Năm 2017, trong danh sách vinh danh 40 nhân vật trẻ dưới 40 tuổi nổi bật nhất tại Thung lũng Silicon đăng trên báo Silicon Valley Business Journal, có tên TS Vũ Duy Thức, do nhiều thành tựu nghiên cứu và ứng dụng tin học của anh, đặc biệt là robot Ohmni – người bạn, người chăm sóc hữu ích cho cuộc sống người già lâu nay vốn bị thị trường xao lãng…
Vũ Duy Thức là cựu học sinh chuyên tin học Trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TP.HCM), từng đoạt nhiều giải nhất quốc gia về tin học ở các cuộc thi tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Thức cũng có nhiều công trình nghiên cứu được công bố tại các hội nghị và tạp chí khoa học quốc tế.
Sau khi tốt nghiệp hạng ưu (với điểm tuyệt đối 4/4) tại đại học danh tiếng nhất Hoa Kỳ về công nghệ tin học – Carnegie Mellon, đồng thời đoạt giải thưởng “Sinh viên ưu tú nhất” của Hiệp hội Nghiên cứu Tin học Mỹ (CRA), Vũ Duy Thức được cấp học bổng toàn phần bậc tiến sĩ tại bảy đại học hàng đầu của Mỹ.
Vũ Duy Thức tốt nghiệp tiến sĩ công nghệ thông tin (chuyên ngành trí tuệ nhân tạo – AI – artificial intelligence) tại Đại học Stanford năm 2010, khi anh 28 tuổi.
Mặc dù hết sức bận rộn với Công ty OhmniLabs mà anh là CEO và nhiều dự án nghiên cứu ứng dụng tin học tại Mỹ và ở Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Duy Thức đã dành cho Người Đô Thị một cuộc trò chuyện “xuyên đại dương” vào những ngày đầu năm 2018.
Người bận rộn như anh, một ngày thường bắt đầu và kết thúc như thế nào?
Một ngày của tôi thường bắt đầu lúc 8g sáng. Tôi dành ra 30 phút đến 1 tiếng để ngồi thiền. Sau đó trả lời email và lên lịch các công việc quan trọng phải làm trong ngày. Tôi thường vào công ty lúc 10g sáng để giải quyết các công việc quan trọng. Buổi chiều là khoảng thời gian thường được dành cho các cuộc gặp gỡ với các ban ngành và đối tác. Nếu không có công việc đột xuất, tôi sẽ đi tập gym một chút trước khi ăn tối. Sau đó tiếp tục làm việc cho đến khoảng 12g đêm rồi nghỉ ngơi, nghe nhạc, đọc sách và lướt tin tức online trước khi đi ngủ.
Anh sống độc lập đã lâu và ở một nơi rất xa nhà. Nhìn lại, anh thấy gia đình có ảnh hưởng như thế nào đến một Vũ Duy Thức thành công cả trong lĩnh vực nghiên cứu và kinh doanh như ngày hôm nay?
Tôi rất may mắn được gia đình tạo cho những điều kiện thuận lợi nhất trong việc học tập ngay từ bé, và có những định hướng giáo dục phù hợp, giúp tôi có sự tự lập từ rất sớm. Tôi cũng học được cách tự tìm niềm đam mê trong học tập, và sau này là công việc của mình.
Gia đình tôi có thói quen dù bận rộn thế nào thì cũng luôn cố gắng dành thời gian cho bữa cơm chung. Trong những bữa ăn đó, ba mẹ tôi thường có những câu chuyện về cách đối nhân xử thế liên quan đến công việc và những vấn đề trong cuộc sống. Từ đó những bài học về nhân cách, đạo đức, sự quan tâm đến những người chung quanh và những bài học kinh nghiệm về cuộc sống thấm vào tôi khi nào không biết.
Anh từng chia sẻ với truyền thông quốc tế, ba anh là người có nhiều ảnh hưởng với anh và cũng là người tạo cảm hứng cho anh rất nhiều trong cuộc sống. Anh có thể nói cụ thể về ảnh hưởng đó?
Ba tôi đã giúp định hướng, trên cơ sở tôn trọng năng khiếu và đam mê của tôi, ông truyền cho tôi rất nhiều cảm hứng trong học tập từ khi còn bé, và trong công việc, cuộc sống sau khi ra trường. Ông làm bất kỳ việc gì và ở đâu cũng đều rất nghiêm túc với tinh thần tận hiến. Trong cuộc sống, không chỉ là quan sát và ghi nhận của tôi mà của cả những người xung quanh, ông là người hết sức có trách nhiệm, ngay thẳng và rất nhân hậu.
Trong cuộc đời không phải lúc nào cũng bằng phẳng của mình, ba tôi luôn sẵn sàng chịu thiệt thòi để có thể giúp được nhiều người khác. Tôi đã học nhiều bài học từ ba tôi và đó là những nền tảng để tôi xác định được quan điểm sống cho bản thân mình.
Một trong những điều học được ở ba mà tôi tâm đắc nhất, đó là phải biết thích ứng với hoàn cảnh, cố gắng không đánh mất chính mình, sống có trách nhiệm, làm gì cũng nên cố gắng hết sức, để ngay cả khi thất bại cũng sẽ không phải hối tiếc. Bài học đó đã giúp tôi đi qua nhiều thăng trầm của cuộc sống.
Robot Ohmni của OhmniLabs đã tạo ra sự chú ý cho giới truyền thông thế giới ngay từ giai đoạn gọi vốn, sau đó là quá trình ứng dụng vào cuộc sống. Nếu đưa ra lý giải cho thành công của OhmniLabs, anh sẽ nhấn mạnh điều gì?
Robot Ohmni được sự quan tâm chú ý nhiều như vậy, theo tôi, là vì sản phẩm này đã mang công nghệ cao ứng dụng cho một thị trường ít người nghĩ đến là thị trường chăm sóc người cao tuổi – một bộ phận không nhỏ này trong xã hội chúng ta đang phải sống gần như cô đơn, cô lập trong một xã hội ai nấy đều bận rộn kiếm sống và đáp ứng những nhu cầu của riêng mình.
Tôi cho rằng, chính ý nghĩa xã hội và mục tiêu phục vụ cộng đồng của sản phẩm đã khiến robot Ohmni chiếm được cảm tình của nhiều người và nhận được sự quan tâm cao của thị trường.
Anh từng chia sẻ mong muốn sớm đưa sản phẩm này về Việt Nam, nhất là robot với chức năng tích hợp khám bệnh từ xa, để bà con vùng sâu, vùng xa không còn chịu những thiệt thòi về y tế. Điều đó có vẻ đang dần rõ ràng hơn khi mới đây anh chia sẻ tiếp ý định mở thêm trụ sở OhmniLabs tại Việt Nam, tuyển dụng kỹ sư trong nước nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Công việc ấy hiện nay đã xúc tiến đến đâu?
Việc mở trụ sở OhmniLabs tại Việt Nam không chỉ thu hẹp trong phát triển sản phẩm robot khám bệnh mà còn là để tạo một cộng đồng các kỹ sư, các nhà nghiên cứu robot cho Việt Nam, để phát triển nhiều sản phẩm với nhiều ứng dụng khác nhau.
Còn về dự án robot khám bệnh thì hiện tại đang trong giai đoạn hoàn thiện phương án chuẩn bị trình cấp có thẩm quyền xem xét để triển khai thí điểm tại một số nơi.
Trải qua nhiều môi trường làm việc khác nhau, bài học hay kinh nghiệm nào anh cảm thấy tâm đắc nhất?
Theo tôi đó là: hãy cố gắng hết sức trong mọi hoàn cảnh, trong mọi công việc, và đừng quá quan trọng kết quả. Điều quan trọng nhất là làm sao cảm nhận được những giá trị và ý nghĩa ở từng chặng đường đã đi qua.
Phương châm sống của anh là gì?
Mỗi ngày cố gắng hoàn thiện bản thân hơn một chút, mỗi ngày mở rộng hơn những trải nghiệm của bản thân, trong cả công việc và cuộc sống.
Với những người trẻ đang cần được khơi gợi hoài bão, cần tiếp lửa trong lúc nhiệt huyết dần nguội lạnh, anh sẽ nói với họ điều gì?
Hãy tìm cho được niềm đam mê của mình!
Nhưng nếu ngay cả đam mê họ cũng không tìm được?
Vậy thì xin họ hãy cố tự trả lời chính xác ba câu hỏi sau đây: Tôi là ai? Tôi muốn gì? Tôi phải làm gì để đạt được điều tôi muốn? Không ai có thể giúp được người khác nếu như chính người ấy không muốn tự giúp mình.
Trong một lần chia sẻ về giải pháp thúc đẩy khởi nghiệp phần cứng/IoT tại Việt Nam, anh cho rằng các công ty bất động sản nên hợp tác với các trường đại học để tạo ra các quỹ đầu tư/ươm mầm startup IoT phát triển smart home, smart building tại Việt Nam. Anh có thể cho biết lý do?
Tiềm năng của smart home và smart building ở Việt Nam và cả trên thế giới sẽ bùng nổ trong thời gian gần. Tôi tin rằng Việt Nam hoàn toàn có khả năng nghiên cứu và phát triển những công nghệ trong lĩnh vực này với giá thành chỉ bằng 1/10 sản phẩm của thế giới, nếu có sự đầu tư hợp lý. Các công ty bất động sản khi hợp tác với các trường đại học sẽ tận dụng được nguồn tài năng trẻ đồng thời sẽ cung cấp được thị trường có sẵn cho các sản phẩm ra đời. Như vậy là cả hai bên đều có lợi.
Lịch hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, đầu tư… của anh ở Silicon Valley dày đặc nhưng định kỳ anh vẫn về Việt Nam thỉnh giảng, đặc biệt là âm thầm gầy dựng và vun góp công của cho VietSeeds Foundation – Quỹ học bổng chuyên hỗ trợ tiền học và một phần sinh hoạt phí cho sinh viên khó khăn. Điều đó đã diễn ra như thế nào? Kỳ vọng của anh về thế hệ trẻ Việt Nam mà VietSeeds Foundation tiếp cận?
Tôi đồng sáng lập VietSeeds với một người bạn thân – Vũ Văn từ Đại học Stanford vào năm 2011 để trao học bổng cho các em sinh viên nghèo vượt khó. Chúng tôi từng tiếp xúc với rất nhiều sinh viên học rất giỏi và chăm chỉ, nhưng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn đành bỏ dở ước mơ trở thành kỹ sư, bác sĩ của mình. VietSeeds được lập ra với mong ước sẽ góp phần để không còn những hoàn cảnh như vậy tại Việt Nam.
Năm 2017, VietSeeds đã trao 270 suất học bổng cho các sinh viên. Sau sáu năm hoạt động, VietSeeds đã có nhiều kết quả rất tốt. 100% sinh viên ra trường đều có việc làm ổn định tại các công ty lớn, hoặc có học bổng du học. Có nhiều câu chuyện cảm động về những em được VietSeeds giúp đã quay lại giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn…
Tôi vẫn tin giáo dục chính là con đường nhanh nhất để vượt qua hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên ngoài việc trang bị kiến thức và kỹ năng cho các em, chúng tôi còn rèn cho các em tinh thần giúp đỡ cộng đồng, với hy vọng các em không chỉ giúp bản thân và gia đình vượt khó, mà còn sẽ có nhiều đóng góp cho xã hội, để nhân rộng hiệu quả của VietSeeds.
Anh định nghĩa như thế nào về quê hương?
Quê hương là nơi tôi sinh ra và lớn lên, nơi có gia đình, ông bà, cha mẹ đã và đang sinh sống.
Dù cho đi đến những đâu và làm những việc gì, quê hương luôn có một vị trí đặc biệt trong tôi. Đó là nơi mà tôi luôn có cảm giác gắn bó, thân quen, và dễ chịu khi quay về, và mong nhớ khi ở xa. Là nơi khiến tôi cảm nhận phải có trách nhiệm, thôi thúc tôi phải làm một cái gì đó cho cộng đồng, cho đất nước mình.
Tôi hoàn toàn tin rằng với nguồn nhân lực trẻ, thông minh và tâm huyết, với định hướng đúng đắn, và nếu có giải pháp tập hợp được những nguồn lực trong và ngoài Việt Nam, chúng ta sẽ có thể trở thành một quốc gia phát triển về AI!
Anh có dự định gì cho những ngày sắp tới?
Tôi và đội ngũ OhmniLabs đang xây dựng một nền tảng robotics mở để có thể đẩy mạnh phát triển các công nghệ về robot và ứng dụng vào nhiều lĩnh vực trong xã hội. Với nền tảng này, mỗi nhà chế tạo robot đều có thể đóng góp đoạn mã để tạo ra robot của họ. Việc chia sẻ kiến thức chung như thế sẽ đẩy ngành công nghiệp chế tạo robot tiến rất nhanh.
Tôi cũng đang tập trung phát triển một cộng đồng về AI và robotics tại Việt Nam, thông qua các hoạt động sau đây:
+ Hợp tác với các trường đại học tại Việt Nam để xây dựng những trung tâm nghiên cứu, ứng dụng, và phát triển robot. Liên kết những trung tâm này với những công ty công nghệ lớn khác và những trường đại học hàng đầu thế giới, để tạo ra một môi trường trao đổi nghiên cứu về robot tốt nhất cho Việt Nam.
+ Đưa những chương trình giáo dục đào tạo có uy tín nhất về AI từ Thung lũng Silicon như của Stanford hoặc Google về Việt Nam để đào tạo một đội ngũ kỹ sư tài năng.
+ Kết nối cộng đồng AI tại Việt Nam với cộng đồng AI tại Thung lũng Silicon.
Ngoài ra, tôi vẫn tiếp tục xây dựng và phát triển VietSeeds.
Về thành công của cá nhân hôm nay, theo anh đâu là yếu tố quyết định?
Tôi không nghĩ mình là người thành công. Nói chính xác thì tôi là người may mắn. Những thành công tôi đã có là kết quả nỗ lực của nhiều cá nhân, tập thể, mà tôi chỉ là người giữ vai trò kết nối, thúc đẩy và đại diện. Nhưng nếu phải chọn một yếu tố nào của bản thân đã giúp cho tôi tạo được ít nhiều thành quả trong công việc và cuộc sống thì tôi nghĩ rằng đó chính là đức tính kiên nhẫn. Tôi trước giờ nếu đã đam mê việc gì thì sẽ làm cho đến cùng, rất ít khi bỏ cuộc.
Là chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ, và là doanh nhân với nhiều dự án khởi nghiệp thành công từ công nghệ, anh nhìn nhận như thế nào về cơ hội mà cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại cho Việt Nam?
Cách mạng công nghệ 4.0 mang đến cơ hội để Việt Nam có thể bắt nhịp đi với các nước phát triển trong những ngành công nghiệp và dịch vụ quan trọng. Nghiên cứu là sự khởi đầu rất quan trọng. Nhưng ứng dụng cũng là một thử thách rất lớn, vì nếu không ứng dụng kịp thời thì trình độ phát triển sẽ lại càng bị bỏ xa…
Một câu hỏi thường hay đặt ra đối với những người Việt du học ở nước ngoài, đó là việc học xong nên về nước hay ở lại. Là người thành công cả trên lĩnh vực nghiên cứu và kinh doanh ở Hoa Kỳ, lại nhận được không ít lời mời với đãi ngộ tốt để về nước làm việc, anh có thể chia sẻ quan điểm về lựa chọn này?
Cá nhân tôi trước giờ vẫn cho rằng ở lại hay về nước sau khi hoàn thành việc học không có gì đáng băn khoăn, cũng chẳng có gì quan trọng. Tôi nghĩ đơn giản vầy thôi: ở đâu cũng được, miễn nơi đó có cơ hội cho bạn, cho tôi phát triển tốt nhất và trong hoàn cảnh đã lựa chọn đó bạn hay tôi sẽ đóng góp được gì cho đất nước mình, cho người dân ở quê hương mình.
Nếu có thể đưa ra một dự báo ngắn gọn về tương lai của AI, anh sẽ nói gì? Và theo anh, cơ hội và điều kiện của Việt Nam trong lĩnh vực này là gì?
AI sẽ là một công cụ không thể thiếu của xã hội phát triển.
Có dịp gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều bạn Việt Nam hiện đang học tập, nghiên cứu và làm việc tại các tập đoàn công nghệ hàng đầu ở vùng Thung lũng Silicon, tôi rất lạc quan về cơ hội và điều kiện phát triển, trong đó có AI, của Việt Nam. Tôi hoàn toàn tin rằng với nguồn nhân lực trẻ, thông minh và tâm huyết, với định hướng đúng đắn, và nếu có giải pháp tập hợp được những nguồn lực trong và ngoài Việt Nam, chúng ta sẽ có thể trở thành một quốc gia phát triển về AI.
Hy vọng là Việt Nam sẽ đưa được những tài năng AI ra nước ngoài làm việc để giúp ích cho Việt Nam trong tương lai.
Tôi bị thu hút bởi người này
GS-TS Phan Thanh Bình (Ủy viên Trung ương Đảng; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội; nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM):
Tôi gặp TS Vũ Duy Thức lần đầu trong một buổi gặp mặt thân mật các nhà khoa học Việt Nam đang làm việc, nghiên cứu ở nước ngoài và có cộng tác với Viện JVN – Đại học Quốc gia TP.HCM, do GS Dương Nguyên Vũ, Giám đốc Viện bấy giờ, tổ chức cách đây bốn năm.
Trước đó, tôi biết đến Thức như một nhà khoa học trẻ đang làm cho Google, người nhận bằng tiến sĩ của Đại học Stanford năm 28 tuổi và một người đam mê với khởi nghiệp (startup). Tuy nhiên, sau hôm ấy tôi bị thu hút bởi người trẻ này, bởi sự khiêm tốn, thông minh và đam mê “hiệu quả” rất “Thức” trong cả ba lãnh vực: công nghệ, xã hội và giáo dục.
Thức luôn là một cái tên được các bạn trẻ yêu khoa học công nghệ ngưỡng mộ.
Vẫn là Thức, gương mặt khoa học trẻ ấn tượng 2017 của Thung lũng Silicon Hoa Kỳ, vẫn là người tài trợ học bổng cho sinh viên Việt Nam và vẫn là người gắn bó với Viện JVN, với đề án ấp ủ Phòng thí nghiệm robot mở – nối kết thế giới, tại Đại học Quốc gia TP.HCM, cho những người trẻ Việt Nam. Và Thức, một người biết nấu ăn ngon, biết thưởng thức cái đẹp của ẩm thực và rượu.
Tôi thấy mình đam mê cùng với đam mê của Thức.
– Trung Dũng và Thế Thanh thực hiện / Ảnh: Tyler Vũ / Nguoidothi