- Các nhà nghiên cứu của Nhật Bản vừa phát hiện một mỏ đất hiếm có trữ lượng khổng lồ, đủ để đáp ứng nhu cầu của nước này trong hàng trăm năm. Hãng tin CNBC dẫn một báo cáo được công bố cách đây ít ngày cho biết mỏ đất hiếm nói trên nằm ở một khu vực đáy biển có diện tích khoảng 965 dặm vuông thuộc Ấn Độ Dương, gần đảo Minamitorishima, cách Tokyo 1.150 dặm về phía đông nam có 16 triệu tấn oxide đất hiếm. Lượng đất hiếm này tương đương với nguồn cung yttrium trong 780 năm, europium trong 620 năm, terbrium trong 420 năm, và dysprosium trong 730 năm.
Phát hiện này “có tiềm năng cung cấp các loại đất hiếm nói trên một cách bán vô tận cho thế giới”, báo cáo viết. Đất hiếm là những kim loại giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong sản xuất những sản phẩm công nghệ cao như ôtô chạy điện, điện thoại di động và pin. Tờ Wall Street Journal cho rằng mỏ đất hiếm vừa được tìm thấy có thể đưa Nhật Bản cạnh tranh với Trung Quốc để trở thành quốc gia sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới.
- Tập đoàn Dầu khí Aramco của Saudi Arabia đã ký thỏa thuận với ba đối tác Ấn Độ để xây dựng một khu liên hiệp lọc hóa dầu Ratnagiri khổng lồ trị giá 44 tỉ USD nằm tại bờ biển phía tây Ấn Độ với công suất có thể đạt tới 1,2 triệu thùng dầu mỗi ngày. Ratnagiri được mong đợi sẽ là một trong những dự án lọc hóa dầu lớn nhất thế giới và sẽ được thiết kế để đáp ứng nhu cầu nhiên liệu và các sản phẩm hóa dầu đang phát triển nhanh của Ấn Độ. Đây là thỏa thuận mới nhất của Aramco sau những hợp đồng với các đối tác Pháp, Mỹ và châu Á nhằm tìm kiếm thị trường an toàn cho các sản phẩm của mình. Aramco cũng đang đàm phán với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc để xây dựng nhà máy lọc dầu có công suất 260.000 thùng dầu/ngày.
- Theo nhận định của báo chí quốc tế, chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump có thể hướng các biện pháp bảo hộ vào các quốc gia Đông Nam Á trong đó Thái Lan dường như sẽ là mục tiêu đầu tiên. Cơ quan này dự kiến sẽ có một báo cáo vào giữa năm nay, phân tích chính sách tiền tệ của các đối tác thương mại và một báo cáo tương tự vào tháng 10 tới. Trong báo cáo mới nhất, các quốc gia: Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc vẫn trong danh sách xem xét như các báo cáo trước đó. Việt Nam và Malaysia cũng nằm trong số các nước có xuất siêu lớn sang Hoa Kỳ, khiến cho hai nước này cũng có thể trở thành mục tiêu. Teppei Ino, nhà phân tích cao cấp của chi nhánh Ngân hàng MUFG tại Singapore tin tưởng rằng, Thái Lan đã thỏa mãn toàn bộ các tiêu thức để đưa vào danh sách xem xét.
- Nuôi côn trùng làm thức ăn gia súc kiếm tiền triệu ở Canada.Thay vì ăn đậu nành hay các loại hạt khác, giờ đây heo, gà có “cơ hội” chuyển sang ăn thức ăn giàu protein làm từ côn trùng được cấp bởi các trang trại nuôi côn trùng đang mọc lên như nấm ở Bắc Mỹ và đặc biệt là Canada. Là một trong những công ty nuôi côn trùng mới nổi ở Vancouver (Canada), Công ty Enterra Feed sẽ biến các ấu trùng mà họ nuôi thành loại thức ăn giàu protein cho cá, gia cầm, gia súc và thậm chí thú cưng. Mặc dù chỉ có quy mô nhỏ nhưng ngành nuôi côn trùng đã nhận được sự chú ý và đầu tư từ một số công ty lớn trong ngành kinh doanh thức ăn động vật trị giá 400 tỉ USD/năm, trong đó có tập đoàn hàng đầu thế giới về sản xuất nông sản Cargill (Mỹ), Công ty Wilbur-Ellis (Mỹ) và tập đoàn chuyên cung cấp máy móc sản xuất nông nghiệp Buhler (Thụy Sĩ). Gã khổng lồ thức ăn nhanh McDonald’s của Mỹ cũng đang nghiên cứu dùng côn trùng làm thức ăn cho gà để giảm sự phụ thuộc vào nguồn protein từ đậu nành.