Kết thúc triển lãm tại Hà Hội vào cuối tháng 4 vừa qua, dự án nghệ thuật “Phong cảnh sông nước đang biến đổi” – do Viện Goethe tại Việt Nam tổ chức đã đến với công chúng TP. Hồ Chí Minh tại gallery Cactus (17/12 Nguyễn Huy Tưởng, P.6, Q. Bình Thạnh – từ 13 đến 25-5).
Triển lãm giới thiệu tác phẩm của 17 nghệ sĩ tạo hình Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Indonesia và Philippines, bao gồm sắp đặt đa phương tiện, sắp đặt kết hợp video art, nhiếp ảnh…, cùng các buổi chiếu phim, nói chuyện, trao đổi, tọa đàm; tất cả đều hướng tới một chủ đề lớn, mang tính khu vực và rộng hơn là toàn cầu: sông ngòi và nguồn nước, mạch sống từ bao đời nay và cũng là hệ sinh thái quan trọng đối với cuộc sống con người đang bị đe dọa nghiêm trọng từ sự phát triển kinh tế – xã hội không bền vững và từ sự biến đổi khí hậu do hiệu ứng nhà kính khiến trái đất đang ấm dần lên.
Những dòng sông huyết mạch tại các nước Đông Nam Á là sông Hồng, sông Mekông, sông Tonle Sap, sông Irrawaddy, sông Chaopraya, sông Angke, sông Solo, sông San Mateo – Marikina… là nguồn sống của hàng triệu người dân ở lưu vực của chúng đang biến dạng về cảnh quan, lưu lượng, dòng chảy và bị ô nhiễm nặng nề vì những gì con người thải vào chúng. Tác phẩm của các nghệ sĩ trẻ từ sáu nước trong khối ASEAN đã phản ánh những đổi thay ấy và tác động tiêu cực của chúng đến đời sống con người, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân về những nguy cơ trước mắt cũng như lâu dài để cùng hợp sức bảo vệ tài sản thiên nhiên vô giá cho hôm nay và mai sau.
Về phía các tác giả Việt Nam, Nguyễn Thế Sơn (Hà Nội) đem đến triển lãm loạt ảnh về những vùng đặc biệt nhạy cảm của sông Hồng, Lương Huệ Trinh (Hà Nội) là tác phẩm sắp đặt âm thanh và văn bản thể hiện những hậu quả về mặt sinh thái của khu vực sông Mekông do việc khai thác quá mức con sông huyết mạch này, từ các dự án thủy điện cho tới việc khai thác nguồn lợi thủy sản, khai thác cát khiến xói mòn dòng chảy… Phan Thảo Nguyên (TP. Hồ Chí Minh) cũng nói về nền công nghiệp từ khai thác thủy sản dọc sông Mekông và những hệ quả của nó. Trong khi đó, với sắp đặt Dấu tích gồm những hộc gỗ trưng bày hàng ngàn đôi dép, guốc…, Nguyễn Thị Thanh Mai (Huế) khiến người xem không khỏi rùng mình nhớ lại những nạn nhân của trận lụt khủng khiếp tại Huế năm 1999. Giám tuyển của phía ViệtNam là nghệ sĩ thị giác nổi tiếng Trần Lương.
Về phía bạn, một trong những tác phẩm được chú ý nhất là sắp đặt đa phương tiện Loi Krathong của nữ nghệ sĩ Thái Lan Anothai Nitibhon, thể hiện một lễ hội dân gian truyền thống nhằm tôn vinh vị nữ thần Pra Mae Khongkha cai quản nguồn nước, cũng là cầu xin bà tha thứ cho những hành vi của con người gây thương tổn các dòng sông; hay tác phẩm của Than Sok (Campuchia) là những con bù nhìn bằng rơm canh lúa, nhưng vào mùa lũ trên dòng Tonle Sap thì chúng chẳng có việc gì làm bởi không còn vụ mùa, và cứ vào mùa lũ thì người nông dân Campuchia lại dành thời gian bện những con bù nhìn rơm…
Sau TP. Hồ Chí Minh, triển lãm sẽ được đem đến Bangkok, Phnom Pênh, Jakarta và Manila. Điều đáng nói là gallery Cactus vừa khai trương không lâu ở địa chỉ mới đã có vinh dự được Viện Goethe chọn làm điểm trưng bày dự án “Phong cảnh sông nước đang biến đổi”.
- Ngã Văn