Nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới Amazon sẽ khởi động một chương trình hợp tác cùng Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể bán hàng, xuất khẩu qua hệ thống mạng lưới tổ chức của nhà bán lẻ trực tuyến này. Có thể xem đây là bước đi đầu tiên vào thị trường Việt Nam của “đại gia” hàng đầu thế giới từng khuấy động thị trường bán lẻ nhiều nước, đe dọa tương lai không ít doanh nghiệp nội địa.
Thông tin này gây xôn xao và lo âu trong giới bán lẻ, bởi trước khi vào Việt Nam, Amazon đã làm điêu đứng không ít thị trường, đe dọa tương lai của nhiều doanh nghiệp không kịp thích ứng với hoạt động thương mại điện tử ngày càng hiệu quả. Với ưu điểm tiện lợi, tiết kiệm thời gian, Amazon đang vươn lên trở thành một kênh thương mại điện tử có lượng người tin tưởng mua hàng cao nhất.
Cùng với sự phát triển ấy, các cửa hàng, công ty bán lẻ bị đe dọa trực tiếp. Hàng loạt cửa hàng phải đóng cửa hoặc thay đổi chiến lược kinh doanh, lượng người lao động làm việc trong lĩnh vực này cũng sụt giảm một cách nhanh chóng.
Việt Nam là một thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh. Theo thông tin của VECOM, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của nước ta năm 2017 đạt trên 25% và có thể được duy trì trong giai đoạn 2018-2020.
Tốc độ tăng trưởng trong một số lĩnh vực cụ thể rất ngoạn mục. Cụ thể, với lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, thông tin từ hàng nghìn website thương mại điện tử cho thấy tỷ lệ tăng trưởng doanh thu năm 2017 tăng 35%. Khảo sát gián tiếp qua một số doanh nghiệp chuyển phát cho thấy tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ chuyển phát từ 62% đến 200%.
Lĩnh vực thanh toán, năm 2017, tăng trưởng số lượng giao dịch trực tuyến thẻ nội địa khoảng 50% so với 2016 trong khi giá trị giao dịch tăng trưởng tới 75%. Còn trong lĩnh vực tiếp thị trực tuyến, một số công ty tiếp thị liên kết (afiliate marketing) có tốc độ tăng trưởng năm 2017 đạt từ 100% đến 200%. Số liệu trên đây tỏ ra hấp dẫn với Amazon khi quyết định đặt chân vào Việt Nam.
Có thể nói, với sự góp mặt của Amazon, thị phần bán lẻ trực tuyến trong nước chắc chắn sẽ thay đổi trong thời gian tới. Khi ngày càng có nhiều người tiêu dùng lựa chọn phương thức mua sắm tiện nghi từ máy tính hoặc điện thoại di động, thì cuộc chiến giữa các nhà bán lẻ trực tuyến cũng tiếp tục gay cấn hơn, những ông lớn không ngừng đẩy nhanh việc mở rộng tham gia vào cuộc chiến mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.
Trước Amazon, Lazada đã vào Việt Nam và đang nắm khoảng 1/3 thị phần mua sắm trực tuyến. Alibaba của tỉ phú Jack Ma đã từng chi 1 tỉ USD mua cổ phần chi phối của Lazada để xâm nhập vào thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Thời đại kết nối và chia sẻ thông tin đã cho ra đời nhiều mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ thông tin có hiệu quả trong nhiều lĩnh vực. Tại Việt Nam hiện nay, hai loại hình vận tải hành khách có ứng dụng khoa học và công nghệ trong hỗ trợ kết nối đang hoạt động là Grab và Uber. Cả hai đang nhận được sự ủng hộ từ phía người sử dụng, khách hàng nhờ chi phí hợp lý, thế nhưng lại đang gặp phản ứng quyết liệt của các hãng taxi truyền thống và trong chừng mực là sự không nhất quán của chính sách.
- Xem thêm: Amazon, Facebook, Alibaba mang bão thương mại điện tử đến càn quét kênh bán lẻ truyền thống Việt Nam
Nhằm giải quyết vấn đề nan giải này, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo về việc thực hiện thí điểm ứng dụng khoa học và công nghệ trong hỗ trợ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng. Theo đó, Phó thủ tướng đồng ý kéo dài thời gian thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng cho đến khi Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô được ban hành và có hiệu lực thi hành. Nghị định này dự kiến sẽ được trình Chính phủ trước ngày 31-3 tới.
Tại cuộc họp bàn dự thảo nghị định do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức ngày 8-3, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể yêu cầu các bộ phận xây dựng dự thảo lần này phải có những điều khoản quản lý được Uber, Grab và các hình thức vận tải hành khách khác, không chấp nhận những quy định thiếu rõ ràng. Ông nói: “Tôi nhất quyết không ký trình Thủ tướng nếu việc xây dựng dự thảo Nghị định không đảm bảo chặt chẽ tính pháp lý và nội dung”.
Đề cập tới hoạt động của Uber, Grab, ông Thể nhận định bản chất hoạt động của Uber, Grab là vận tải taxi, chỉ áp dụng công nghệ để kết nối hành khách với phương tiện. Do đó Nghị định lần sửa đổi này phải quản lý được Uber, Grab như taxi truyền thống. Nếu Uber, Grab không đáp ứng được yêu cầu thì rời khỏi Việt Nam. Nếu đạt được điều kiện trên mới cho Uber, Grab hoạt động – Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.
Phản hồi về quan điểm này, ông Jerry Lim – Giám đốc Grab Việt Nam nói: “Chúng tôi hết sức quan ngại về phát biểu mà Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đưa ra”. Giám đốc Grab Việt Nam thừa nhận, xây dựng các khuôn khổ pháp lý đối với dịch vụ kết nối xe hợp đồng điện tử là một công việc phức tạp và đòi hỏi sự suy xét, tham vấn cẩn trọng giữa nhiều bên liên quan. Nhưng việc định danh Grab là công ty taxi không chỉ phủ nhận nỗ lực của Chính phủ, nỗ lực của Grab trong việc thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số ở Việt Nam mà còn là một bước lùi của Việt Nam trong quá trình kiến tạo, xây dựng một quốc gia khởi nghiệp trong kỷ nguyên 4.0. Ông Jerry Lim cho biết chắc chắn các đối tác tài xế không bao giờ muốn quay lại cảnh phải mua lốt của hãng taxi, bị bó buộc về thời gian, bị khoán doanh thu và bị ép chia doanh số với hãng như đã từng chịu trước đây.
- Xem thêm: Aeon VN đã có trang thương mại điện tử
“Chúng tôi hy vọng Chính phủ Việt Nam có cách tiếp cận cởi mở và toàn diện khi hoạch định chính sách quản lý nền tảng công nghệ số mới để Việt Nam có thể bắt kịp cuộc đua toàn cầu hướng đến nền kinh tế kỹ thuật số. Cả khu vực Đông Nam Á đang dõi theo, các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài đang dõi theo động thái Chính phủ Việt Nam. Vì vậy, quyết định của Bộ Giao thông Vận tải trong sự kiện này là rất quan trọng” – Giám đốc Grab Việt Nam nói.