Tên sách ‘Những đứa con của cây cầu Long Biên’ làm tôi thoáng nhớ đến ‘Những đứa trẻ phố Ácbát’. Một cuốn tiểu thuyết sám hối thời Liên Xô bắt đầu tan rã… Ở đây hình như trí tuệ của trí tuệ thì mù quáng, còn trí tuệ của trái tim thì sáng suốt.
Ácbát là một trong những con phố cổ kính của Moskva, như Hàng Ngang, Hàng Đào Hà Nội, nơi để nhớ về. Còn cây cầu Long Biên với cột đồng hồ gần đấy là biểu tượng của hiện đại được người Pháp xây dựng trên mảnh đất An Nam cổ truyền. Cây cầu cũng là biểu tượng của sự giao lưu văn hóa Tây – Đông, Pháp – Nam, Hiện đại – Truyền thống. Nó là nơi để ra đi. Nơi từ nhỏ Đông Di đã từng cùng bạn bè chơi quẩn quanh ở đấy. Có thể bấy giờ cô bé chưa ý thức được đó là những vật chứng khởi đầu cho hành trình hiện đại hóa của Hà Nội, và của Việt Nam, nhưng dẫu sao cây cầu đã đổ bóng vào vô thức, tạo ra một động lực sống bí ẩn của cô.
Hà Nội có cầu Long Biên
Vừa dài vừa rộng, bắc trên sông Hồng
Tàu xe đi lại thong dong
Bộ hành tấp nập, gánh gồng ngược xuôi
(Quốc văn Giáo khoa thư)
Cầu Long Biên được xây dựng ở nơi trước là bến sông, nơi kết tập những bè nứa, bè tre chở lâm thổ sản từ miền rừng về Hà Nội. Dân quanh vùng Bến Nứa này đã quen nghề buôn bán. Khi có cây cầu Long Biên thì họ vẫn hành nghề gia truyền. Có điều nếu trước đây bám vào đường thủy là chủ yếu, thì nay họ chuyển sang đường sắt buôn xuôi bán ngược khắp cả nước.
Trong xã hội cổ truyền thì thương nhân không được coi trọng. Trong thang bậc xã hội, họ đứng cuối trong hàng tứ dân: sĩ, nông, công, thương. Thực ra, nghề buôn bán, thời nào cũng vậy, là một nghề mạo hiểm, người buôn phải có óc phiêu lưu, được ăn cả ngã về không, chứ không chân chỉ hạt bột, bo bo giữ của như người nông dân. Họ biết nhiều quen rộng, gắn bó với thời cuộc, khả năng thích nghi cao mà vẫn giữ được căn bản.
Ông bà Đông Di sống từ thời Bến Nứa qua thời ga Long Biên. Cha mẹ cô đã trải qua các giai đoạn cải tạo công thương nghiệp, vào hợp tác xã… Và, dù chìm nổi thế nào họ vẫn giữ được cốt cách của một nhà (chứ không phải con) buôn. Điều này được thể hiện ở chỗ dù kinh tế gia đình khó khăn đến thế nào đi nữa thì cũng phải lo cho Đông Di đi học, nhất là đi học nước ngoài, để mở mang đầu óc. Hơn nữa không phải học những nghề thời thượng (nhất y, nhì dược, tạm được bách khoa, sư phạm bỏ qua…) để làm công chức, viên chức nhà nước, mà học lấy nghề thiết thực, như nghề kinh doanh, vừa có tiền vừa có quyền… tự do tự chủ.
Bằng kinh nghiệm của cả thời bao cấp lẫn thời thị trường không có định hướng của thị trường, các cụ và sau này chính Đông Di nữa, thấy rằng không có tư hữu, tài sản riêng cả vật chất lẫn trí tuệ, thì không thể có nhân phẩm. Không thể đặt nhân phẩm của mình vào tay kẻ khác, dù đó là một ông Bụt.
Sau này, từ cây cầu Long Biên, Đông Di đã có dịp đi khắp hoàn cầu. Từ cựu thế giới như Anh, Pháp, Đức, Ý đến tân thế giới như Mỹ, Canada… Cô đi học, đi làm ăn, đi khám phá thế giới, khám phá bản thân và khám phá… Việt Nam. Bởi lẽ, chỉ có thể nhìn mình bằng con mắt của kẻ khác thì mới thấu hiểu mình. Thế giới hiện đại với rất nhiều nền văn hóa, phong tục tập quán, con người và tính cách, trường hợp và cảnh ngộ… đã là một nhà kính vạn gương cho Đông Di soi chiếu, thám mã chính tâm hồn mình. Để lựa chọn cho mình một chọn lựa đúng. Đó là về làm ăn và sinh sống ở Việt Nam, dù cô có rất nhiều cơ hội ở nước ngoài. Về Việt Nam sẽ khó khăn hơn do sự “đỏng đảnh” của chính sách, nhưng được là mình hơn, và biết đâu giúp được người hơn.
Trong hành trình đi ra thế giới của Đông Di có hai nhân vật gắn liền với cô như hình với bóng, thậm chí đôi khi như kẻ song trùng. Đó là Tây Độc và Người Mẹ. Hai hình tượng này vừa đối lập vừa bổ sung cho nhau. Như âm với dương, như đàn ông với đàn bà, như Tây với Đông, như gần với xa. Nếu lá số của Tây Độc là thuần dương (dương nam), Người Mẹ là thuần âm (âm nữ), thì của Đông Di là dương nữ, cả âm lẫn dương, trong âm có dương, trong dương có âm, vừa cứng vừa mềm. Bí quyết sự thành công của cô là chinh phục thế giới bằng cửa dưới, như các nhà bình luận bóng đá thường nói.
Tây Độc là tượng trưng của văn minh phương Tây. Tây Độc (Tây = phương Tây, Độc là cá thể, cá nhân) là một mảnh của văn hóa phương Tây, nhưng là một phân mảnh hậu hiện đại, vừa có giá trị tự thân vừa như một giọt nước chứa đựng cả biển khơi. Bởi thế, anh chàng này rất có ý nghĩa với cuộc đời Đông Di. Tây Độc khuyến khích cô học tiếng Pháp, vừa là thứ tiếng của anh ta vừa là thứ tiếng của người Việt Nam một thời, rồi khai sáng cho cô cả những chuyện về giới tính.
Về sau, trong những cuộc đi đây đi đó cùng với Đông Di, Tây Độc luôn là một người bạn đồng hành đáng tin cậy, dễ mến. Nhưng không vì thế mà giữa hai người không có những xích mích, cãi lộn. Có thể nói đó, trước hết, là “xung đột văn hóa,” mà như Kipling nói Đông là Đông, Tây là Tây. Đông Tây sẽ không bao giờ gặp nhau. Từ đó là xung đột tính cách, như là một hệ quả của văn hóa. Rồi thị hiếu, thói quen, khẩu vị… Những va chạm này không chỉ là chuyện thêm gia vị vào cuộc sống, mà quan trọng hơn, giúp nhau, chí ít là giúp Đông Di, khám phá bản thân mình, bạn bè mình, đặc biệt là những đứa con của cây cầu Long Biên, dù còn ở lại đó, hay đã bay đi khắp thế giới.
Người Mẹ của Đông Di, tuy không phải lúc nào cũng kè kè bên cạnh như Tây Độc, nhưng vào những lúc cô đơn nhất, buồn tủi nhất, yếu đuối nhất, nhất là khi cãi nhau với Tây Độc, thì bà luôn xuất hiện trong tâm trí cô. Bằng lời nói, bằng ứng xử, bằng tình thương yêu, bằng cách sống, Người mẹ luôn nâng đỡ, khuyên bảo, chỉ đường.
Bà là người phụ nữ Việt Nam tiêu biểu, nhưng không hẳn là người phụ nữ cổ truyền, mà vừa truyền thống vừa hiện đại. Hình ảnh Người Mẹ làm cho Đông Di, dù đi đâu, cũng không thể quên được đất nước, quê hương, cây cầu và dòng sông tuổi nhỏ. Người Mẹ như sợi dây nối con diều với mặt đất. Chính nó đã đưa Đông Di ở tuổi đời đã chín quay lại mảnh đất Việt Nam để gieo hạt.
Trong Những đứa con của cây cầu Long Biên không chỉ có xung đột văn hóa Đông – Tây, theo chiều ngang địa lý, đúng hơn là địa – văn hóa, mà còn có xung đột thế hệ, theo trục dọc thời gian. Ở đây có ba thế hệ: 1) Bố mẹ, 2) Đông Di và 3) Các cháu của Đông Di.
Giữa thế hệ bố mẹ và thế hệ Đông Di tuy ít nhiều có khác nhau, nhưng vẫn có sự kế thừa. Còn giữa thế hệ Đông Di và các cháu của cô thì đứt gẫy hoàn toàn. Nhờ bố mẹ giàu có, họ chỉ có ăn sẵn, dùng sẵn và tư duy theo những khuôn mẫu có sẵn. Họ bị chương trình hóa bởi nền văn minh mạng thời buổi 4.0 và thế giới phẳng. Họ có kiến thức nhưng không có tri thức, có kinh nghiệm (gián tiếp, dĩ nhiên), nhưng không có trải nghiệm. Họ rắn đặc trong sự tự tin, tự mãn của mình. Đông Di đã nhiều lần kinh ngạc, sửng sốt trước các phát biểu, hành vi của các cháu mình. Cô giải thích, thuyết phục họ, nhưng như nước đổ đầu vịt. Một thế hệ không biết quan tâm đến ai như vậy nay mai sẽ là những ông chủ của đất nước. Lạy Chúa tôi!
Những đứa con của cây cầu Long Biên là một cuốn tự truyện. Có điều các sự kiện của cuộc đời nhân vật chính không được kể theo tuyến tính, liền mạch, mà là những mảnh rời rạc chắp nối. Nhưng mỗi mảnh chứa đựng một trường hợp, một sự kiện, một suy nghĩ, một xung đột rất có ý nghĩa. Mạch ngầm kết nối của nó là sự trưởng thành của một cô gái Việt Nam đã ra thế giới và gặt hái những thành công trong thời buổi toàn cầu hóa. Cô tên là Đông Di. Đông Di là đi về phía đông, gần nhất là Nhật Bản, Canada, rồi Hoa Kỳ… Nếu thế hệ cha chú trước đây đi Pháp, Anh, Đức… tức Tây du, đi học ở châu Âu, thì thế hệ thanh niên ngày nay Đông Di, tức đi học/làm việc/định cư ở Bắc Mỹ. Phía Đông hiện nay là nơi có nhiều vận động kinh tế, xã hội, văn hóa hơn cả?
Cuốn sách của Đông Di làm tôi nhớ đến chuyện trong lịch sử Việt Nam, cứ trước mỗi bước ngoặt thường xuất hiện những người đàn bà kiệt xuất. Ở đây hình như trí tuệ của trí tuệ thì mù quáng, còn trí tuệ của trái tim thì sáng suốt. Trong thời cận hiện đại cái khuy bấm trên áo cô gái quê đã làm anh chàng yêu cô phải bàng hoàng. Trong thời xuất hiện cây cầu Long Biên có người phụ nữ làm thầu khoán đầu tiên là cô Tư Hồng. Còn trong thời 4.0 hiện nay có rất nhiều nữ doanh nhân làm khuynh đảo thương trường, thậm chí cả chính trường.
- Xem thêm: Cây cầu ‘bắc qua’ ba thế kỷ