Thụy Điển đang chiến thắng trong cuộc đua trở thành xã hội hoàn toàn không dùng tiền mặt đầu tiên của thế giới, nhưng đang có mối quan tâm là mục tiêu này sẽ gây ra lắm vấn đề cho những người già và những nhóm dễ bị tổn thương khác.
Thụy Điển đi đầu trong việc tiến đến xã hôi không tiền mặt tại châu Âu
Hiện nay không còn ngân hàng nào quanh quảng trường trung tâm Odenplan của thủ đô Stockholm dùng tiền mặt. Bạn chỉ có thể trả tiền cà phê và món bánh quế bằng thẻ hoặc bằng ứng dụng trên smartphone tại chi nhánh địa phương của chuỗi cà phê lớn nhất nước này. Cũng không có cơ hội để bạn dùng tiền mặt nếu bạn muốn nhảy lên một trong những chiếc xe buýt mầu xanh sáng đặc trưng. Đối với nhiều người dân Thụy Điển sống tại một đất nước đang tiến dần đến một xã hội không còn dùng tiền mặt thì điều đó chẳng có gì là bất thường trong những năm gần đây.
Gần như tuyệt đại đa số các ngân hàng đã ngừng cho phép khách hàng rút tiền mặt hoặc thanh toán bằng tiền mặt tại quầy giao dịch. Hiện, nhiều cửa hàng và nhà hàng Thụy Điển chỉ chấp nhận phương thức chi trả qua thẻ hoặc qua công cụ di động. Khảo sát của Ngân hàng Trung ương cho thấy chỉ có ¼ người dân Thụy Điển dùng tiền mặt ít nhất một lần trong tuần. Xu hướng thanh toán bằng điện thoại, thẻ, online tăng nhanh khiến tỉ lệ dùng tiền mặt trong bán lẻ đã giảm từ 40% của năm 2010 xuống chỉ còn 15% hôm nay.
Tuy nhiên, trong khi Thụy Điển hào hứng với phương cách thanh toán và giao dịch số, được xem là điển hình về sáng kiến cần phổ biến ra toàn cầu thì bắt đầu phát sinh mối quan tâm về bước đi quá nhanh của sự thay đổi khiến thành phần người già và những nhóm dễ tổn thương khác không thể bắt kịp. Một số người lo lắng về những thách thức họ khó lòng vượt qua, gây khó khăn cho cuộc sống hàng ngày vì không phải ai cũng đễ dàng tiếp cận và nắm bắt nhanh công nghệ.
“Cho đến khi nào quyền dùng tiền mặt chưa bị tước bỏ tại Thụy Điển, chúng ta cần tạo điều kiện cho người dân dùng quyền này nếu họ muốn. Ví dụ: họ có thể giao dịch bằng tiền mặt tại ngân hàng. Chúng tôi không chống lại xã hội phi tiền mặt nhưng không muốn nó đi qua nhanh khiến một số người bị bỏ lại phía sau” – bà Ola Nilsson, phát ngôn viên của tổ chức hưu trí quốc gia (SNPO) có 350.000 thành viên nói.
Câu chuyện của bà Majlis Jonsson
Majlis Jonsson, 73 tuổi, sống tại Odenplan đã hơn 20 năm cho biết bà vẫn thích dùng tiền mặt càng nhiều càng tốt. Dù chỉ làm những việc lặt vặt trong nhà, bà vẫn sợ tương lai sẽ không còn được làm như thế khi toàn bộ xã hội đã chuyển sang thanh toán điện tử. Cựu giáo viên này tâm sự: “Đôi khi bắt buộc phải dùng thẻ để thanh toán, tôi rất lúng túng và mất khá nhiều thời gian cho nó”.
Do không có máy tính trong nhà do không thoải mái khi vào internet nên xu hướng không dùng tiền mặt của xã hội đã làm cuộc sống hàng ngày của bà Jonsson khó khăn và tốn kém hơn. Từ nhiều năm qua, đa số ngân hàng Thụy Điển đã ngưng dùng chi phiếu và phí giao dịch tiền mặt tại ngân hàng cũng tăng lên. Mới đây, bà Jonsson phải trả lại cho người bạn 75 kronur (6,35 bảng Anh) sau khi nhờ người này mua vé xe lửa trên mạng, kể cả phí giao dịch trực tuyến. Số tiền này cao hơn thanh toán trưc tuyến.
“Các ngân hàng là kho tiền. Họ luôn bảo khách hàng nên thanh toán qua internet với một khoản phí nhỏ hơn, nhưng không phải ai cũng biết làm như thế” – bà nói. Viktor Sjoberg, cố vấn khách hàng tại SEB cho biết ngân hàng của ông cho khách quyền chọn lựa giao dịch trong thế giới số hay trong thế giới thực (tiền mặt). Số liệu thống kê của Eurostat cho thấy bà Jonsson chỉ thuộc nhóm nhỏ thích dùng tiền mặt.
Năm 2017 có 85% người dân Thụy Điển tuổi từ 16-74 giao dịch ngân hàng trực tuyến, cao hơn bình quân 51% của Liên hiệp châu Âu (EU) và 68% của nước Anh. Nhưng SNPO lập luận rằng những ai không thể thích nghi với xã hội không tiền mặt hoặc không thích phương thức thanh toán này đang có cảm giác họ bị đẩy ra ngoài lề xã hội. Cảm giác này mạnh hơn tại những nước có tỉ lệ dùng tiền mặt còn cao.
“Người dùng tiền mặt nên được đối xử công bằng như người không dùng tiền mặt thay vì phải chịu chi phí cao như hiện nay. Các ngân hàng không nên quá chú trọng vào việc giảm phí tổn bằng việc xem nhẹ khách hàng dùng tiền mặt. Trước mắt, chính phủ và ngân hàng nên có những khoá học làm quen với thanh toán số dành cho người già”. SEB, một trong những ngân hàng lớn nhất Thụy Điển đã mở một chương trình hỗ trợ như thế tại nhiều chi nhánh của nó khi ngân hàng đẩy nhanh tốc độ xoá sổ cách giao dịch truyền thống bằng tiền mặt.
Tiền mặt chỉ còn dùng tại 7 trong 118 chi nhánh của SEB. Ngân hàng khuyến khích khách hàng giao dịch và thanh toán trực tuyến bằng cách trang bị thêm những phương tiện và hướng dẫn để giúp họ làm tốt việc này tại các chi nhánh. Viktor Sjoberg, cố vấn tại một chi nhánh lớn của SEB tại Stockholm, xem đây là hướng đi đúng. Đó là trong khi thích nghi với xu hướng tất yếu của thời đại vận không quên những khách hàng không đuổi kịp nó. “Chúng ta chỉ nên loại bỏ hẳng phương thức cũ khi không còn ai dùng đến nó” – Sjoberg nói.
Người ủng hộ, kẻ cảnh giác
Ngân hàng Trung ương Riksbank cũng có thái độ thận trọng tương tự. Trong báo cáo hàng năm công bố vào tháng 2 qua, ngân hàng nhấn mạnh: “Trong khi việc thay đổi phương thức thanh toán là một yêu cầu cấp bách, nó không được tạo ra vấn đề cho một số thành phần xã hội hoặc gạt họ sang bên”. Thống đốc Riksbank, ông Stefan Ingves cảnh báo: “Việc loại bỏ hoàn toàn tiền xu và tiền giấy sẽ đặt quốc gia vào thế nguy hiểm nếu xảy ra khủng hoảng nghiêm trọng hay chiến tranh”.
Trên tinh thần này, Uỷ ban Tài chính của Quốc hội đã bắt đầu ra soát toàn bộ những vấn đề của nền kinh tế không dùng tiền mặt và những nguy cơ tiềm ẩn của nó. Báo cáo nghiên cứu sẽ được đệ trình lên Quốc hội vào cuối năm 2018. Tiến sĩ Claire Ingram Bogusz, nghiên cứu sinh tại Trường kinh tế Stockholm về đề tài thanh toán số ở Thụy Điển, tin rằng những người hưu trí sẽ sớm quen với xã hội không tiền mặt. “Họ nên hiểu rằng đây là xu hướng tất yếu không thể tránh khỏi trong thanh toán và giao dịch của thế giới hiện đại – bà nói – Cả Riksbank và chính phủ đang tích cực hỗ trợ họ”.
Tuy nhiên, bà lưu ý là trong khi tuyệt đại đa số người dân Thụy Điển tin vào hệ thống ngân hàng, tài chính của đất nước và tin vào công nghệ thì chúng ta cần lưu ý đến hành vi gian lận, ăn cắp thông tin và phải có biện pháp bảo vệ tuyệt đối. “Niềm tin vào nên kinh tế không tiền mặt đang lung lay sau xì căng đan công ty Cambridge Analytica bán dữ liệu tài khoản Facebook. Người dân rất quan tâm đến việc dữ liệu cá nhân của họ bị phát tán bất hợp pháp” – Bogusz nói.
Bất chấp việc giảm mạnh sử dụng tiền mặt, một cuộc khảo sát mới của công ty thăm dò Sifo vào đầu tháng 5 cho thấy có đến 70% người dân Thụy Điển vẫn thích được bảo lưu quyền dùng tiền mặt thanh toán trong tương lai. Kết quả này phản ánh sự phân chia ý kiến khách hàng tại tiệm cà phê Kafe Orion thuộc chuỗi cà phê Odenplan, một trong những doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng và cửa hàng bán lẻ không cho dùng tiền mặt thanh toán.
“Theo tôi, không nên cấm dùng tiền mặt hoàn toàn mà nên cho người dân quyền chọn lựa, nhất là khi internet bị ngắt” – Agata Oleksiak, một sinh viên 23 tuổi, nói. Nhưng Johan Johnson, 24 tuổi, bạn cô lại có ý kiến khác: “Bạn có thể dễ dàng dùng thẻ mua sắm online và thanh toán tại cửa hàng. Dùng tiền mặt bất tiện hơn nhiều. Dĩ nhiên, thẻ có thể bị mất hay bị đánh cắp nhưng đã có bảo hiểm lo. Theo tôi, tiền mặt đã lỗi thời và không còn cần thiết nữa khi xã hội đã có đủ cơ sở hạ tầng cho việc loại bỏ tiền mặt”.