Triển lãm mỹ thuật Việt Nam 2015 – trước đây là Triển lãm mỹ thuật toàn quốc – được tổ chức tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật ở Hà Nội (số 2 Hoa Lư, từ 9 đến 12-2015) có thể xem như một cuộc tổng kết những gì giới mỹ thuật đã làm được trong năm năm qua.
Với 409 tác phẩm của 407 tác giả (được chọn từ 4.076 tác phẩm dự thi), triển lãm cho thấy đã có một sự đổi mới về tư duy tổ chức so với các lần trước: không “tham” về số lượng. Thế nhưng, điều này dường như cũng phản ánh được phần nào về thực trạng của nền mỹ thuật Việt Nam hiện nay: đồng đều về chất lượng tác phẩm, không kém nhưng cũng không có gì nổi trội, cho dù có mặt tất cả các loại hình: video art, trình diễn, sắp đặt, body art… (thêm một sự đổi mới nữa về tổ chức).
Trưởng ban tổ chức triển lãm, họa sĩ Vi Kiến Thành cho biết: “Theo đánh giá của Hội đồng nghệ thuật, hội họa có vẻ như vẫn đang lúng túng trong việc tìm tòi hình thức biểu cảm mới; đồ họa thì khẳng định được các giá trị và có những thành công đáng ghi nhận; điêu khắc không bộc lộ hết sự phát triển bởi số lượng tham gia không nhiều dù điêu khắc là một lĩnh vực đang phát triển tốt, hướng tới cộng đồng, không gian sống, môi trường sống của con người; các thể loại khác như video art, sắp đặt… còn rất hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng”. Nhưng có một nhận định khác từ nhà nghiên cứu và phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, thành viên Hội đồng nghệ thuật (chuyên ngành hội họa, đồ họa, video art). Theo ông, sự lựa chọn tác phẩm triển lãm còn có những tiêu chí cứng nhắc về mặt nội dung (sợ đụng chạm, sợ phê phán, sợ nêu ra những tiêu cực xã hội) và dù có rất nhiều hình thức cũng như ngôn ngữ mới tại triển lãm nhưng hầu hết chưa chín muồi; số nghệ sĩ trẻ tham gia đông nhưng rất nhiều sáng tác nóng vội, nhiều cách thể hiện đi tắt, sử dụng tư liệu ảnh hơi quá tay và sao chép từng phần những cái đã có; trong khi nhiều nghệ sĩ đang “nổi đình đám” lại đang đứng ngoài cuộc. “Chúng ta cần lôi kéo họ đến triển lãm nước nhà, sao cho họ không chỉ chạy theo các dự án do nước ngoài tài trợ và trưng bày tác phẩm ở những nhà văn hóa nước ngoài, dần trở thành một thứ “embassy art” (nghệ thuật đại sứ quán – như chính người nước ngoài gọi). Cần chấp nhận họ, thay vì chỉ muốn họ sáng tác theo ý muốn của ta, đây chính là mấu chốt của vấn đề. Nếu những tiếng nói thực sự của giới trẻ bị cấm đoán, chỉ muốn những gì nhẹ nhàng, vô hại thì vẫn có một dòng chảy nghệ thuật nằm ngoài triển lãm mỹ thuật toàn quốc…” – nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng nói thêm.
Triển lãm đã trao hai giải vàng cho tác phẩm điêu khắc Mẹ Việt Nam anh hùng (còn được gọi là “tượng đài Mẹ Thứ” ở Quảng Nam) của Đinh Gia Thắng và tác phẩm đồ họa A di đà Phật của Nguyễn Khắc Hân. Nhìn chung, việc lựa chọn 38 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải thực sự là một việc làm khó khăn của Hội đồng giám khảo bởi chất lượng tác phẩm khá đồng đều và gần như không có sự bứt phá ở tất cả các loại hình nghệ thuật.
- Diễm Anh