Ông Ken Rogoff – giáo sư Đại học Harvard (Mỹ), cựu Kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) – cuối tuần qua cho rằng đà tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc chính là mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu.
Ông cho biết không thể loại bỏ nguy cơ xảy ra tình trạng “hạ cánh cứng (hard landing)” tại nền kinh tế được xem là một trong những động lực chính của tăng trưởng toàn cầu. Trung Quốc đang trải qua một cuộc cách mạng chính trị lớn và nền kinh tế này đang tăng trưởng chậm hơn nhiều so với các con số chính thức được thông báo.
Ông Rogoff nói rằng: “Nếu chúng ta muốn biết một phần vấn đề nợ trên thế giới, hãy nhìn vào Trung Quốc. Họ sử dụng tín dụng nhằm thúc đẩy tăng trưởng và những điều này sẽ không thể kéo dài mãi mãi”.
Hai tuần trước đây, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), ngân hàng cố vấn toàn cầu cho các ngân hàng trung ương (NHTW), cho biết hệ số nợ/GDP của Trung Quốc đứng ở mức 30,1%, làm gia tăng lo sợ rằng sự bùng nổ kinh tế của Trung Quốc chỉ dựa trên bong bóng tín dụng là bất ổn.
Hồi giữa tháng 9, một trong ba tập đoàn đánh giá tín dụng hàng đầu thế giới phát hiện nợ xấu của ngân hàng Trung Quốc cao gấp 10 lần các con số thống kê được báo cáo.
Trong khi đó Ủy ban Chính sách Tài chính của Ngân hàng Trung ương Anh mô tả con số trên là “quá cao so với tiêu chuẩn quốc tế”, cơ quan này sẽ kiểm tra mức độ tác động lên các ngân hàng Anh trước đà giảm tốc tại Trung Quốc.
Các hoạt động cho vay và kinh doanh của các ngân hàng Anh ở Trung Quốc (bao gồm cả Hongkong) có giá trị khoảng 530 tỉ USD, chiếm khoảng 16% trong tổng số tài sản ở nước ngoài mà các ngân hàng Anh nắm giữ.
Ông Rogoff nhận định Trung Quốc có thể kiểm soát tình hình nhưng cũng chỉ tới một thời điểm nào đó thôi. Điều đáng nói là nếu có điều gì đó xảy ra ở châu Âu hay Nhật Bản thì nền kinh tế thế giới ít nhất còn có Trung Quốc chống đỡ và nếu không có Trung Quốc thì không có nền kinh tế nào thế chỗ.
Theo ông, các nền kinh tếở châu Âu và Mỹ phải đảm bảo họ có thể “đứng trên đôi chân của mình” trước khi bất kỳ sự giảm tốc nào bắt đầu diễn ra.
IMF đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong chín năm liên tiếp và có tiên đoán là họ đang chuẩn bị làm điều đó một lần nữa.
Ngoài Trung Quốc, ông Rogoff còn cho biết một nguyên nhân khác có thể dẫn đến bất ổn đối với các vấn đề trên thế giới đó là liệu Donald Trump hay Hillary Clinton sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
“Dĩ nhiên là tôi rất lo lắng, có lẽ sẽ còn lo lắng hơn nữa nếu Trump thắng cử, bởi vì không biết điều gì sẽ diễn ra tiếp theo” – ông chia sẻ.
N.N (DNSGCT)