Thị trường chứng khoán vẫn đang dần khẳng định vai trò quan trọng của mình trong nền kinh tế. Tính đến cuối tháng 9-2016, mức vốn hóa của thị trường cổ phiếu đã là hơn 1,63 triệu tỉ đồng, tăng 20% so với cuối năm ngoái, tương đương 38,9% GDP; dư nợ của thị trường trái phiếu tương đương 24% GDP. Dù có bước tăng trưởng vượt bậc như vậy, nhưng theo đánh giá của Chính phủ thì thị trường tài chính – chứng khoán nước ta vẫn “chưa đủ lớn” và vì vậy, mới đây Chính phủ đã thể hiện quyết tâm nâng cao quy mô và hiệu quả hoạt động của thị trường chứng khoán, trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, với mục tiêu đến năm 2020, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 70% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt 30% GDP.
Để đạt được con số ấn tượng kể trên, bên cạnh những tác động hỗ trợ từ bên ngoài như chính sách, nguồn cung cổ phiếu có chất lượng…, thì bản thân thị trường chứng khoán cũng phải vận động và tăng trưởng không ngừng, để chỉ số và quy mô giao dịch ngày càng nâng cao. Tháng 10 vừa qua, chỉ số VN-Index dù dao động khá mạnh nhưng vẫn trong vùng giá cao 670-690 điểm. Tuy vậy, thanh khoản lại tỏ ra “hụt hơi”, lực cầu cổ phiếu trong hầu hết các phiên, tăng cũng như giảm điểm, đều khá thấp. Nếu như thanh khoản giảm mạnh khi chỉ số lùi xuống vùng biên dưới là một tín hiệu tốt vì cho thấy nguồn cung giá thấp không lớn, thì việc thanh khoản vẫn không tích cực hơn trong những phiên VN-Index tăng mạnh cho thấy xu hướng tích lũy sẽ còn kéo dài. Giao dịch của nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài đều tỏ ra thiếu tích cực, dù trạng thái của khối ngoại đã khá hơn khoảng thời gian trước đó, với những phiên mua ròng nhẹ.
Có thể nói, thận trọng và chờ đợi chính là tâm lý chung của nhà đầu tư trong thời gian vừa qua và cũng là nét chủ đạo trong thời gian tới. Dù chỉ số VN-Index gần như không giảm trong tháng 10, giúp thị trường duy trì được xu hướng tăng trung hạn, thì việc thanh khoản giảm mạnh so với giai đoạn trước lại cho thấy những rủi ro tiềm ẩn. Trong nước đã không còn nhiều thông tin hỗ trợ, kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp niêm yết không gây được tiếng vang, chỉ còn những diễn biến từ thị trường thế giới sẽ tác động đến nước ta.
Tháng 11, mối quan tâm của thị trường tài chính – chứng khoán toàn cầu tập trung vào nước Mỹ, với ảnh hưởng từ cuộc họp cuối cùng trong năm 2016 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ diễn ra vào tháng 11 (quyết định đến việc thay đổi lãi suất đồng USD) và đặc biệt là kết quả của cuộc bầu cử tại nước này. Trước, trong và sau những sự kiện quan trọng như vậy, thị trường tài chính toàn cầu thường tỏ ra thận trọng. Chính vì vậy, giới đầu tư không ngạc nhiên với biểu hiện của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán nước ta. Thậm chí, tâm lý này cũng chi phối cả các nhà đầu tư trong nước, bởi “bung sức” trong giai đoạn xu hướng có thể đột ngột thay đổi như hiện nay là khá mạo hiểm.
Sự thận trọng của nhà đầu tư còn đến từ thông tin tổng lượng margin trên thị trường chứng khoán đang ở mức rất cao. Tính đến cuối quý III, theo số liệu tổng hợp từ 15 công ty chứng khoán, con số này là hơn 22 ngàn tỉ đồng, tăng khoảng 16% so với đầu năm, mức đỉnh trong vòng năm năm trở lại đây. Dù sử dụng margin trong đầu tư chứng khoán là điều phổ biến trên thị trường và việc dư nợ cho vay tăng trong bối cảnh tăng trưởng (VN-Index tăng 17% kể từ đầu năm), thì đối với nhà đầu tư, thông tin này vẫn mang tính cảnh báo cao. Khi thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy, cơ hội lợi nhuận tìm kiếm trong ngắn hạn là không nhiều, lạm dụng margin có thể dẫn đến nhiều rủi ro.
Ngọc Khang (DNSGCT)