Trong hai ngày 7 và 8-11, cuộc họp giữa một bên là đại diện chính phủ Iran và một bên là Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cộng với Đức đã diễn ra tại thành phố Geneva (Thụy Sĩ) để bàn về chương trình làm giàu hạt nhân của Teheran. Trước đó, các nhà bình luận nhận định rằng triển vọng thành công là không cao, do lập trường của hai phía còn nhiều khác biệt. Một viên chức cao cấp trong chính quyền Mỹ yêu cầu được giấu tên cho rằng “Iran không có quyền làm giàu uranium và không có bất cứ quốc gia nào được quyền làm điều ấy”. Trong khi đó, ngay trước thềm hội nghị, Thủ lĩnh tối cao Iran, giáo chủ Ali Khamenei, không tin là cuộc đàm phán sẽ mang lại kết quả theo đúng sự mong đợi của Teheran.
Hội nghị giữa Iran với các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và Đức
Từ nhiều tháng qua, chính quyền của Tổng thống Iran Hassan Rouhani gặp nhiều khó khăn kinh tế do các nghị quyết cấm vận của Liên Hiệp Quốc. Ước tính những biện pháp cấm vận đã làm thiệt hại cho nền kinh tế Iran mỗi tháng từ 3-5 tỉ USD. Bên cạnh bốn nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc áp đặt các biện pháp chế tài lên Iran, còn có những biện pháp đơn phương của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Tháng 3 năm nay, Hội đồng Ngoại giao EU đã kéo dài các “biện pháp hạn chế” chống lại Teheran. Theo Mỹ, EU và nhiều quốc gia khác, bên cạnh chương trình hạt nhân, Iran còn chịu trách nhiệm về “những vi phạm nghiêm trọng quyền con người”. Những cáo buộc về việc Iran ủng hộ chủ nghĩa khủng bố quốc tế thường được phương Tây lặp đi lặp lại và là cơ sở để họ không xét chuyện nới lỏng các biện pháp trừng phạt. Hai lĩnh vực bị trừng phạt gây thiệt hại nặng nhất cho Iran là dầu khí và ngân hàng. Về dầu khí, Mỹ chỉ cho Iran xuất khẩu sang Afghanistan, vì ở đó, các lực lượng quân sự Mỹ cần sử dụng để hành quân. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, do các biện pháp trừng phạt, lượng dầu sản xuất trong nước của Iran giảm chỉ còn 2,5 triệu thùng/ngày, trong khi mức sản xuất của ba nước Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Qatar là 16,4 triệu thùng/ngày, bằng 18% mức tiêu thụ của thế giới. Tình trạng liên quan đến ngân hàng còn tồi tệ hơn. Theo quy định hiện hành của Mỹ, công dân Mỹ gốc Iran được phép gửi tiền cho cha mẹ già ở Iran, nhưng không có bất cứ ngân hàng nào ở Mỹ và châu Âu chịu làm thủ tục chuyển tiền cho họ. Phía Mỹ ước tính số tài sản của Iran bị đóng băng ở các ngân hàng nước ngoài vào khoảng 50-75 tỉ USD.
Do còn nhiều vấn đề cần thảo luận và giải quyết, hội nghị Geneva đã kéo dài đến ngày 9-11, kết quả được các bên mô tả là “tích cực” nhưng không tiết lộ gì thêm. Được biết, giáo chủ Khamenei đã đưa ra bốn điều kiện để có thể đạt một thỏa thuận về vấn đề hạt nhân, chủ yếu là không đóng cửa các cơ sở làm giàu hạt nhân, việc làm giàu uranium sẽ vượt quá 5%, còn phía Mỹ thì đòi hỏi Iran phải đưa một kế hoạch cụ thể dừng lại chương trình hạt nhân. Tổng thống Iran Hassan Rouhani, trong một cuộc tiếp xúc với Quốc hội, cũng xác định là chính phủ của ông không hy vọng nhiều vào kết quả đàm phán với các nước phương Tây.
Lê Nguyễn tổng hợp