Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã chuyển hướng máy bay của ông vào phút chót để tham dự một cuộc thảo luận được sắp xếp vội vã về cuộc khủng hoảng ở Ukraina với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.
Quyết định được đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin nói chuyện điện thoại với Tổng thống Mỹ Barack Obama vào tối thứ Sáu ngày 28-3.
Các cuộc thảo luận ở Paris giữa Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov kết thúc vào tối Chủ nhật vừa qua sau bốn giờ thương thảo nhằm làm dịu tình trạng căng thẳng ở Ukraina do việc Nga sáp nhập vùng Crimea của Ukraina.
Cuộc thảo luận được tổ chức tại tư gia của Đại sứ Nga bàn về sự cần thiết tìm giải pháp ngoại giao giải quyết cuộc khủng hoảng.
Thông tin ban đầu nói rằng hai nhà ngoại giao thảo luận về kế hoạch cải cách hiến pháp được Ukraina ủng hộ, và việc giải giới các lực lượng không chính quy, vấn đề quan sát viên quốc tế, các quyền của nhóm thiểu số, và các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Ukraina và Nga. Tuy nhiên sau cuộc gặp gỡ, hai ngoại trưởng vẫn chưa đi đến sự thống nhất nào.
Xuất hiện trên đài truyền hình Nga hôm thứ Bảy Ngoại trưởng Lavrov bác bỏ lời đồn đoán, nói rằng việc binh sĩ Nga tập trung quân đông đảo trong vùng biên giới với Ukraina chẳng có gì khác ngoài việc tập trận.
Ông Lavrov nói rằng Nga không có ý định mà cũng không quan tâm đến việc xâm lăng Ukraina. Ông nói Moscow tin rằng một liên bang cho các chính quyền khu vực quyền tự trị nhiều hơn là cách duy nhất để bảo đảm sựổn định và trung lập của Ukraina nơi có hàng triệu người nói tiếng Nga ở miền đông nước này.
Trước cuộc họp với Ngoại trưởng Lavrov, Ngoại trưởng Kerry đã có một cuộc họp ngắn với Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius.
Trong những ngày gần đây sự tập trung binh sĩ, xe tăng và tàu chiến của Nga gần biên giới Ukraina đã mở rộng đáng kể, tuy nhiên ông Lavrov nói với đài truyền hình nhà nước hôm thứ Bảy rằng Nga không có ý định đưa các lực lượng này vào Ukraina.
Các nước láng giềng của Ukraina – các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây đã tách ra khỏi Nga cách nay hơn 20 năm, và các quốc gia vệ tinh của Liên Xô ở Đông Âu đả kích mạnh mẽ việc Nga gây áp lực với Ukraina.
Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc cũng đã biểu quyết với đa số áp đảo vào cuối tháng 3, phản đối việc Nga sáp nhập Crimea.
P.V