Như vậy là kịch bản xấu “đầu năm giảm điểm” đã diễn ra, bất chấp thống kê của những năm trước chỉ ra rằng thị trường thường tăng điểm mạnh trong tháng 1. Thị trường chứng khoán là vậy, không hề chịu sự tác động bởi tính chu kỳ, mà hoàn toàn dựa vào những tín hiệu thực.
Các chỉ số trên thị trường chứng khoán nước ta đều lao dốc trong tuần đầu tiên của năm 2016: VN-Index giảm 3,28%, chỉ còn 560,05 điểm, HNX-Index giảm 4,44%, dừng ở 76,41 điểm, UpCom-Index giảm 3,9%, xuống 49,27 điểm. Chỉ số giảm mạnh nhưng giao dịch diễn ra lại có phần sôi động hơn những ngày cuối năm ngoái. Theo đó, khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên HSX tăng 15% so với tuần trước, trên HNX tăng mạnh hơn (21%). Cộng hưởng với sắc đỏ của thị trường, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đà bán ròng trên HSX (169 tỉ đồng) dù có mua ròng nhẹ trên HNX (71 tỉ đồng). Khối lượng bán ròng của khối ngoại nếu so với tháng cuối năm ngoái thì không lớn và cũng không tác động nhiều đến đà đi xuống của chỉ số, nhưng việc họ duy trì xu hướng bán ròng khiến cho giới đầu tư trong nước càng trở nên thận trọng.
Có thể nói, tình hình kinh tế trong nước và của các doanh nghiệp niêm yết không phải là nguyên nhân khiến cho thị trường chứng khoán lao dốc đầu năm. Và không chỉ với nước ta, đầu năm mới 2016 là một tuần giao dịch tồi tệ cho thị trường chứng khoán thế giới, gây ra một cú sốc cho giới đầu tư toàn cầu, mà khởi đầu vẫn là thị trường chứng khoán Trung Quốc. Tại nước này, cơ chế ngừng giao dịch của thị trường chứng khoán (được thiết lập từ tháng 9-2015) lần đầu tiên được kích hoạt vào ngày 4-1 vừa qua và ngày 7-1 lại tiếp diễn, khiến cho Ủy ban Quản lý và giám sát chứng khoán Trung Quốc (CSRC) tối 7-1 phải thông báo ngừng áp dụng cơ chế này kể từ 8-1. Tuy nhiên, điều đó không ngăn được đà lao dốc của các chỉ số và sau tuần giao dịch đầu tiên của năm mới, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã mất đi 9,97% giá trị. Tác động đến từ thị trường chứng khoán của nền kinh tế thứ hai thế giới đương nhiên là rất lớn, khiến cho thị trường chứng khoán khắp nơi chao đảo. Tại Mỹ, phố Wall đã có tuần giao dịch đầu năm tồi tệ nhất trong lịch sử với Dow Jones giảm 6,19%, S&P 500 giảm 5,96% và Nasdaq giảm 7,26%. Chứng khoán châu Âu cũng tương tự, chỉ sau một tuần, chỉ số FTSE 100 (Anh) giảm 5,28%, DAX (Đức) giảm 8,32% và CAC 40 (Pháp) giảm 6,54%. Đây là tuần giảm tồi tệ nhất của chứng khoán châu Âu kể từ tháng 8-2011 (khi ấy, thị trường chứng khoán giảm gần 10% do tác động từ cuộc khủng hoảng nợ công của khu vực đồng euro). Tại Nhật, với năm phiên giảm điểm liên tiếp, tuần đầu tiên của năm mới 2016 lấy đi 7,02% số điểm của Nikkei 225, mức giảm mạnh nhất trong tuần đầu năm mới kể từ năm 1949.
Việc các chỉ số chứng khoán trên thế giới đồng loạt giảm điểm, cộng với việc giá dầu giảm mạnh (xuống mức thấp nhất 12 năm) và còn có thể xuống mức 20 USD/thùng cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề, chứ không chỉ đơn giản là nỗi lo tâm lý. Trung Quốc đã có động thái phá giá đồng nhân dân tệ và chính sách tỷ giá trung tâm mà Ngân hàng Nhà nước áp dụng có hiệu lực từ ngày 4-1 với biên độ dao động 3% có thể chỉ là bước đầu cho những giải pháp liên quan đến chính sách tiền tệ. Thị trường chứng khoán đang đứng trước một giai đoạn khó khăn, tương tự như thời điểm năm 2010, khi chính sách tiền tệ và tỷ giá tác động mạnh đến tâm lý của nhà đầu tư. Nếu nhìn nhận vấn đề như vậy, mức giảm (3,28%) của VN-Index sau tuần đầu năm mới cũng là hợp lý, khi những yếu tố kinh tế vĩ mô bất lợi sẽ còn tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp niêm yết. Nhập siêu từ Trung Quốc của nước ta là rất lớn, nên việc đồng nhân dân tệ mất giá sẽ càng tạo điều kiện cho nguồn hàng giá rẻ của nước này thâm nhập thị trường.
Với diễn biến tình hình chung không thuận lợi, nhiều khả năng thị trường chưa thể phục hồi trong ngắn hạn và việc một số doanh nghiệp niêm yết công bố kết quả kinh doanh quý IV-2015 trong những ngày tới chỉ giúp thị trường đỡ tiêu cực hơn mà thôi. Nhóm cổ phiếu lớn có thể sẽ trở thành tâm điểm bởi đây thường là nhóm có kết quả kinh doanh tốt và công bố báo cáo sớm nhất. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng cũng được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ kết quả công bố báo cáo kinh doanh, do cuối năm là thời điểm doanh thu tăng vọt.
Hầu như tất cả các công ty chứng khoán đều tư vấn cho các nhà đầu tư ngắn hạn nên tạm ngừng giao dịch và hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính. Số liệu từ các công ty chứng khoán cho thấy tỷ lệ margin đang ở mức cao, áp lực bán giải chấp vẫn còn một khi thị trường tiếp tục giảm điểm. Dù cơ hội luôn đến với những người đi ngược thị trường, nhưng thận trọng là điều cần thiết trong lúc này. Các nhà đầu tư dài hạn, vì vậy, được đề nghị nên giảm tỷ trọng cổ phiếu ở những phiên “hồi” để hạn chế rủi ro.
Tuấn Thành (DNSGCT)