Rắn được coi là biểu tượng của trí tuệ thông minh; của sự phồn thực, tình dục và sinh sản; của sức mạnh và cơ trí, khôn ngoan; của âm mưu và phản trắc; của thuốc độc lẫn chữa bệnh; của sự tái sinh – vì rắn lột xác; của sự vận động bất tận, vẻ đẹp uyển chuyển và sự luân hồi… Vì thế hình tượng rắn rất được yêu thích trong mỹ thuật.
Hình ảnh con rắn là biểu tượng phong phú, đa nghĩa và cũng phổ biến nhất trong nhiều nền văn hóa: người da đỏở châu Mỹ thờ rắn, thần thoại Hy Lạp – La Mã, Kinh Thánh châu Âu đều nói đến rắn, các dân tộc vùng Lưỡng Hà – Babylon và Ai Cập đều thờ rắn làm thần bảo hộ, trong văn hóa Ấn Độ hình tượng rắn cũng đóng vai trò trung tâm. Ở Việt Nam, trong tranh vẽ con giáp của các họa sĩ tất nhiên không thể thiếu rắn, nhưng là rắn một đầu. Trong khi đó, ở nghệ thuật Chăm, Khmer Nam bộ cũng nhưở nghệ thuật Angkor (Campuchia), Indonesia, Philippines, Thái Lan, Lào, Myanmar… đều có hình ảnh rắn; nói cách khác, tràn ngập vùng ASEAN từ thời cổ đến nay là hình tượng rắn biển Naga – gọi theo tiếng sanskrit – nhiều đầu. Rắn Naga có nguồn gốc từ thần thoại Ấn Độ, được đưa vào kinh điển đạo Phật lẫn Ấn giáo và một số tôn giáo khác.
Trong thần thoại Ấn giáo, thần Vishnu nằm trên lưng Naga, dùng rắn làm gậy khuấy biển sữa tạo ra thế giới muôn loài. Naga uốn mình nâng tòa sen làm bệ cho Đức Phật cũng như thần Vishnu ngồi, còn nhiều đầu rắn tạo thành vòng hào quang bảo vệ…
Trong loạt tranh rắn được vẽ nhân Tết Quý Tỵ 2013 (*), họa sĩ Nguyễn Quân đã gắn rắn Naga nhiều đầu với các yếu tố sau:
1. Biển – sóng nước, mô típ trang trí quen thuộc thể hiện sự sáng thế, sáng tạo.
2. Hoa sen – tôn giáo, quốc hoa của Việt Nam và còn mang ý nghĩa hòa bình.
3. Chiếc thuyền – văn hóa biển đảo có ở khắp Đông Nam Á, từ Đông Sơn, Óc Eo, Sa Huỳnh cho tới ngày nay.
4. Đàn bà – biểu tượng ẩn ức, khát khao tình dục; mỹ nhân tuổi Tỵ – phụ nữ đẹp và thông minh nhưng hình như cũng… quỷ quyệt khó lường!
Dù chưa có họa sĩ Việt Nam nào vẽ rắn Naga nhưng Nguyễn Quân tin rằng ông đang đi tìm nguồn gốc Đông Nam Á của các biểu tượng tạo hình Việt có từ nhiều năm nay; và như vậy hợp lý hơn việc quy về nguồn gốc phương Bắc…
(*) Tranh vẽ pastel trên giấy dó, khổ 65 x 85cm
- Q. Hương