Trong phiên đấu giá các tác phẩm mỹ thuật hiện đại và đương đại Đông Nam Á tại nhà Sotheby’s Hongkong ngày 5-4 vừa qua, bức Tiệc trà của Mai Trung Thứ là tác phẩm hội họa Việt Nam có giá bán cao nhất: 812.500 đôla Hongkong (HKD – tương đương khoảng 105.000 USD). Ngoài ra, bốn bức khác của nhà danh họa Việt Nam thời Đông Dương này cũng đã thuộc về các sưu tập tư nhân.
So với giá dự đoán được Sotheby’s đưa ra trước phiên đấu giá là 150.000-250.000 HKD thì bức Tiệc trà được bán với giá cao gấp bốn lần, song điều đó chưa hẳn là một “kỳ tích” gì đối với Mai Trung Thứ nói riêng và hội họa Việt Nam nói chung nếu so sánh với mặt bằng giá tranh các họa sĩ Đông Nam Á hiện đại và đương đại. Cũng trong phiên đấu giá trên, tác phẩm Ba đứa trẻ của Lê Văn Đệ được bán với giá 500.000 HKD (khoảng 64.500 USD). Họa sĩ Lê Văn Đệ (1906-1966) tốt nghiệp thủ khoa khóa I Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1930, là giám đốc đầu tiên của Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định (1954-1966), tác phẩm của ông không nhiều và cũng không được biết đến nhiều như các họa sĩ cùng thời với ông là Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu. Ngoài ra, phiên đấu giá ngày 5-4 còn đưa ra một số tác phẩm của các họa sĩ Việt Nam đương đại nổi tiếng như Nguyễn Trung, Đặng Xuân Hòa… nhưng đã không bán được.
Cho dù giới sưu tập quốc tế có chú ý nhiều hơn đối với tác phẩm hội họa Việt Nam song gần như họ chỉ nhắm vào các bậc thầy thời Đông Dương và cũng là các tác giả đã qua đời, quỹ tác phẩm không còn nhiều. Mặt khác, giá tranh Việt Nam dù có tăng lên trong vài năm trở lại đây tại các sàn đấu giá lớn như Sotheby’s và Christie’s nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với các nước như Indonesia, Philippines. Đơn cử, trong phiên đấu giá nêu trên, tác phẩm Pandawa Dadu được họa sĩ Indonesia Hendra Gunawan (1918-1983) vẽ năm 1971, lấy cảm hứng từ bộ sử thi Mahabharata đã được bán với giá 26.480.000 HKD (3.394.872 USD), hay bức Các vũ công Bali của Adrien-Jean Le Mayeur de Merprès (1880-1958) được bán với giá 20,48 triệu HKD (2,63 triệu USD). Là người Bỉ nhưng họa sĩ Adrien-Jean Le Mayeur de Merprès đã sống và sáng tác trong nhiều năm ở đảo Bali của Indonesia, giống như nhiều họa sĩ người Pháp đã sang Việt Nam sống và vẽ trong những năm người Pháp chiếm đóng Đông Dương. Lee Man Fong (1913-1988) một bậc tiền bối khác của hội họa Indonesia đương đại cũng có tranh giá khá cao đợt này: bức Mục đồng thổi sáo trên lưng trâu của ông được bán với giá gần 534.000 USD, trong khi đó tác phẩm Chùm sáng vàngcòn lại trên nền trắng của bậc thầy Indonesia về tranh trừu tượng là Ahmad Sadali (1924-1987) đã được mua với giá trên 500.000 USD, và đáng ngạc nhiên là một tác phẩm của họa sĩ trẻ Philippines Jigger Cruz (sinh năm 1984) đã được bán với giá gần 145.000 USD, cao hơn cả giá tranh của Mai Trung Thứ và Lê Văn Đệ trong phiên đấu giá này!
Theo ghi nhận của nhà Sotheby’s thì đã có sự gia tăng đáng kể các nhà sưu tập tư nhân đến từ các nước Đông Nam Á tại phiên đấu giá ngày 5-4 vừa qua, chắc hẳn trong số đó có những người đến từ Việt Nam. Song những tác phẩm quý của các bậc thầy thời Đông Dương đã không về với các chủ nhân người Việt. Theo trang mạng về mỹ thuật LuxeVN, ông Nguyễn Minh – một trong những nhà sưu tập người Việt hiếm hoi thường xuyên tham dự buổi đấu giá nghệ thuật quốc tế và là người đã mua được bốn bức tranh của Vũ Cao Đàm năm 2013 tại nhà đấu giá Christie’s – cho rằng việc giá tranh Việt Nam có tăng thời gian qua là điều đáng mừng song cũng đáng lo vì “giá cao thì cơ hội để các nhà sưu tập nội địa mua được tranh sẽ khó khăn hơn nhiều”. Không nói tới những tác phẩm có giá vài chục hay vài trăm ngàn USD, ngay bức tranh quý hiếm Chiều tà của ông vua – họa sĩ Hàm Nghi khi được đưa ra đấu giá tại Paris năm 2010 đã không có nhà sưu tập người Việt nào mua được dù giá chốt lại chỉ là 8.800 euro (khoảng hơn 200 triệu đồng Việt Nam).
Giá tranh Việt Nam nói chung (cả hiện đại và đương đại) đã thấp hơn nhiều so với mặt bằng giá tranh khu vực Đông Nam Á, lại càng quá thấp ở tầm châu Á. Ngày 4-4-2015, trong phiên đấu giá các tác phẩm châu Á hiện đại và đương đại, kỷ lục đã thuộc về tác phẩm Mùa hoa đào nở của họa sĩ Wu Guanzhong (1919-2010), một trong những họa sĩ Trung Quốc đương đại xuất sắc nhất và ở trong số những người đã khai sinh hội họa Trung Quốc đương đại. Mùa hoa đào nở đã được bán với giá trên 8,5 triệu USD cho một nhà sưu tập ở châu Á. Sáu bức tranh của Wu Guanzhong, được ông vẽ từ thập niên 1970 tới thập niên 1990 đã được các nhà sưu tập mua hết. Đứng thứ hai về giá trong phiên đấu giá này là một tác phẩm của Zao Wou-ki (1920-2013), họa sĩ Pháp gốc Trung Hoa, thành viên của Viện hàn lâm nghệ thuật Pháp. Bức tranh trừu tượng của ông đã được bán với giá trên 7,13 triệu USD cũng cho một nhà sưu tập châu Á.
- Lê Bản