Theo sau sự kiện vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp đầu tiên trên thị trường chứng khoán Trung Quốc vào trung tuần tháng 3 vừa qua (do Công ty Khoa học Công nghệ năng lượng mặt trời Chaori phát hành), giới đầu tư trên toàn thế giới nghĩ ngay đến bóng ma Bear Stearns trên bầu trời Thượng Hải. Bởi sự sụp đổ của ngân hàng đầu tư Bear Stearns, sau đó là việc phá sản của Lehman Brothers trong năm 2008 chính là những sự kiện khởi đầu cho cuộc khủng hoảng tài chính của Hoa Kỳ. Theo chuyên gia Diana Choyleva tại Lombard Street Research, cuộc vỡ nợ của Chaori rất có thể dẫn đến một kết cục như vậy. Tuy nhiên, không giống với Bear Stearns, sự vỡ nợ của Chaori không làm thay đổi quan điểm đối với rủi ro tín dụng của những người tham gia trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, để có thể kéo theo một sự mất thanh khoản. Đó là do trước nay đa phần giới đầu tư trong nước của quốc gia này hiểu rõ Chaori đang đối mặt với nhiều vấn đề. Mặt khác, sự sụp đổ của Lehman Brothers khi ấy dẫn đến sự hốt hoảng trên toàn thị trường chứng khoán New York là do giới đầu tư lo ngại trước thái độ không dứt khoát của chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, Choyleva cho rằng hiện tượng Bear Stearns có thể khiến thị trường tài chính Trung Quốc đối diện với nguy cơ sụp đổ.
Trong suốt năm năm qua, mức nợ tại Trung Quốc đã tăng nhanh hơn cả giai đoạn phát triển 1980 trước đây tại Nhật Bản. Thế giới lại không đủ lớn để Trung Quốc tiếp tục gia tăng thu nhập trên đầu người thông qua xuất khẩu, trong khi nước này vẫn không ngừng chi tiêu quá tay, một hình thức “ăn trước trả sau”. Một cuộc khủng hoảng tài chính dự báo sẽ bắt đầu vào giai đoạn cuối của mô hình tăng trưởng phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư tại Trung Quốc. Tính đến cuối năm 2013, tổng số nợ của chính quyền Bắc Kinh đã chạm mức 238% GDP. Điểm khác biệt với Hoa Kỳ là trong tình trạng tồi tệ nhất chính quyền Bắc Kinh có thể tìm cách “tự xóa đi” những khoản lỗ do nợ vay, nhằm trì hoãn những vấn đề nợ nần cũng như trì hoãn cuộc cải tổ tài chính. Nếu buộc phải cải tổ ngay lúc này, Trung Quốc sẽ đối diện với một cơn hiểm họa tài chính từng diễn ra tại Mỹ và khu vực Eurozone trước đây, nhưng nếu kìm nén cuộc cải tổ, nợ vay của chính phủ ngày một gia tăng thành quả bóng tài chính, khiến cho cuộc khủng hoảng khi xảy ra sẽ trầm trọng hơn.
Nếu Trung Quốc chọn cách gạt bỏ mớ bòng bong này sang một bên và tiếp tục xài tiền như hiện nay, theo các chuyên gia kinh tế, nước này chỉ còn khoảng thời gian vài ba năm trước khi chờ đón một cuộc đại khủng hoảng tài chính ập đến. Khi ấy, Trung Quốc sẽ tăng trưởng với tỷ lệ thấp hơn tốc độ tăng trưởng của toàn cầu trong vòng ít nhất một thập niên.
Lâm Kiên theo Business Insider