Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thường dựa trên câu chuyện thành công trong hiện tại và quá khứ để dự đoán và đưa ra các giải pháp cho tương lai. Tư duy theo cách này cũng tương tự như việc chúng ta giúp một người bằng cách “cho cá” thay vì chỉ anh ta “cách câu” và làm cho chúng ta mất dần năng lực sáng tạo của mình. Tiến sĩ Shozo Hibino, đồng tác giả của Beakthrough Thinking: The Seven Principles of Creative Problem Solving (tạm dịch: Tư duy đột phá – 7 Nguyên tắc giải quyết vấn đề sáng tạo), một cuốn sách thuộc hàng “New International Bestseller” (sách bán chạy trên thế giới) do Nhà xuất bản Prime Lifestyles tái bản lần hai năm 1998, cho rằng trong một môi trường kinh doanh toàn cầu hóa với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, tương lai sẽ khác nhiều với hiện tại hay quá khứ, và vì vậy cách “tư duy theo kiểu phân tích” (Analytical Approach) hay theo mô hình của Descartes sẽ không còn phù hợp. Thay vào đó, các nhà lãnh đạo nay cần phải chủ động kiến tạo tương lai, đưa ra những giải pháp đột phá và hướng đến những kết quả vượt bậc. Để tư duy đột phá, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải thường xuyên đặt ra các câu hỏi về mục đích của mình trong tương lai, từ đó tìm ra những giải pháp khả thi và thiết kế ra các chương trình hành động cụ thể. Các tác giả gọi đó là “Phương pháp thiết kế” (Design Approach) trong tư duy.
Hibino hiện là Giáo sư hoạch định và thiết kế của Đại học Chukyo, Nhật, đồng thời là Phó chủ tịch của Trung tâm Tư duy đột phá. Ông từng đến Việt Nam nhiều lần (lần sau cùng là vào đầu năm 2013) để chia sẻ với các doanh nhân qua các cuộc hội thảo về chủ đề tư duy đột phá. Cùng với Tiến sĩ Gerald Nadler, Chủ tịch của Trung tâm Tư duy đột phá, đồng thời là một nhà tư vấn cho các công ty và tổ chức hàng đầu ở Bắc Mỹ, các tác giả đã đem đến cho người đọc một “phần mềm dành cho trí não” thông qua Tư duy đột phá. Hibino và Nadler cho rằng: “Sao chép mô hình của người khác chỉ khiến chúng ta tụt hậu thêm. Vì khi chúng ta đang lao vào áp dụng thì đối thủ của chúng ta đã có những thay đổi và cải tiến xa hơn, giúp họ đi trước chúng ta một lần nữa. Điều bạn cần thực hiện không chỉ là đủ sức cạnh tranh mà còn phải vượt trội – để làm được điều đó, bạn phải áp dụng tư duy đột phá”.
Đọc Tư duy đột phá sẽ nắm bắt được bảy nguyên tắc và quy trình “triển khai” tư duy đột phá với nhiều câu chuyện dẫn chứng khá thú vị từ thực tiễn hơn 30 năm nghiên cứu của các tác giả. Có thể tóm tắt những nguyên tắc này như sau.
1. Sự khác biệt (Uniqueness): Ngay từ đầu cần giả định là mọi vấn đề hay cơ hội mà bạn đang đối diện đều có những khác biệt đặc thù, không giống hoàn toàn với bất cứ vấn đề hay cơ hội nào khác. Toyota đã không áp dụng rập khuôn những kinh nghiệm thành công của Ford mà đi tìm hướng phát triển riêng cho mình bởi nhận thức được sự khác biệt về quy mô, văn hóa của họ với Ford.
2. Thiết lập mục đích (Purposes): Tìm hiểu cặn kẽ mục đích lớn hơn của từng mục đích nhỏ để tìm ra giải pháp mang tính đột phá. Mục đích lớn hơn (susbtantial purspose) là cơ sở để tư duy sáng tạo. Sự khác biệt trong môi trường, cơ hội sẽ dẫn đến sự khác biệt về mục đích. Không dừng lại ở việc suy nghĩ mục đích của các đường băng chuyền là để di chuyển phụ tùng từ điểm này sang điểm khác như lối tư duy của Ford, các nhà lãnh đạo của Toyota đã suy diễn đến mục đích cuối cùng của chúng là sản xuất những chiếc xe hơi đáp ứng kịp lúc (just-in-time) nhu cầu của khách hàng và giúp họ giảm chi phí tồn kho.
3. Giải pháp tiếp theo (Solution-after-next): Phát triển những giải pháp lý tưởng cho mục tiêu trên cơ sở đưa ra những chuẩn mực cao nhất (absolute benchmark). Chẳng hạn, chuẩn mực mà Toyota đưa ra khi xây dựng giải pháp tồn kho là “no time, no cost, no defect” (không mất thời gian, chi phí và không có hàng lỗi). Với cách tư duy này, giải pháp sẽ được phát triển từ những mục đích và chuẩn mực cao nhất chứ không phải từ những vấn đề khó khăn trong hiện tại. Điều đó cũng có nghĩa là bạn không phải mất nhiều thời gian, công sức để phân tích đối thủ cạnh tranh đang có những gì mà chỉ cần tập trung suy nghĩ đến những cái tốt nhất mà mình muốn đạt đến.
4. Thiết lập hệ thống (Systems): Mọi vấn đề không tồn tại độc lập, riêng lẻ mà có liên quan đến các vấn đề khác. Giải pháp cho từng vấn đề phải được xác định rõ trong hệ thống qua mối quan hệ hữu cơ với các vấn đề và giải pháp khác.
5. Đặt giới hạn thu thập thông tin (Limited information collection): Khi tiếp cận một vấn đề, bạn có thể tiết kiệm thời gian và công sức bằng cách không thu thập thông tin tràn lan và cũng không nên xem xét lại các nghiên cứu đã được thực hiện đúng đắn. Chỉ nên tập trung vào việc thu thập những thông tin phục vụ mục đích đã vạch ra.
6. Huy động những tiếng nói khác nhau nhưng có cùng mục đích (People design): Trong một tổ chức, mọi người có thể có những quan điểm khác nhau, nhưng nếu họ có chung mục đích thì nên mời họ tham gia vào việc đưa ra các giải pháp để đạt mục đích ấy. Thay vì mất hơn một năm và khoản tiền lên đến 500 triệu USD để nhờ một công ty tư vấn độc lập xây dựng các chiến lược thâm nhập thị trường Nhật, một công ty của Mỹ chỉ mất khoảng sáu tháng và một chi phí khiêm tốn để làm điều đó bằng cách vận dụng cách tư duy đột phá từ tất cả các nguồn nhân lực nội bộ.
7. Thay đổi và cải tiến liên tục (Betterment timeline): Đó chính là thực hiện “Kaizen”. Một giải pháp từng được xem là tốt nhất cũng có thể trở nên lạc hậu trong một tương lai không xa. Người có tư duy đột phá không thể là những người chờ vấn đề phát sinh rồi mới tìm giải pháp khắc phục.
Một yếu tố quan trọng khác khiến cho Tư duy đột phá ngày càng trở nên phổ biến và có sức sống theo thời gian chính là sự giản dị trong lối dẫn chuyện và phân tích của các tác giả. Nói như Warren Bennis, Giáo sư Quản trị kinh doanh của Đại học Southern California, “đó là một cuốn sách rõ ràng và dễ hiểu tuyệt vời, nó chỉ cho bạn cách thức đạt đến sự xuất sắc”.
Đông Dương (DNSGCT)
* Quyển sách này hiện có trên Tủ sách Doanh nhân, website: https://doanhnhanplus.vn/product-category/sach-3/.