Tổng thống Mỹ Barack Obama hối thúc Ấn Độ nên đề cao vấn đề tự do tôn giáo và nỗ lực nhiều hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu nhân chuyến công du đến Ấn Độ hồi tuần qua nhằm thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Nói chuyện trước 1.500 người phần lớn là thanh niên, Tổng thống Obama khẳng định Mỹ có thể trở thành “đối tác tốt nhất” của Ấn Độ nếu cả hai cùng nỗ lực tạo dựng một mối quan hệ đối tác mang tầm lịch sử của thế kỷ XXI. Tuy nhiên, ông Obama cũng không ít lần gợi nhắc đến những vấn đề chính trị và xã hội mà New Delhi cần phải sớm giải quyết trên lộ trình hợp tác với Mỹ, bao gồm quyền phụ nữ và chống biến đổi khí hậu. Theo ông Obama, mỗi người phụ nữẤn Độ không chỉ có quyền bình đẳng về giới tính mà còn phải được an toàn khi bước ra đường. Nói cách khác, phụ nữ tại đây có thể bước ra ngoài xã hội, đi làm việc, đi trên xe bus một cách an toàn, được đối xử với sự trân trọng mà họ xứng đáng nhận được. Trong những năm gần đây, Ấn Độ đã khiến thế giới phải hoang mang bởi hàng loạt vụ cưỡng hiếp tập thể, bắt đầu từ sự việc xảy ra với một nữ sinh ở New Delhi năm 2012. Đến nay, vấn đề bạo lực tình dục và việc trấn an phụ nữ đã trở thành vấn đề gây tranh cãi tại Ấn Độ. Ngoài ra, trong chuyến công du này, ông Obama cũng kêu gọi sự tôn trọng dành cho tôn giáo, đặc biệt sau khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi theo đạo Hindu nhậm chức khiến cho không ít cộng đồng Hồi giáo trong nước phải hoang mang. Trước đó, cuộc bạo loạn xảy ra năm 2002 tại bang Gujarat (khi ông Modi đang là thủ hiến) đã khiến cho gần 1.000 người Hồi giáo bị giết.
Về vấn đề Trung Quốc, Thủ tướng Ấn Độ tỏ thái độ kiên quyết hơn đối với cách ứng xử của Bắc Kinh trong việc gia tăng sức mạnh quân sự trên khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó nổi bật là vấn đề tranh chấp Biển Đông. Cả ông Modi lẫn ông Obama nhất trí rằng vấn đề tự do về mậu dịch hàng hải nên được xem trọng và những tranh chấp phải được dàn xếp trong ôn hòa. Trên vấn đề môi trường, đặc biệt là cắt giảm khí thải carbon theo tiêu chuẩn do Mỹ đặt ra vốn cũng được Bắc Kinh ủng hộ ký kết, New Delhi cho biết sẽ không chịu sự chi phối và áp lực từ bất kỳ quốc gia nào có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế quốc gia và làm chậm tiến trình nâng cao mức sống của 1,2 tỉ dân trong nước. Về phần mình, ông Obama cho rằng việc kêu gọi Ấn Độ cùng Mỹ nói không với khí thải carbon vào thời điểm này, khi Mỹ đã sử dụng nhiên liệu hóa thạch hơn 100 năm nay để trở thành cường quốc số 1 thế giới, còn Ấn Độ vẫn đang trong giai đoạn phát triển là không công bằng, nhưng nếu Ấn Độ không cân nhắc nhiều hơn đến nguồn nhiên liệu sạch, thì vấn đề biến đổi khí hậu sẽ không bao giờ tìm được giải pháp.
Vợ chồng Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Ấn Độ nhân dịp Ngày Cộng hòa (26-1) là một vinh dự cao quý của Ấn Độ dành cho nguyên thủ nước ngoài. Chuyến tham quan đền Taj Mahal của ông Barack và bà Michelle đã bị hủy bất ngờ vì cả hai phải vội bay sang Ả Rập Saudi ngay sau khi hay tin quốc vương Abdullah qua đời ở tuổi 90.
Kiên Lâm theo AFP (DNSGCT)