Sáu họa sĩ trẻ quê miền Bắc và miền Trung đã có một triển lãm chung với tên gọi “Cà phê Sài Gòn” tại gallery Tự Do (53 Hồ Tùng Mậu, Q.1, từ 7-8 đến 28-8-2015); một cuộc gặp gỡ để tạo mối quan hệ khắng khít giữa những người trẻ làm nghệ thuật tạo hình.
Nếu như Hồ Văn Hưng và Trần Thế Vĩnh đã nhiều lần có tranh trưng bày (cả triển lãm cá nhân lẫn triển lãm nhóm) tại gallery Tự Do thì đây là lần đầu tiên đối với bốn họa sĩ đến từ miền Bắc: Phạm Tuấn Tú, Trần Đình Bình, Hoàng Quốc Việt và Chu Viết Cường. Phòng tranh trưng bày 18 bức, chia đều mỗi người ba tác phẩm. Với Chu Viết Cường (sinh năm 1981), ba tranh sơn mài của anh đều vẽ phong cảnh thực, đó là bãi giữa sông Hồng với những căn nhà nổi tạm bợ, mục nát của cư dân sống lênh đênh trên sông nước; là vùng đất Mai Châu yên ả giữa núi đồi với những nếp nhà sàn của người dân tộc Thái; là một góc làng quê của họa sĩ với cổng làng và con đường thôn cổ kính đã và đang chìm dần vào quá khứ. Là thành viên của Nhóm họa sĩ sơn ta Việt Nam, những người đang nỗ lực đem lại một không khí mới mẻ, hiện đại cho chất liệu sơn ta truyền thống, Chu Viết Cường xử lý khá nhuần nhuyễn hình ảnh và sắc màu, thổi được tình cảm vào tranh. Không lạ khi ngay trong ngày khai mạc bức Phong cảnh Mai Châu của anh đã được một người khách đến từ Singapore mang về làm quà sinh nhật cho người thân. Cũng vẽ bằng sơn mài nhưng tranh của Trần Đình Bình (sinh năm 1976) là những chân dung với ánh mắt đau đáu như muốn bộc bạch tâm hồn mình; với anh thì những chân dung con người luôn là nguồn cảm hứng bất tận, phản ánh tính cách nhân vật cũng như chính cuộc đời của họ.
Hoàng Quốc Việt (sinh năm 1985) mang đến phòng tranh đô để tránh cái nóng khắc nghiệt mùa hè, qua đó anh còn cảnh báo những vấn đề về môi trường sống cả về vật chất lẫn tinh thần hôm nay. Trần Thế Vĩnh (sinh năm 1986) cũng vẽ chân dung nhưng với khuôn mặt của chính mình; có lẽ từ sau ngày đoạt giải tại cuộc thi Dogma vẽ chân dung tự họa anh đã tìm thấy một hướng sáng tác: khám phá chính mình trong hành trình khám phá thế giới. Hồ Văn Hưng (sinh năm 1981), một trong những họa sĩ trẻ vẽ tranh màu nước xuất sắc nhất hiện nay lại bày một loạt tranh sơn dầu vẽ những cành cây chằng chịt, đan bện vào nhau mà anh đặt tên là “Sự xung đột giữa những cành cây”, qua đó muốn nói đến “những mối quan hệ trong xã hội, sự bài trừ lẫn nhau trong cuộc sống để tồn tại”. Người “bí hiểm” nhất là Phạm Tuấn Tú (sinh năm 1981): những tranh sơn dầu và acrylic với tông màu xám lạnh, tràn ngập không khí “Liêu trai chí dị” của anh thể hiện sự “nhập nhằng” (tên gọi một triển lãm cá nhân của anh tại Hà Nội) giữa thật và ảo, giữa xác và hồn, giữa giới tính nam – nữ…, là cách bày tỏ của họa sĩ về cuộc đời, thân phận, sự tồn tại và sự mất mát…
- Như Hoa