính đã áp đặt một mức 700 triệu đồng để đánh thuế, là một cách vận dụng định mức rất lỗi thời. Người dân đã phải bỏ tiền ra, phải vay ngân hàng để mua nhà, giờ lại bị đánh thuế nữa thì sẽ rất khó khăn.
Còn theo luật sư Nguyễn Xuân Anh (Hà Nội), đề xuất này nếu được thông qua sẽ làm triệt tiêu hoặc phương hại tới quyền lợi của đại đa số người dân sở hữu nhà.
Đánh giá việc giải thích học hỏi kinh nghiệm từ các nước, luật sư Xuân Anh cho rằng “lý giải” này chưa chặt chẽ bởi các quốc gia văn minh thường áp dụng đánh thuế từ căn nhà thứ hai trở đi.
Ý kiến khác của luật sư Vũ Tiến Vinh (Hà Nội) cho rằng dự thảo cần đánh giá tác động đến nền kinh tế, đời sống xã hội của người dân.
Pháp luật hiện nay quy định người có thu nhập có thể phải chịu thuế thu nhập cá nhân. Khi nhận chuyển nhượng đất đai, nhà ở thì họ phải chịu lệ phí trước bạ và một số phí, lệ phí khác. Trong quá trình sử dụng, chủ tài sản phải chịu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (nộp hằng năm). Khi chủ sở hữu chuyển nhượng cho người khác thì họ phải chịu thuế thu nhập cá nhân (nếu thuộc đối tượng và diện chịu thuế). Như vậy, chủ sở hữu tài sản chịu thuế cho toàn bộ quá trình từ khi có thu nhập, mua tài sản đến khi bán tài sản.
Ông Vinh cho rằng ở nhiều nước phát triển, luật này không phải là mới, việc áp dụng cũng khá thuận lợi, không gặp nhiều vướng mắc. Tuy nhiên, để có được điều đó thì họ đã phải bỏ ra nhiều năm để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản của công dân và một loạt các chế định để hệ thống dữ liệu luôn được cập nhật kịp thời. Với nước ta, do nhiều nguyên nhân, nếu luật này được thông qua thì việc thực thi không được thuận lợi như vậy.
Dù mới chỉ là đề xuất của Bộ Tài chính nhưng dự thảo này còn quá nhiều vấn đề phải giải quyết và làm rõ.