“Hiện tượng Trái đất ấm lên vẫn đang diễn ra trong khi xuất hiện ngày càng nhiều bằng chứng về sự thay đổi khí hậu do tác động từ con người”, Michel Jarraud – trưởng nhóm Tổ chức Khí tượng Quốc tế (WMO) thuộc Liên Hiệp Quốc vừa công bố vào đầu tuần qua. Tốc độ trung bình nóng dần của bề mặt Trái đất từ đầu thế kỷ XXI tới nay có giảm đi, điều đó cho thấy tốc độ của thảm họa không diễn ra nhanh chóng như dự báo trước đây bởi nhóm các nhà khoa học của Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, theo ông Jarraud, nhiệt độ của các đại dương vẫn đang gia tăng rất nhanh cùng với tần suất xảy ra các sự kiện thời tiết khắc nghiệt ngày càng cao là bằng chứng cho thấy biến đổi khí hậu sẽ là điều không thể tránh trong những thế kỷ tới. Đặc biệt, năm 2013 cùng với 2007 được xem là hai trong số sáu năm nóng nhất kể từ khi số liệu thường niên được ghi chép (năm 1850). Nhiệt độ trung bình của mặt đất lẫn đại dương trong năm 2013 đạt mức kỷ lục 14,5 độ C, cao hơn 0,5 độ C so với giai đoạn 1961-1990 và hơn 0,03 độ C so với giai đoạn 2001-2010. Đồng thời, mức độ khí thải nhà kính cũng đạt mức kỷ lục khi có đến 90% lượng khí thải bị chặn lại trong bầu khí quyển do hiện tượng nhà kính đều thẩm thấu vào các đại dương, góp phần khiến bầu khí quyển và đại dương tiếp tục nóng dần lên trong vài thế kỷ tới. Thiên tai bao gồm hạn hán, đợt khí nóng, nước biển gia tăng, lũ lụt và bão nhiệt đới trên toàn cầu sẽ trở thành những hiện tượng thường thấy hơn trong tương lai.
Trong tương lai, những siêu bão như Haiyan tàn phá Philippines năm 2013 sẽ thường diễn ra hơn
Ngoài ra, trong cuộc họp kéo dài từ 25 đến 29-3 tại Nhật Bản, nhóm nhà khoa học thuộc Liên Hiệp Quốc còn cho rằng hiện tượng ấm dần của Trái đất sớm muộn cũng sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung cấp lương thực thực phẩm, làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế và dẫn đến những thảm họa không bao giờ có thể sửa đổi được trong hệ sinh thái. Minh hoạ từ máy tính chỉ ra rằng nếu như các hiện tượng tự nhiên như núi lửa hay El Nino xuất phát từ việc thay đổi nhiệt độ tại Thái Bình Dương gây ra hạn hán hay lũ lụt với mức độ bao nhiêu thì tác động do con người mang đến sẽ cao hơn ít nhất gấp năm lần. Thí dụ như năm 2013, bão Haiyan gây ra những tổn thất kinh hoàng cho Philippines, trong khi trận nóng kỷ lục tại Úc đã khiến phá hủy mùa màng và tài sản do những trận cháy rừng vượt tầm kiểm soát của con người. Ngoài ra, suốt mùa đông 2013 còn xuất hiện những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như đợt lạnh kéo dài tại Đông Nam nước Mỹ và toàn khu vực châu Âu, mưa bão và lụt lội tại Đông Bắc Trung Quốc và Đông nước Nga, tuyết xuất hiện bất ngờ tại Trung Đông và hạn hán tại Đông Nam Phi. Do đó, theo Liên Hiệp Quốc, các quốc gia phải hợp sức lại trong thời gian tới để thống nhất hạn chế việc nóng dần lên của Trái đất dưới mức 2 độ C so với nhiệt độ của giai đoạn tiền công nghiệp, bằng cách cắt giảm khí thải từ việc đốt cháy nhiên liệu như than đá, dầu thô và khí đốt.
B. Trịnh theo Reuters