Lúc ấy tôi đã hai mươi mốt, lần đầu tiên tôi mơ thấy bố.
Khi sự xa cách đủ lớn, tôi nghĩ nó sẽ dần dần chuyến hóa thành vùng mơ, và người ta thường có khuynh hướng gặp lại một ai đó trong giấc ngủ.
Mỗi lần mở mắt, một cảm giác nhoi nhói của ý thức khiến tôi bị tê liệt khi tôi ngẩn người nhận ra sự vắng mặt của bố. Có một bầu không khí luôn vây chặt lấy tôi mỗi lúc tôi tưởng niệm về mối quan hệ thân thuộc của mình; tôi như thể một kẻ rơi xuống đáy giếng và bị bỏ mặc ở đó; tôi cố gắng leo lên mặt đất nhưng thành giếng quá cao và trơn tuột; tôi không có bất kì một điểm tựa nào và cứ thế ở mãi dưới đó. Trong vô thức, tôi hết cầu nguyện lại hét to lên để một ai đó nghe thấy và chạy tới cứu giúp.
Rốt cùng, chỉ còn lại cảm giác bị bỏ mặc và tự chống chọi, một mình.
Lần gần nhất, tôi ngủ với bố trong một bệnh viện. Có lẽ đến hết đời, tôi cũng không thể quên được cảm giác của buổi sáng mở mắt, tâm trí tôi bắt buộc phải định hình rằng không còn bố trên đời nữa. Tôi muốn khước từ thông tin đó, nhưng bộ não đã ghi nhận vào sâu trong từng tế bào thần kinh khiến tôi dường như bất động. Cái cảm giác như thể bị nhốt trong một căn phòng khóa kín và chứa đầy khí ga, một bầu không khí của sự chết chóc bắt đầu len lỏi trong từng mạch thở nhưng chẳng có cách nào để thoát ra ngoài. Khi định thần lại, những ngón tay đã bắt đầu tứa máu vì cố bấu chặt vào thành tường không kiểm soát.
Tôi không có mẹ. Hay nói đúng hơn mẹ chỉ là cuộc tình lướt qua trong cuộc đời bố một vài năm trước đó khi tôi được sinh ra. Mẹ không yêu bố, bà chỉ đến với bố trong giai đoạn bồng bột nhất của tuổi trẻ rồi ra đi mãi sau đó. Nhưng bố lại không nghĩ thế, bố cho rằng điều may mắn nhất trong cuộc đời là khi tôi xuất hiện và khiến bố trở thành một người đàn ông đúng nghĩa. Tôi thầm biết ơn sự bao dung đó, có lẽ không có quá nhiều người đàn ông hành xử với người tình của mình giống như bố, tự tay nhận lấy đứa con ngoài giá thú và nuôi dưỡng nó cho đến khi trưởng thành.
- Xem thêm: Giếng nước mắt
Bố đã nói sẽ chu toàn cho tôi trong hành trình lớn lên này. Bố đã cần mẫn làm điều đó mà không cần đến sự trợ giúp của một người phụ nữ nào khác. Có quá nhiều cảm xúc để nói về bố trong lúc này nhưng mọi câu chuyện dường như không có điểm khởi đầu, thành ra chỉ còn tồn đọng những cơn nhớ váng vất mơ hồ trong trí não. Mặt khác, sự lặp đi lặp lại của kí ức khiến tôi như thể một con thuyền quay mòng giữa dòng nước xoáy và chúng như muốn nhấn chìm trái tim tôi vào sâu trong lòng đại dương. Những đợt thủy triều của cảm xúc cứ thế đổ ập tuần hoàn hết ngày này qua ngày khác và tôi cứ để mặc cơ thể mình nằm bất động ở đó, đã có lúc tôi nghĩ mình sẽ đi theo bố khi phải đối diện với một cuộc sống đầy cô độc phía trước.
Cho đến khi tôi gặp Hạ, chị lớn hơn tôi mười tuổi và là kiểu phụ nữ mang vẻ đẹp xưa cũ. Chị xuất hiện vào lúc lòng thành tôi như một vực giếng và tôi thì đang cố nhốt bản thân mình trong cái nơi sâu hút tối tăm ấy. Thời điểm đó, tôi đã nhen nhóm ý định bỏ học và không có lấy cho riêng mình một lẽ sống. Tôi cứ lang thang chán chê trong thành phố và dừng lại trước một hiệu sách, tôi không có chủ đích đọc sách, lại càng chẳng tin vào việc có một quyển sách nào đó sẽ vực tinh thần mình dậy. Mọi thứ đối với tôi đã hình thành thành sự trống rỗng, tôi như thể một kẻ bị hút vào trong hố đen của nỗi buồn và mãi mãi mắc kẹt trong đó. Tôi còn biết mong đợi gì hơn khi sở hữu một cuộc sống của kẻ cô độc?
Có lẽ, tôi cũng cần cảm ơn sự hiện diện của chị ngay tại khoảnh khắc đó, chị đã nhìn rõ nhân dạng buồn bã của tôi bằng sự trải nghiệm và trực giác của một người phụ nữ để rồi cố gắng bắt chuyện. Sau cùng thì từ hai thực thể xa lạ chị đã khỏa lấp cái khoảng cách đó bằng một mối quan hệ mà chính tôi cũng không thể gọi tên. Thời điểm ấy, tôi chẳng biết đối đãi ra sao với cuộc sống chán chường của mình và thực lòng mà nói thì tôi mong đợi có một ai đó nhìn thấy và kéo tôi ra khỏi vùng tối chết tiệt ấy. Tôi đã tin rằng chính chị chứ không phải một ai khác có thể làm điều đó. Tôi không thể lý giải vì sao lại có suy nghĩ ấy nhưng niềm tin của tôi tại thời điểm đó luôn là như vậy.
“Em đã nghĩ như thế à?” – Hạ luôn hỏi tôi về điều đó khi tôi thổ lộ suy nghĩ.
“Dạ phải” – tôi đáp.
Mãi sau này, chị mới thú nhận rằng trông tôi chẳng khác gì chị ở thời điểm của chị ngày xưa. Đó có lẽ là sợi dây kết nối duy nhất khi chị nhìn thấy tôi. Có lẽ chị cũng không mảy may nhận ra rằng tại sao chị lại chú mục vào tôi trong hàng tá người chui ra chui vào cái hiệu sách bé tẹo vô danh đó ở thành phố. Việc chị quan sát tôi và tạo ra mối quan hệ gắn kết như hiện giờ có lẽ được hình thành một cách tự nhiên khi bản thân chị cũng đã thiếu hụt sự yêu thương ở thời điểm quá khứ, và thông qua tôi, một lần nữa chị lại chứng kiến bản thân mình vạ vật trong cái thành phố chán chường này.
Mỗi người đều sở hữu cho riêng mình một vực giếng và có thể bị tống cổ xuống đó bất cứ lúc nào, chị luôn nói với tôi về điều ấy. Lần đó, tôi biết thêm chị được một chút. Chị từng lập gia đình và cũng ly hôn ngay sau đó độ vài năm. Chị thú nhận rằng kết hôn không phải là con đường duy nhất dẫn đến cánh cửa của hạnh phúc. Mỗi một giai đoạn của tình yêu, người ta phải đối diện với rất nhiều thử thách mà cuộc sống mang lại, cứ hình dung nó giống như một người leo núi phải đặt chân đến rất nhiều điểm lưng chừng của thành vách cho đến khi leo lên tới đỉnh. Thật không may là chị đã kết thúc quá sớm, nhưng nó cũng cho chị nhiều bài học để khởi đầu lại chặng đường của mình.
Đôi lúc, tôi nghĩ tôi sẽ che chở cho người phụ nữ này, giống như cái cách chị đã khó nhọc khi kéo tôi lên khỏi vực giếng và cảm thấy ủi an hơn được một chút. Nhưng suy nghĩ đó khiến tôi bị hụt hơi khi tôi vẫn chỉ là một thanh niên đang trong quá trình lớn lên và có thể bị chôn sâu vào nỗi buồn bất cứ lúc nào. Tôi giống như một kẻ chạy trong mê cung của ý nghĩ và rẽ vào lối nào cũng là những bức tường. Tôi đã quá ảo tưởng rằng với cơ thể đương độ thanh xuân tôi sẽ đủ mạnh mẽ để bao dung một ai đó giống như bố. Nhưng thực sự thì tôi nhầm, tôi vẫn chỉ là một kẻ bất an và sở hữu nỗi cô đơn rộng lớn của chính mình mà thôi. Còn Hạ, ngay từ đầu chị đã là một người phụ nữ trưởng thành. Chị lớn hơn tôi mười tuổi và hẳn nhiên chị đã chống chọi với biết bao sự cay nghiệt mà cuộc sống quăng quật. Và để nói cho công tâm thì tôi nghĩ chị cũng chẳng cần đến sự bao bọc yếu đuối của một kẻ vừa rơi vào trong bóng tối như tôi làm gì, tự bản thân chị biết cách để thoát ra khỏi vực giếng của mình mà không cần một ai giúp sức.
Chị là người phụ nữ đầu tiên bước vào cuộc đời tôi mà không mảy may vụ lợi. Chị làm tôi liên tưởng đến hình ảnh của một người mẹ. Nếu mẹ còn ở đây, có lẽ tôi đã có một nơi để bấu víu vào cái cuộc sống chán chường này. Thú thật là tôi đã từng giận mẹ trong suốt hành trình thơ ấu của mình. Tôi giận mẹ đến mức đã mặc định rằng bà không được phép hiện diện vào trong cuộc sống của tôi nếu một lúc nào đó bà có ý định quay lại. Tôi sẽ không cho phép điều đó, ngay cả khi tôi đã trở thành một gã thanh niên mồ côi bố đi chăng nữa thì tôi vẫn sẽ không đón nhận người phụ nữ đó.
Khi tôi kể cho bố nghe về điều đó, bố bảo tôi cần phải học cách để tha thứ cho lỗi lầm của người khác. Nếu con vẫn lưu giữ những suy nghĩ đó thì chúng sẽ trở thành những cây gai đâm thẳng vào da thịt và nằm cố định ở đó, mỗi khi con có ý định phóng những chiếc gai nhọn ấy về phía người khác, chắn chắn rằng chúng sẽ làm con tổn thương và tứa máu đầu tiên, bố nói. Và dù con có không muốn làm đau chính mình thì chính con phải là người hứng chịu nỗi đau đó từ thứ cảm xúc tiêu cực của mình. Đó là lí do bố chưa từng giận mẹ, dù rằng bố đã yêu mẹ hết cả quãng đời xuân trẻ của mình nhưng đổi lại là sự thờ ơ lạnh nhạt. Bởi vì mẹ chưa từng mảy may rung động trước tình cảm của bố, bố nói, chỉ là bố đã dốc lòng để có được tình yêu của mẹ, bố chưa từng cảm thấy hối hận về sự lựa chọn đó cả, mãi về sau này vẫn vậy.
- Xem thêm: Máu chảy chung dòng
Thảng khi tôi nằm mơ thấy bố. Trong mơ, bố là một kẻ cô độc bị nhốt trong một căn phòng khóa trái. Có một thứ rào cản vô hình nào đó khiến bố không thể lao mình ra khỏi nơi chốn quái quỷ ấy. Cái thứ rào cản chết tiệt ấy chẳng ai khác, chính là tôi. Tôi đã chiếm hữu quá nhiều thời gian khiến bố không thể sống một cuộc sống cho riêng mình được nữa. Dù bố đã từng nói bố làm điều đó một cách tự nguyện thì bản thân tôi cũng cảm thấy mình như thể một gông cùm trói chặt bước chân của bố. Và giờ, khi bố đã nằm yên vị mãi mãi với căn bệnh của mình, tôi vẫn không thể nào tháo khỏi cái suy nghĩ rằng chính tôi đã khiến bố lao vào cõi chết. Nếu như tôi không xuất hiện và nếu như người phụ nữ đó không muốn chối bỏ trách nhiệm bằng cách đem tôi trao cho người tình của bà, có lẽ bố đã có một kết cục khác viên mãn hơn hiện tại.
“Chị Hạ này” – tôi mở lời, đó là vào dịp cuối tuần chị vẫn thường đến căn nhà trống hoang của tôi và lau chùi một số thứ đã bám bụi, chị làm điều đó như thể ngôi nhà của chị dù rằng chị chẳng có trách nhiệm gì với cuộc sống của tôi cả.
“Sao nào” – chị hỏi.
“Có lẽ em chẳng bao giờ có thể yêu thương thêm một ai khác được nữa” – tôi nói.
Mùa hè năm tôi hai mươi mốt tuổi, tôi đã ngầm nhận định rằng mình sẽ chẳng bao giờ có thể để một ai đó chui lọt vào khe hẹp của trái tim được nữa. Tôi chẳng biết tại sao mình lại có suy nghĩ đó nhưng cảm xúc của tôi đã hình thành bằng việc khóa chặt lòng thành. Đó là khi nỗi đau của tôi nhân rộng đến mức chẳng thể nào chịu đựng được nữa. Tôi cứ sống như một kẻ luôn hoài vọng về quá khứ và mong muốn mọi thứ diễn ra trong sự tưởng tượng của chính mình. Tôi đã luôn hối tiếc như một kẻ ăn mày dĩ vãng ngày này qua ngày khác.
***
Lần đó, tôi toan đã đẩy Hạ ra khỏi cuộc sống của tôi. Nhưng chị vẫn bao dung ở lại bên cạnh tôi dù tôi đã hành xử như một kẻ mất hết kiểm soát. Từ rãnh môi của mình, chị nói chị sẽ chu toàn cho đến khi tôi thực sự trưởng thành và có thể tự leo lên khỏi vực giếng. Câu nói đó khiến tôi bật khóc. Chị hiểu được phần nào tuổi trẻ viển vông và u buồn mà tôi tự nhốt mình trong đó. Chị khiến tôi cảm nhận được sự thương cảm to lớn mà trong suốt hành trình lớn lên của mình; tôi đã bất an khi nhận ra mình không có sự tương tác và kết nối với một người nào khác ngoại trừ bố.
Đôi khi tôi vẫn nhìn lại mùa hè xưa cũ của mình như một cách tưởng niệm đầy trân trọng. Chị giờ đã là một người phụ nữ của gia đình với hai đứa con gái nhỏ sau khi cố gắng băng qua cánh đồng rộng lớn của chính mình và dắt theo cả tôi. Chúng tôi thảng khi vẫn trò chuyện ở một nơi nào đó trong thành phố và tôi đã học được cách để bao dung, ít nhất là tôi đã bao dung cho cuộc sống của chính mình để mà can đảm bước về phía trước.
Người ta sẽ không thể biết mình sẽ tới những ngõ ngách nào nếu đôi chân không chịu tiến bước. Và dù muốn hay không, người ta phải tự giải thoát cho bản thân mình trong hàng nghìn vực giếng đang chực chờ ẩn náu.