Vào tuần lễ đầu tiên của tháng 5, có một cuộc vận động từ phía Hàn Quốc nhằm thỏa thuận với Triều Tiên để khu công nghiệp Kaesong, vừa bị Bình Nhưỡng đe dọa đóng cửa vĩnh viễn, sớm hoạt động trở lại. Khu công nghiệp Kaesong, biểu tượng hợp tác duy nhất cho quan hệ hai miền Nam – Bắc đã bị đóng cửa từ nhiều tuần nay sau khi Bình Nhưỡng quyết định rút 53.000 công nhân của mình ra khỏi nơi đây và cấm nhân viên miền Nam rời khỏi Kaesong mấy tuần trước không được trở lại.
Bảy nhân viên cuối cùng của các công ty Hàn Quốc ở lại khu công xưởngKaesongđể giải quyết giấy tờ hành chính theo yêu cầu của miền Bắc cũng đã được rút về nước hôm 3-5.
Việc đóng cửa hẳn khu công nghiệp sẽ gây nhiều thiệt hại kinh tế cho cả hai miền, đặc biệt là các nhà đầu tư miền Nam. Vì vậy Hàn Quốc đang cố tìm cách thuyết phục Bình Nhưỡng đàm phán mở lại khu công nghiệp liên Triều này.
Ông Hong Yang-Ho (giữa), người đứng đầu ban quản lý khu công nghiệpKaesongtrả lời phỏng vấn
Khu công nghiệp Kaesong do các công ty Hàn Quốc đầu tư 100% vốn (gần 900 triệu USD) vào năm 2004, cách khu phi quân sự chỉ 10km về phía Bắc, nằm trên tuyến đường xe hơi và tàu hỏa được xây dựng lại nối liền Bình Nhưỡng và Seoul. Điện và dịch vụ điện thoại ở khu công nghiệp chung này đều do Hàn Quốc cung cấp. Tại đây từng có tới 53.000 công nhân Triều Tiên làm việc cho 123 hãng của Hàn Quốc.
Trong quá khứ, mỗi khi quan hệ hai miền căng thẳng Bình Nhưỡng vẫn sử dụng Kaesong như một con bài gây sức ép. Nhưng lần này, như để tương xứng với mức độ căng thẳng quân sự trên bán đảo trong suốt một tháng nay, Triều Tiên đe dọa đóng cửa hẳn khu công nghiệp, từ chối thương lượng với người anh em ở miền Nam.
Trong khi Hàn Quốc tìm cách thương lượng để sớm mở cửa trở lại khu công nghiệp thì Triều Tiên lại tố cáo Seoul đẩy vấn đề Kaesong vào ngõ cụt và khu công nghiệp này nếu sụp đổ là do lỗi của Hàn Quốc.
Triều Tiên thiệt thòi
Việc đóng cửa vĩnh viễn khu công nghiệp nói trên chắc chắn không nằm trong chủ trương của Triều Tiên bởi trong hoàn cảnh kinh tế đang khó khăn hiện nay chính phủ Triều Tiên sẽ mất đi nguồn ngoại tệ đáng kể và bị áp lực thêm về việc làm cho người dân.
Theo ước tính, việc đóng cửa khu công nghiệp Kaesong sẽ khiến cho Triều Tiên mất hàng trăm triệu USD mỗi năm, một tổn thất nặng nề đối với một nước đang khan hiếm ngoại tệ. Điều này giải thích tại sao Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) lớn tiếng cáo buộc Seoul âm mưu nhằm loại bỏ khu công nghiệp bằng cách cam kết hỗ trợ tài chính cho các công ty của mình.
Hệ thống điện dùng trong khu công nghiệp Kaesong do Hàn Quốc cung cấp
Nhưng chính thái độ đổ lỗi cho Seoul là dấu hiệu cho thấy Triều Tiên không muốn đóng cửa hoàn toàn khu công nghiệp nói trên.
Kaesong là sự kết hợp giữa vốn và công nghệ của Hàn Quốc với lao động giá rẻ của Triều Tiên. Giới chuyên gia cho rằng sau khi các công dân Hàn Quốc về nước, Triều Tiên hầu như không thể tự điều hành khu công nghiệp này được vì tình trạng thiếu điện, khả năng vận hành máy móc, nguyên vật liệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Theo báo Chosun Ilbo của Hàn Quốc, điện dùng cho Kaesong ở miền Bắc hoàn toàn được cung cấp từ miền Nam. Một trạm ở tỉnh Gyeonggi của Hàn Quốc tải điện đến một trạm 100.000KW ở Kaesong. Trạm này do Hàn Quốc xây dựng và được dùng để cung cấp điện cho các doanh nghiệp ở Kaesong với công suất 100MW.
Chuyên gia Cho Bong-hyun tại Viện nghiên cứu kinh tế IBK của Hàn Quốc phân tích: “Triều Tiên sẽ phải tốn hàng trăm tỉ won để xây một nhà máy điện dành riêng cho khu công nghiệp chung và nếu sử dụng điện từ một trạm gần đó, nước này sẽ mất hàng chục tỉ won để xây dựng đường dây truyền tải điện”.
Theo nghiên cứu của Viện Peterson, hằng năm chính quyền Triều Tiên thu được một phần đáng kể từ khoản lương 110 USD/tháng mà các doanh nghiệp Hàn Quốc trả cho mỗi công nhân nước này.
Nếu tính tổng cộng các khoản thu này, cộng với khoản thu từ thuế, phí, cho thuê mặt bằng, số tiền mặt Bình Nhưỡng có được vào khoảng 90 triệu USD/năm. Đây rõ ràng là một con số không nhỏ với một nước bị lệnh cấm vận bủa vây suốt nhiều năm qua.
Mitchell Reiss, cựu nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định Triều Tiên sẽ không có ý định đóng cửa vĩnh viễn khu công nghiệp này. “Tôi nghĩ khu công nghiệp đó quá quan trọng với họ và họ sẽ không đóng cửa nó vĩnh viễn. Đó chỉ là một chiến thuật được họ đưa ra sau khi các bước đi trước đó không thể khiến Hàn Quốc, Mỹ và các bên khác e sợ”, ông Reiss nói.
Ông cũng cho rằng Bình Nhưỡng đã bị bất ngờ trước phản ứng không nhượng bộ của Seoul trong vụ việc này. Những gì đã diễn ra khiến Triều Tiên khá bất ngờ khi Tổng thống Park có quyết định cứng rắn và rút toàn bộ công nhân Hàn Quốc về nước.
Những ngày qua, báo giới Triều Tiên ít nhất đã hai lần lên tiếng tỏ ý muốn níu kéo Seoul khi cảnh báo rằng Seoul phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu khu công nghiệp này phải đóng cửa, và rằng việc rút toàn bộ nhân viên khỏi khu công nghiệp Kaesong là một hành động hấp tấp và đáng bị coi thường.