Những ngày vừa qua, dư luận dành sự quan tâm cho một nguồn tín dụng mới dành cho thị trường bất động sản, khi có tin Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu xây dựng một gói hỗ trợ vay mua nhà dành cho cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Gói tín dụng này sẽ cho phép cán bộ công chức, viên chức được mua cả căn hộ chung cư cao cấp, trung cấp, mua nhà liền kề… với mức cho vay tối đa lên tới 75% tổng giá trị tài sản cần mua, nhưng không quá 2 tỉ đồng. Lãi suất dự kiến dao động từ 6 – 7,5%/năm, thời hạn vay dự kiến kéo dài trong khoảng 10 năm.
Nhiều người cho rằng nếu chương trình này thành hiện thực, đó sẽ là một cú hích lớn với thị trường bất động sản, bởi nó tác động đến nhiều phân khúc của thị trường, điều mà gói hỗ trợ 30 ngàn tỉ đồng chưa làm được. Bởi khi không có những rào cản về diện tích, loại hình nhà ở, mặc nhiên mọi sản phẩm của thị trường đều là đối tượng của gói tín dụng này, không như gói 30 ngàn tỉ đồng chỉ dành cho nhóm đối tượng phát triển và mua nhà ở xã hội, hay người mua nhà ở thương mại có diện tích dưới 70m2, giá dưới 15 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, phải thấy rằng gói hỗ trợ nếu có này chỉ là một kế hoạch của ngành ngân hàng nhằm cải thiện tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm mà thôi. Các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, dù vậy, vẫn cho rằng thông tin này sẽ có tác động tích cực cho thị trường, bởi đây là tín hiệu cho thấy Ngân hàng Nhà nước đã “mở” trở lại cho bất động sản, sau khi lĩnh vực này không được ưu tiên giải ngân vì là phi sản xuất. Nếu được thông qua, gói tín dụng mới sẽ hướng đến tầng lớp trung lưu và phân khúc căn hộ tầm trung trở lên. Khi mà các giao dịch trên thị trường dù đang có dấu hiệu ấm dần lên, thanh khoản tương đối tốt, nhưng chủ yếu vẫn tập trung vào phân khúc nhà giá rẻ dành cho người thu nhập thấp, việc cán bộ công chức có nhu cầu và thu nhập khá được vay vốn từ ngân hàng để mua nhà sẽ tốt cho thị trường, phần nào tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực bất động sản, đồng thời cũng giúp cho hệ thống ngân hàng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng.
Nếu áp dụng vào thực tế, sẽ có nhiều vấn đề phát sinh, chẳng hạn mức lãi suất 6 – 7,5%/năm trong thời gian vay cố định khoảng 10 năm là điều mà ít có ngân hàng thương mại nào dám thực hiện nếu không có sự bảo đảm từ phía Ngân hàng Nhà nước, bởi duy trì một mức lãi suất cố định trong một thời gian dài như vậy là quá rủi ro, trong bối cảnh kinh tế nước ta chưa thực sự ổn định như ở các nước phát triển. Tuy nhiên, “cứ đi rồi sẽ thành đường”, chuyện lãi suất hay thời hạn vay thực ra cũng không quá quan trọng và có thể thay đổi tùy theo tình hình thực tế. Vấn đề là chủ trương này nếu được tiến hành sẽ giúp thị trường địa ốc có thêm dòng tiền từ các ngân hàng và kích thích nhu cầu sở hữu nhà của những người đủ điều kiện. Ngoài ra, khi không được hỗ trợ về lãi suất thì khả năng phát sinh nợ xấu cũng sẽ bị loại trừ, do ngân hàng phải thẩm định kỹ khả năng trả nợ của khách hàng trước khi cho vay. Nếu vay mức tối đa 2 tỉ đồng với lãi suất 6 – 7,5%/năm trong 10 năm là khó khả thi đối với thu nhập của công chức, do tiền trả nợ gốc và lãi vay hằng tháng lên tới hàng chục triệu đồng, thì với những khoản vay dưới 1 tỉ đồng, thời hạn và lãi suất vay như vậy là chấp nhận được. Ngoài ra, khi quyết định vay tiền mua nhà, chẳng mấy ai không chuẩn bị sẵn tiền, chỉ đi vay một phần nào đó mà thôi, nếu phần thiếu ấy lại được cho vay với thời hạn 10 năm, nhiều người sẽ mạnh dạn tham gia. Thanh khoản của thị trường sẽ tăng lên. Gói hỗ trợ mới, nếu trở thành hiện thực, cũng đáng để chờ đợi.
Hồng Thuận