Theo Tân Hoa xã, trong cuộc họp ngày 5-12, Bộ Chính trị, BCH trung ương ĐCS Trung Quốc đã quyết định khai trừ đảng đối với cựu Ủy viên Thường vụ Chu Vĩnh Khang, 72 tuổi và chuyển vụ điều tra cho các cơ quan tố tụng xử lý theo pháp luật. Cùng ngày, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Trung Quốc thông báo bắt giữ và khởi tố hình sự đối với Chu Vĩnh Khang.
Bộ Chính trị Trung Quốc đã quyết định điều tra Chu Vĩnh Khang vào ngày 29-7-2014, gần bảy tháng sau khi Ban Thường vụ xem xét một báo cáo cho thấy ông Chu vi phạm kỷ luật nghiêm trọng. Kết quả điều tra phát hiện người từng đứng đầu bộ máy an ninh của Trung Quốc với cương vị Chủ tịch Ủy ban Chính pháp trung ương đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật chính trị, tổ chức và bảo mật của đảng, rò rỉ bí mật của đảng và nhà nước Trung Quốc. Ông Chu còn vi phạm những quy định tự kỷ luật, lợi dụng các chức vụ của mình để trục lợi cho người khác, nhận những khoản tiền hối lộ khổng lồ và bất động sản trực tiếp hoặc thông qua gia đình, lạm dụng quyền lực để giúp người thân, tình nhân và bạn bè thu lợi từ hoạt động kinh doanh, gây thất thoát nghiêm trọng tài sản nhà nước, cùng nhiều vi phạm khác.
South China Morning Post cho rằng việc công khai điều tra Chu Vĩnh Khang là dấu ấn lớn nhất trong chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ, diệt ruồi” được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiến hành từ hai năm qua và cho thấy ông Tập đã có được sự ủng hộ chính trị đủ để phá vỡ một luật bất thành văn là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị dù đương nhiệm hay về hưu đều được miễn điều tra tham nhũng. Ông Chu trở thành chính trị gia cao cấp nhất của Trung Quốc bị điều tra kể từ phiên tòa xử “bè lũ bốn tên” (Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên và Vương Hồng Vân) về tội danh chống đảng vào đầu thập niên 1980.
Ngày 7-12, tờ South China Morning Post dẫn lời giới phân tích dự đoán Chu Vĩnh Khang có thể chịu mức án cao nhất là tử hình, nặng hơn mức án chung thân mà cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai phải nhận hồi tháng 9-2013. Từ nhiều thập niên qua, án phạt cao nhất dành cho quan chức cấp cao bị buộc tội tham nhũng là tử hình nhưng được hoãn thi hành án. Tuy nhiên, trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang rất cứng rắn với chiến dịch trong sạch hóa đội ngũ lãnh đạo như hiện nay, cũng có khả năng ông Chu Vĩnh Khang sẽ bị xử tử.
Nhiều quan chức, học giả, doanh nhân Trung Quốc đã lên tiếng ủng hộ quyết định của Trung Quốc, xem đây là bằng chứng cho nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không có vùng cấm trong chống tham nhũng. Trước Chu Vĩnh Khang, chưa từng có ai ở cấp bậc này bị cáo buộc rò rỉ bí mật nhà nước. Theo một số nhà phân tích, cáo buộc này có thể dùng để tạo điều kiện pháp lý cho việc xử kín. Năm ngoái, phiên xử công khai xử Bạc Hy Lai đã gặp nhiều vấn đề phát sinh trong quá trình tranh tụng và Bạc Hy Lai cương quyết không nhận tội.
P.V tổng hợp (DNSGCT)