Lấy tên bài văn tế của thi hào Nguyễn Du, triển lãm các tác phẩm của nghệ sĩ tạo hình Tô Bích Hải (tại nhà trưng bày Điềm Phùng Thị – số 1 Phan Bội Châu, Huế – từ 2-4 đến 30-5) là một điểm nhấn trong các hoạt động mỹ thuật tại Festival Huế 2012.
Nhân dịp này, để kỷ niệm 10 năm ngày mất của nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị, 26 tác phẩm cỡ nhỏ được bà làm bằng đá ngọc, kim loại, sơn mài – chưa từng công bố – đã được giới thiệu với công chúng, tăng thêm số lượng hiện vật của Điềm Phùng Thị tại nhà trưng bày lên hơn 400. Các tác phẩm này được chuyển từ nước Pháp và TP. Hồ Chí Minh đến Huế.
Cách đây bốn năm, trong Festival Huế 2008 nữ nghệ sĩ Tô Bích Hải đã từng gây được ấn tượng mạnh mẽ với công chúng qua triển lãm sắp đặt có tên “Oan hồn” theo phong cách Land Art. Còn nhớ, các bức tượng được khắc từ những cột kèo nhà rường Huế đã mục nát đã ám ảnh tâm trí người xem. Phải chăng nghệ sĩ gốc Tày này với hơn 40 năm thực hành nghệ thuật ở châu Âu đã cao tay ấn “yểm” vào các bức tượng những ẩn ngữ “ma quái”? Hay bởi chính các cột kèo nhà rường gắn kết lâu năm với kiếp người nên đã “nhiễm” ít nhiều tính người và tác giả chỉ cần “điểm nhãn” tự khắc chúng trở nên sinh động như có hồn vía?
Hôm nay, trong không gian vốn là xưởng sáng tác của nhà điêu khắc quá cố Điềm Phùng Thị, nghệ sĩ Tô Bích Hải lại thổi bùng lên những ám ảnh tâm linh và thẩm mỹ, phảng phất không khí liêu trai u u minh minh. Bên cạnh 50 tượng gỗ từng xuất hiện trong “Oan hồn”, tác giả còn trưng bày 17 tranh phát triển từ rập giấy trên đá, qua đó đề xuất một ý niệm tạo hình mới mẻ. Bà dùng giấy mỏng áp lên các bề mặt đá, sau đó dùng bút chì tác động lên bề mặt giấy làm hé lộ những đường nứt nẻ, nhẵn mòn, khắc vạch của đá. Những hình ảnh đó được phóng đại lên giấy mỏng, hình thành những cấu trúc (texture) khác nhau – chính là những gợi ý để tác giả tiếp tục dùng bút chì, phấn tiên phát triển các ý tưởng tạo hình. Có thể nói tác giả đóng vai trò như người kể chuyện hoặc “giải mã” các ẩn ngữ mà thời gian tạc trên đá. “Cứ thế, nét bút ngoằn ngoèo đưa tôi qua một thế giới mới và khác lạ, nơi tàng trữ ký ức của thời gian, của muôn vàn lục địa, của biết bao ước mộng vô danh, nơi chỉ còn những oan hồn uổng tử lãng đãng” – bà Tô Bích Hải tự bạch. Các đoạn Văn tế thập loại chúng sinh được sử dụng làm đề từ cho từng bức tranh.