Dù là thường dân như cô bé Lọ Lem hay vương tôn quý tộc như công chúa Bạch Tuyết trong truyện cổ tích thế giới cũng chung một hoàn cảnh: mồ côi mẹ. Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao các nhân vật của truyện cổ tích luôn thiếu sự chăm lo cũng như vòng tay bao bọc của mẹ hiền? Vì lý do gì các cô bé, cậu bé, trong lúc hiếm khi mồ côi cha, lại luôn vắng bóng mẹ ruột ngay từ khi mới chào đời hoặc chưa kịp nhận thức về xã hội?
Về thực chất, truyện cổ tích thế giới không xinh đẹp ngay từ khi mới hình thành. Thay vì dành cho trẻ em, nó là những câu chuyện nhuốm màu kinh dị, bạo lực, nhằm mục đích giáo huấn, răn đe người lớn. Phải từ thế kỷ XIX, khi anh em Grimm của Đức sưu tầm và chỉnh sửa cho hợp với nhận thức của trẻ thơ, những tác phẩm dân gian này mới luôn kết thúc bằng hạnh phúc viên mãn.
Không khó để tìm thấy các mảng tối trong truyện cổ tích, ngay cả trong các tác phẩm đã được biến tấu. Bạn sẽ dễ dàng thấy một người đẹp phải cam chịu số phận lấy quái thú. Nhiều người sẽ lý sự quái thú chỉ là lốt ngoài, còn bản thể chính là hoàng tử đẹp trai, tài giỏi. Người đẹp, khi chấp nhận lấy quái thú còn không từng mơ tưởng đến điều này.
- Xem thêm: Bảo vệ bé gái
Nếu mặt tích cực của câu chuyện là lòng hiếu thảo sâu nặng đến mức sẵn sàng hy sinh bản thân vì cha thì mặt tối của nó là một cuộc gả bán, đổi sinh mạng của người đẹp để lấy tự do cho cha và các chị gái. Tương tự với nàng Thiên nga. Nếu không vì chàng thợ săn cố ý giấu đi bộ áo tiên, nàng chắc chắn không ép mình ở lại làm vợ một người lạ, trở thành người nội trợ trong khi khao khát được bay về trời chưa bao giờ rời khỏi tâm can.
Nếu đọc bản gốc truyện cổ tích được sưu tầm bởi anh em Grimm, ngay cả người lớn còn thấy sốc. Bạn sẽ thấy các chị kế của Lọ Lem sẵn sàng cắt thịt ở chân để đi vừa chiếc giày của hoàng tử, bảy chú lùn là nạn nhân của lạm dụng lao động trẻ em trong khai thác mỏ đồng, Bạch Tuyết bị chính cha ruột hạ độc, công chúa Tóc Mây vì từ chối kết hôn với đức vua (cũng chính là cha ruột) mà bị ông chặt đầu…
Chỉ khi được biến tấu bởi hai tác giả Jacob Ludwig Karl Grimm (4.1.1785 – 20.9.1863) và Wilhelm Karl Grimm (24.2.1786 – 16.12.1859), truyện cổ tích mới trở thành thế giới thần tiên tuyệt đẹp. Tuy nhiên, ngay cả trong thế giới đẹp đẽ ấy, các nhân vật chính, thường là các cô bé, luôn trong tình trạng đã mất mẹ hoặc sắp mất mẹ. Các nhân vật khác trong truyện cổ đều có mẹ, tại sao các bé gái phải sớm chịu cảnh mồ côi?
Về thực chất, người mẹ không hẳn vắng mặt hoàn toàn trong truyện thần tiên. Họ vẫn thấp thoáng đâu đó, hóa thân thành cái cây, bà tiên hoặc đội lốt động vật hoang dã, cũng có khi tồn tại ở dạng linh hồn. Có thể thấy, thay vì là người mẹ ruột bình thường, người mẹ trong truyện cổ tích sẽ hóa thân thành dạng cây, ma, thần, thú.
Họ không còn ở dạng người thật vì bị bạo lực, hãm hiếp, giết chóc hay bệnh tật, tử vong sau khi sinh, hầu hết các tác phẩm thần tiên đều thiếu hoặc quên đề cập tới vấn đề này. Tất nhiên, chẳng người mẹ nào lại chọn biến mất để chồng họ lấy vợ mới và con cái họ chịu cảnh con côi, thấm câu “mấy đời bánh đúc có xương”.
Dẫu đã được thay đổi, truyện thần tiên vẫn dựa trên cái sườn truyện dân gian, cái được kể cách đây hàng ngàn năm. Bất kể tại phương Đông hay phương Tây, thế giới Trung cổ chưa bao giờ là vườn hoa hồng ngát hương với phụ nữ.
Cuộc sống khó khăn, ngắn ngủi và tàn nhẫn, đặc biệt tàn nhẫn với những ai yếu thế. Sẽ vẫn còn đó những giáo điều hay những chiếc khóa trinh tiết để đời đời ghi nhớ nỗi thống khổ của phận đàn bà trong chế độ đa thê, gia trưởng.
Bóng tối vây quanh, chực chờ nuốt chửng phụ nữ như con sói đói lượn lờ theo bước cô bé Quàng khăn đỏ. Giả sử là một người mẹ trong thời đại đó, bạn sẽ dạy gì cho con gái bé thơ?
- Xem thêm: Khi con yêu sớm
Câu trả lời hợp lý nhất cho hiện tượng vắng bóng người mẹ trong truyện cổ tích: bài học cảnh giác. Họ cần cảnh giác cho con gái về những hiểm họa luôn vây quanh. Biến mất, nhưng vẫn hiện hữu, đó là người mẹ đẻ trong truyện cổ tích.
Suốt khoảng thời gian khốn khổ của cô bé mồ côi, trong cảnh bị áp bức bởi mẹ kế, chị em khác mẹ, còn cha thì không biết con gái bị hà hiếp hoặc biết, nhưng vẫn ngó lơ, người mẹ ruột luôn ở đó, dưới lốt một thân cây, một quái thú hoặc một bà tiên, những sinh vật tuy không “thật” nhưng chắc chắn tồn tại dài hơn một đời người.
Truyện cổ tích dành cho trẻ em, nhưng không phải truyện cổ tích chỉ toàn ánh sáng. Sớm thôi, đứa trẻ hôm nào còn hào hứng uống từng lời kể trên môi bạn, tin mọi điều thế giới thần tiên vẽ lên sẽ nhận ra những mâu thuẫn.
Chúng sẽ thấy Cô bé Lọ Lem không chỉ hạnh phúc vì được hoàng tử chọn mà còn đáng thương vô cùng, chịu đựng bao uất ức, tủi hổ khi chưa thành người phụ nữ của một nhân vật quyền quý. Chúng cũng nhận ra những yếu tố loạn luân trong câu chuyện về Công chúa Da lừa, biết Người đẹp ngủ trong rừng, ngoài nửa đẹp xinh là được đánh thức bởi nụ hôn của hoàng tử còn là sự gượng ép.
Sớm thôi, con gái bạn sẽ đặt những cuốn truyện thần tiên, nơi mọi thiếu nữ đáng thương sẽ tìm được hạnh phúc trọn vẹn ở cuối truyện xuống, nhìn vào thực tế, tin tức thời sự trong nước và trên thế giới. Những câu chuyện hãm hiếp, giết chóc, Boko Haram, Mặc Môn, cô dâu ISIS sẽ tác động tới tâm hồn chúng mạnh mẽ hơn cái kết viên mãn của truyện cổ tích.
Ngay cả một phụ nữ nào đó ở gần chúng, có thể còn là chính mẹ, chị đang phải chịu đựng nhiều nỗi thống khổ chứ không phải chỉ phụ nữ của tôn giáo, khu vực xa xôi nào đó trên trái đất vẫn chìm trong bất công, bạo lực, thiếu nhân quyền. Kết luận nào sẽ được đưa ra?
Hầu hết truyện thần tiên đều xoay quanh cuộc đời một cô bé mồ côi trải bao tủi nhục để cuối cùng có được hạnh phúc. Chúng ta sống trong thế giới nam nữ bình quyền, hiểu nữ giới có nhân quyền bằng với nam giới, có quyền tự quyết, có trách nhiệm tự chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên, truyện cổ tích không bắt nguồn trong xã hội bình đẳng giới. Một mặt, nó an ủi, tạo dựng ước mơ cho những mảnh đời hồng nhan. Mặt khác, nó giúp các chị em hiểu về thực tế. Rất nhanh, một cô bé vừa bước vào tuổi dậy thì đã trở thành vợ, con dâu, mẹ. “Trong nhờ, đục chịu”, “Phận gái mười hai bến nước”, điều ấy ứng với phụ nữ thời phong kiến toàn cầu.
Thiếu nữ có thể tình nguyện như người đẹp vì cha sẵn sàng lấy quái vật, cũng có thể bị ép gả, bán đổi. Mong muốn của người đẹp là gì, đến cả cô còn chưa kịp nghĩ đã trở thành thê thiếp của người ta rồi.
Sự vắng bóng của người mẹ, có lẽ không ngoài gì khác là sự chuẩn bị trước cho con gái của họ. Bằng việc đối mặt với thực tế khốn khổ, đứa trẻ ngây thơ buộc phải sớm trưởng thành. Chúng sẽ hiểu rằng cần phải vừa khôn ngoan lại vừa cứng rắn để xoay chuyển số phận, điều khiển cuộc sống theo ý muốn.
Thiếu nữ thường hay mơ mộng nhưng nhân vật thiếu nữ của truyện cổ tích sẽ chẳng bao giờ có thì giờ mà mơ mộng. Họ sẽ phải vất vả từ tinh mơ đến tối mịt nếu là thường dân, hoặc nơm nớp lo sợ bị giết nếu là quý tộc.
Đã là phận nữ nhi trên thế giới, bất chấp thời đại, khu vực, luôn phải đối diện với khắc nghiệt. Ngay cả trong thế giới bình quyền ngày nay, vị trí, tiếng nói của phụ nữ vẫn phần nào thấp hơn nam giới.
Không mơ mộng, luôn cảnh giác, dũng cảm đương đầu, mạnh mẽ, tự quyết và phần thưởng sẽ là cái kết không thể tốt đẹp hơn: hạnh phúc vĩnh viễn. Trước khi trở thành mẹ, người mẹ biến mất trong truyện cổ tích cũng là cô bé.
Họ biết rõ những gì bản thân từng trải rồi sẽ là những gì con gái họ phải vượt qua. Biến mất (dù vẫn âm thầm ở bên cạnh bảo vệ, cho lời khuyên) là cách các bà mẹ cổ tích nhắc nhở, cảnh báo, xây dựng thói quen tự lập cho con gái.
Nếu ngày nào nhóc con của bạn có hỏi tại sao vắng người mẹ ruột vẫn còn sống trong truyện cổ tích để bao bọc các cô bé ngoan hiền, hãy thành thật trả lời rằng vì thế giới này là một nơi nguy hiểm với nữ nhân. Đâu có gì là xấu hay sai khi để các bé biết nửa tối của cuộc sống trong xã hội. Ngay cả khi phải biến thành cái cây hay con thú, các bà mẹ dân gian còn vẫn sẵn lòng để chuẩn bị sự tự lập, mạnh mẽ cho con gái họ đấy thôi.