Chiều, nghĩa trang buồn hiu hắt, thằng Quang con dì Tư lướt qua mặt mợ Út cách vô tình. Tôi liếc nhìn gương mặt ngoại trên tấm bia mộ đang bị phủ lấp bởi một màu nắng héo, thứ ánh sáng còn sót lại trong đám mây thâm u đang kéo nhau phủ khắp bầu trời. Mắt ngoại như long lanh. Tôi cứ ngỡ, nếu đôi mắt ấy có thể nhấp nháy, những giọt lệ ươn ướt hẳn sẽ trào ra trên gương mặt đã in hằn nét khắc khổ từ lâu.
Bước về hướng tôi, thằng Quang để lại mấy câu chửi đổng: “Thứ giả nhân, giả nghĩa” rồi ném ánh nhìn cay nghiệt về phía người đàn bà đang thắp nén nhang trên phần mộ của ngoại. Câu nói lạnh tanh nhưng cứa lòng người nghe. Mợ Út vờ như thứ âm thanh ấy đã tan nhanh trong gió, theo khói hương lan tỏa về đâu. Môi mợ cũng nhấn nhá mấy chữ: “Quân mất dạy”, rồi ngoảnh mặt bỏ đi.
Thắp nén nhang, thầm thĩ với ngoại xong, tôi lặng im nhìn mọi thứ chung quanh. Mợ Út đã ra về được một quãng. Thằng Quang nấn ná ngồi bên bậc thềm nơi phần mộ của ngoại. Tôi ngẩn người nhìn đám mây mù che ngang đầu Quang, lòng vương chút băn khoăn. Trên đoạn đường tới đây, thằng Quang nói với tôi mấy câu nghe xót lòng: “Đến cũng được thôi nhưng sự hiện diện của mình có tăng thêm niềm vui và đong đầy hạnh phúc cho người ta không?”. Quang nói không sai nhưng làm tôi khó xử. Đã là chuyện cũ nhưng sao cứ xét nét để rồi thấy mặt nhau thì thù hằn lại trỗi dậy. Buông chi mấy lời cay nghiệt rồi lại làm tổn thương nhau hơn? Nhà của ngoại, đất đai của ngoại, cho ai là quyền ngoại, cớ chi cứ cãi cọ tranh giành.
- Xem thêm: Thênh thang
Nhìn Quang, tôi hiểu cảm giác trong nó ngay lúc ấy, đó là sự nhớ nhung da diết. Bởi, người nằm sâu nơi ba tấc đất này đã trao trọn tình thương cả cuộc đời cho con cháu. Nhưng rồi, đến phút cuối đời, ngoại vẫn không yên lòng vì hai từ “tha thứ” chưa được mấy đứa con thực hiện. Ngoại buồn! Buồn lắm! Tôi nghĩ, nỗi buồn ấy, chẳng ai thấu cảm được! Tôi muốn tiếp tục khuyên thằng Quang đôi điều, nhưng chẳng biết bắt đầu từ đâu? Gương mặt nó vẫn nặng nề u ám như lớp lớp mây mù đã phủ lấp trên đầu chúng tôi.
***
Xích mích giữa nhà cậu Út và dì Tư đã có tự thuở nào. Sau lần cọ cãi lớn tiếng giữa chiều mưa, cậu Út phá ngang hàng rào dâm bụt rồi xây lên bức tường phân cách. Đống gạch đá chắp lên khiến lòng người xa xót. Nhìn dãy tường rào, ai cũng thấy một nỗi đau. Từ lúc đi học rồi ở lại Sài Gòn lập nghiệp, tôi ít trở về nhà nên không biết nhiều chuyện trong dòng họ. Đôi ba lần, má tâm sự qua chiếc điện thoại bé tẻo teo, chập chờn sóng nên chỉ nghe được những câu chuyện rời rạc chắp đầu, thêm đuôi.
Tôi cũng chẳng nhớ rõ ngày tháng ngoại chuyển sang nhà dì Tư. Dịp về Tết gần chục năm trước, tôi ghé nhà từ đường đã không còn thấy ngoại. Tạt xe ngang nhà dì, tôi thấy ngoại ở đó. Ngoại nói cười hơn hở với bầy chắt, lũ trẻ cứ luôn miệng gọi ngoại là cố. Thằng Quang lúc đó còn học cấp ba, vẫn quấn quýt bên ngoại không rời. Mấy đêm trăng thanh, ngoại thường nằm giữa sân cùng đám cháu chắt. Tay ngoại hướng lên bầu trời, ngoại chỉ cho chúng tên và ý nghĩa của các chòm sao. Lần đó, tôi nhớ nhất vì sao thứ tha. Cái tên vì sao nghe lạ lẫm quá chừng. Bởi, tôi biết đó chỉ là bài học ngoại muốn nhắn gửi cho con cháu phải sống và thực thi mà thôi.
Khoảng thời gian sống với dì Tư, lúc nào ngoại cũng tỏ vẻ hạnh phúc, nhưng ẩn sâu bên trong, ngoại giữ riêng một nỗi buồn. Tôi cũng lấy làm lạ, đem chuyện về hỏi má, nhưng má nói không rõ sự tình. Đôi lần tôi nghĩ, sao má lại vô tâm đến vậy? Nhưng đâu phải, má cũng tìm hiểu căn nguyên, nhưng không thể hiểu rõ nguồn cơn. Tôi chỉ biết, nhà cậu Út giàu có nên những cậu mợ, dì dượng khác đều xuống nước, đôi khi nặng phần luồn cúi với nhà cậu. Đặng lúc gặp chuyện, họ còn có chỗ mà cậy nhờ. Dịp đó, nhà dì Tư và cậu Út vẫn bằng mặt nhưng không bằng lòng. Ai hỏi điều gì, ngoại chẳng nói chẳng rằng, chỉ bảo gia đình cậu Út bận trăm công nghìn việc nên không có thời gian chăm sóc ngoại, ngoại dọn sang nhà dì Tư cho đỡ buồn. Nghe vậy, mọi người chỉ im lặng rồi cho qua.
Một buổi chiều mưa, từ ruộng trở về, dì Tư lao vào nhà cậu Út, quần vẫn ống thấp ống cao. Mấy bà cắt lúa ngoài đồng nhiều chuyện bảo, thím Út ra chợ xì xầm với thiên hạ, ngoại thiên vị đủ điều, mảnh đất chia đều cho bầy con nhưng nhà cậu mợ chẳng được phần nào, số vàng có được cũng giữ lại mà gửi riêng cho dì Tư. Cục tức trong lòng như chặn ngang cuống họng, dì xông vào nhà cậu, trút bỏ mọi thứ như những hạt nước đang đổ trên đầu. Từng lời của dì theo dòng nước trôi. Dòng nước mưa hôm ấy có vị mặn lăn dài thấm vào bờ môi. Từ phía trong nhà, mợ Út cũng thả trôi mấy lời cay nghiệt. Tiếng la inh ỏi vang khắp xóm làng. Tiếng giông chiều mưa như mất hút trong mớ thanh âm xé nát tim nhau. Băng ngang dãy rào dâm bụt, thằng Quang lao đến như muốn tát thẳng vào mặt mợ Út. Dì Tư chưa kịp cản, cậu Út đã xô nó ngã sõng soài. Cú chạm đất chiều hôm ấy, hình như nó nhớ mãi đến tận bây giờ.
Hôm người ở xã gửi thư thông báo, ngoại đủ tuổi nhận trợ cấp dành cho người cao tuổi của xã, dì Tư mừng cuống quýt. Mọi nhà hì hục kéo nhau đi làm giấy tờ kiếm chút tiền cho người thân, dì cũng hí hững đi. Thương ngoại, dì hạ mình sang nhà cậu Út lần nữa. Dì dẫn theo thằng Quang, dì muốn xin số giấy tờ của ngoại để làm thủ tục. Từ phía nhà trong, ngồi trên tấm phản đen – chỗ ngoại hay nằm ngày trước, mợ Út phán mấy câu cứa lòng: “Không biết bà có ăn được mấy đồng bạc đó hay không?”. Dì Tư giận tê tái. Chẳng nói thêm chi, dì bỏ về để mặc tiếng người vẫn oang oang. Những lần dọc ngang ngoài đường, vô tình chạm mặt, hai bên chỉ biết cúi đầu mà đi. Thấy dáng người khiến mình khó chịu từ đằng xa, người phía này đã vội rẽ sang đường khác. Thi thoảng, mợ Út lại ra đứng trước sân nhà chửi đổng. Chửi đứa nào ném đá lên mái nhà, chửi luôn đứa ném mấy bị rác vào khoảng vườn phía sau. Tôi biết, cho dù ai làm những chuyện ấy đi chăng nữa, nhà cậu Út vẫn đổ lỗi cho thằng Quang. Mấy dịp ngồi nói chuyện cùng nó, nó hay kể những lần mắc oan. Kể xong, nó kết lại bằng câu gọn lựng: “Mặc kệ!”. Tôi lựa lời an ủi, nhưng dường như thằng Quang chẳng muốn nghe. Con tim máu thịt của nó đã khóa kín cánh cửa lòng với gia đình cậu Út từ lâu.
Rồi trước Tết năm ngoái vài hôm, ngoại đột ngột xuất huyết đường ruột. Ngoại ra đi cách lặng lẽ. Đang lo công trình ở phố, tôi gác lại tất cả trở về. Mấy ngày hôm đó, thằng Quang bỏ ăn, nằm thếch thểu như muốn nhắm mắt cùng ngoại. Mọi người trong dòng họ quyết định đưa xác ngoại về nhà từ đường, tức nhà cậu Út. Cháu con sum họp đủ đầy. Ngày hôm ấy, nhà dì Tư cũng kéo sang, nhưng chỉ lặng yên bên góc nhà. Thằng Quang vẫn một mực không bước qua, nó đội tang ngoại nằm yên trên giường đến ngày đưa tang. Tôi tìm đến bên giường nó, nó chỉ lặng thinh. Đáp lời tôi là những giọt nước mắt. Thằng Quang cứng rắn mà tôi biết trước đây ngày hôm ấy chợt tan biến đâu mất. Chỉ còn lại đó là một tấm thân khô đét, thù hằn và bi thương. Khuyên mãi, khuyên hoài, nhưng thằng Quang vẫn một mực không bước sang, tôi đành bỏ đi.
Suốt mấy ngày đám tang, người ra kẻ vào gia quyến, cũng chạm mặt nhau, nhưng chẳng lời đay nghiến nào được phát ra. Trước lúc nhắm mắt, nằm trên chiếc xe cấp cứu, vọng vang tiếng u buồn, ngoại nắm chặt tay dì Tư và thằng Quang căn dặn mấy lời, trong đó hai chữ “tha thứ” ngoại cứ nhắc đi nhắc lại. Ngày hôm đó, hai má con dì Tư gật gù kèm theo những giọt nước mắt. Nhưng, đó chỉ là hành động an ủi thân xác của một con người khi linh hồn sắp sửa lìa xa. Gật đầu là vậy, nhưng tôi dám chắc, dì Tư và cả thằng Quang khó lòng mà tha thứ được cho gia đình cậu Út vì những chuyện đã xảy ra! Trong chiều buồn ảm đạm, đám táng của ngoại lặng lẽ đi, tiếng khóc rải đều râm ran. Vợ chồng cậu Út cũng gào khóc như bao người.
Chỉ mình thằng Quang lầm lủi, bước đi.
***
“Những chuyện trước đây, gia đình em cho qua tất cả. Nhưng hôm trước ngày ngoại mất, ngoại kêu đau âm ĩ. Bất đắc dĩ, em đến nhà ổng xin lấy chiếc xe hơi chở ngoại đi viện. Ả bảo cậu mày chuẩn bị đi phát quà từ thiện, lấy xe máy mà đi! Ngoại chết trước mặt em đấy, anh biết không?”.
Tôi lặng im nghe nước mắt trôi tuột vào tim. Nước mắt thằng Quang đã kịp rơi xuống đất. Nóng hổi, thê lương. Những giọt nước mắt ấy có làm ấm lòng đất, làm ấm cơ thể đã mục nát của ngoại hay không tôi chẳng biết! Từ trước tới giờ, tôi chỉ biết ngoại mất vì không kịp đến bệnh viện. Tôi cúi nhìn thằng Quang vẫn đang di di bàn tay trên phần mộ của ngoại. Nó đang trở về cái im lặng cố hữu trước kia. Sự im lặng khó hiểu đến chạnh lòng từ ngày ngoại mất vẫn vẹn nguyên cho đến tận bây giờ.
- Xem thêm: Trốn chạy
Lần này, tôi trở về bởi là ngày giỗ đầu của ngoại. Cậu, mợ, dì, dượng, con cháu đều đông đủ, chỉ thiếu mỗi gia đình dì Tư. Má tôi tìm mọi cách bảo ban nhưng dì nhất quyết không đặt chân đến nhà cậu. Ở nhà bên, dì dượng làm một mâm cơm riêng để cầu nguyện cho ngày giỗ ngoại. Nhỏ nhoi nhưng vẫn vẹn nguyên sự ấm cúng. Và rồi, ngay lúc này đây, khi ngồi bên ngoại, bên thằng Quang cùng với sự thật được phơi bày! Tôi biết khuyên nó sao bây giờ?
Ngày hôm đó, tôi ngồi với thằng Quang đến khi tối mịt. Đoạn đường trở về nhà như dài hun hút với mớ chuyện cũ trộn lẫn vào bóng đêm. Từ phía sau xe, thằng Quang chợt bật lên câu nói làm tôi ấm lòng:
“Nhiều lúc em cũng muốn tha thứ như ngoại, nhưng chẳng biết bắt đầu từ đâu?”.
Tôi lặng thinh nghe câu nói tan vào gió rồi nhìn lên bầu trời đang kéo giông, những vì sao nhỏ bé vẫn leo lét sáng giữa đêm dài. Tôi nhớ đến vì sao ngoại đã nói năm nào, vì sao thứ tha! Thứ ánh sáng tuy đang mập mờ nhưng mãi long lanh.
Nơi xa kia, nghe những lời thằng Quang nói, tôi biết chắc chắn ngoại sẽ vui.