Khi phải chạy đua với thời gian thì trong doanh nghiệp thường có hai loại người: một loại tạm gọi là ủng hộ viên cho câu nói “Hãy đừng để đến ngày mai những gì bạn có thể làm được ngày hôm nay” và loại người thứ hai là tín đồ của câu “Đừng làm những việc mà bạn có thể để đến ngày mai”.
Ngay trên mạng xã hội Facebook, khi tìm kiếm bằng Google, có thể thấy nhiều kết luận đặc biệt, chẳng hạn “Tài năng lớn nhất của tôi là sự lưỡng lự”.
Ngược lại, cũng có nhiều website chuyên trị bệnh lưỡng lự và cũng nhiều nơi coi lưỡng lự là một biểu hiện ít nhiều có liên quan đến nhân tài.
Trong nhiều tranh luận về chứng lưỡng lự, những ý kiến về biểu hiện lưỡng lự rất khác nhau, nhưng tựu trung thì người lưỡng lự luôn rất lạc quan về khả năng hoàn thành công việc của mình trong một thời hạn định sẵn.
Điều này thường đi kèm với biểu hiện là xem như mọi việc đang được kiểm soát (do vậy mới chưa cần bắt đầu vội).
Ví dụ, một người có thể ước lượng thời gian để viết xong một bài báo chỉ cần năm ngày, trong khi anh ta còn đến mười lăm ngày, vì vậy cần gì phải viết từ bây giờ!
Người lưỡng lự luôn có tâm lý mình dư thừa thời gian và với sự tự tin về năng lực của mình, họ còn có thể hoàn thành công việc nhanh hơn, trước thời hạn đã định.
Điều đáng nói là trong doanh nghiệp vẫn luôn tồn tại những người có năng lực nhưng đôi lúc tỏ ra rất lừng khừng, lưỡng lự khiến người khác phải sốt ruột.
Nhiều nhà nghiên cứu về đề tài này đã nêu ra bốn nguyên nhân của người có biểu hiện lưỡng lự: (1) Luôn có xu hướng cầu toàn; (2) Đang bực tức ai đó; (3) Đang thất vọng điều gì đó và (4) Thiếu tự tin vào chính mình.
Nhưng trên thực tế, lưỡng lự đôi khi lại xuất phát từ những nguyên nhân phức tạp hơn nhiều, do đó nếu dựa ngay vào thái độ lừng khừng của con người để kết luận về giá trị đóng góp của họ thì đôi khi sẽ không công bằng.
- Xem thêm: Chữa bệnh lưỡng lự
Tất nhiên, cái giá phải trả cho sự lưỡng lự có khi lớn hơn nhiều so với thiệt hại về mặt tài chính mà nó có thể gây ra, dù không đếm ngay được bằng tiền, ví dụ gây ra bất ổn về tinh thần thất, bị mất ngủ, ảnh hưởng đến sức khỏe. Ngoài ra nó còn ảnh hưởng đến mối quan hệ với bạn bè, đồng nghiệp và người thân.
Chứng lưỡng lự không phải là bẩm sinh. Thường thì trong quá khứ, vì lý do nào đó người ta phải cân nhắc lâu và chứng lưỡng lự đã xuất hiện rồi dần trở thành một thói quen khi làm việc. Khi chứng lưỡng lự trở nên trầm trọng thì những thiệt hại mà một nhân viên kinh doanh có thể gây ra là:
– Làm việc với năng suất thấp, kém hiệu quả.
– Thiếu sức cạnh tranh trong công việc nên làm mất khách hàng (do thời gian đáp ứng yêu cầu của khách chậm), mất cơ hội bán hàng (do báo giá chậm và theo dõi chậm chạp) hoặc luôn gặp phải rắc rối với hàng hóa tồn kho…
Có rất nhiều giải pháp để chữa chứng lưỡng lự và sau đây là cách có thể dễ vận dụng cho nhiều người. Vào đầu ngày làm việc, hãy chịu khó làm ngay các việc mình ngán ngẩm nhất nhưng nếu làm xong thì sẽ tạo ra lợi ích rõ ràng cho doanh nghiệp.
Sau khi dứt điểm việc đó thì mới quay về với các việc thích làm nhất. Kinh nghiệm cho thấy cách chữa chứng lưỡng lự này đơn giản mà có hiệu quả.
Nó dần gỡ bỏ thói quen lưỡng lự – thói quen chưa muốn bắt đầu một công việc nên làm mà nếu cố gắng một chút thì việc thực hiện không tốn quá nhiều thời gian, mà kết quả thường mang lại lợi ích có thể rất lớn.
Sự lưỡng lự của một cá nhân trong doanh nghiệp có thể kéo theo sự trễ nải của nhiều người khác, trong khi thời gian trôi qua thật nhanh.
Vì vậy các chủ doanh nghiệp nên lưu tâm giúp các nhân viên của mình nhanh chóng trị dứt chứng bệnh này khi có biểu hiện ở bất kỳ ai.