Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đầy kịch tính đã đưa nhà tỉ phú địa ốc Donald Trump, ứng viên đảng Cộng hòa, trở thành chủ nhân thứ 45 của Nhà Trắng – sau khi đánh bại bà cựu ngoại trưởng Hillary Clinton của đảng Dân chủ.
Việc làm đầu tiên của ông có lẽ là phải hàn gắn người dân sau nhiều tháng bị phân hóa bởi chiến lược tranh cử đầy lời lẽ chỉ trích lẫn nhau giữa hai ứng cử viên cùng với những khác biệt về chính sách của hai đảng.
Donald Trump là một hiện tượng hiếm hoi trong các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ xưa nay nếu nhìn dưới góc độ tính cách ứng cử viên, nhưng trong sâu xa của đời sống chính trị xã hội lại thể hiện thái độ của người dân Mỹ thường xuyên đòi hỏi thay đổi.
Tám năm trước, lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, người dân bỏ phiếu cho thường dân da đen Obama vì ông ấy kêu gọi và hứa hẹn một sự thay đổi với khẩu hiệu tranh cử “Change, yes we can”. Còn bây giờ là Trump, một doanh nhân chưa bao giờ là chính trị gia, với khẩu hiệu hợp lòng dân “Make American Great again”, mà sức thuyết phục được tăng thêm trong tình hình chính sách của đảng Dân chủ đã đi vào lối mòn sau hai nhiệm kỳ tổng thống liên tục. Và nay dường như dân Mỹ, nhất là giới trẻ, không muốn thêm một nhiệm kỳ “Obama không có Obama”.
Donald Trump là một doanh nhân thực dụng đã nắm bắt tâm lý này, thế là ông đã thắng nhờ ước muốn thay đổi của cử tri mạnh hơn tâm lý lo ngại ông không đủ tư cách đạo đức và năng lực lãnh đạo chính trị.
Các nhà phân tích tình hình cho rằng thắng lợi của Trump là một bất ngờ, nhưng suy cho cùng vẫn có cách lý giải. Về mặt kinh tế, từ lúc có hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Mexico và Canada, Mỹ mất gần 5 triệu việc làm trong khu vực công nghiệp. Những bang đã từng là trung tâm của các ngành công nghiệp bịảnh hưởng nhiều là Ohio, Michigan, Wisconsin, Pennsylvania cũng chính là những bang nằm trong tay đảng Dân chủ, vậy mà trong kỳ bầu cử này đều rơi vào tay ứng cử viên đảng Cộng hòaDonald Trump.
Cũng vậy, từ khi Trung Quốc vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nghề dệt may và nghề mộc, đóng bàn ghế gần như bị xóa sạch. Ông Trump thắng ở North và South Carolina cũng trong tình hình người lao động ở đây mất việc làm do các công ty Mỹ chuyển hướng đầu tư vào Trung Quốc.
Việc hạn chế dùng than chạy nhà máy điện nhằm giúp giảm ảnh hưởng khí nhà kính, có lợi cho môi trường nhưng đã làm các bang như Kentucky, South Virginia, Indiana tăng số người thất nghiệp, vì thế họ bầu cho ông Trump.
Đã có lúc việc làm ở ngành công nghiệp chế xuất chiếm 35% tổng sốlao động ở Mỹ, hiện nay chỉ còn 8% và người ta đổ lỗi cho toàn cầu hóa, điều mà ông Trump chủ trương ly khai.
Ông Donald Trump đã cam kết thực hiện 10 điều sau khi trở thành tổng thống, đó là:
– Đưa nước Mỹ trở lại vĩ đại – mặc dù không nói rõ bằng cách nào.
– Đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
– Xây bức tường biên giới với Mexico để ngăn chặn người nhập cư mà chi phí do nước này trang trải.
– Trục xuất hàng triệu người định cư bất hợp pháp.
– Răn đe các nước từ chối nhận lại người nhập cư.
– Rút khỏi Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
– Bãi bỏ các khu vực cấm dùng súng, mà ông gọi là mồi nhử cho những kẻ tâm thần làm loạn.
– Cải tổ Bộ Cựu chiến binh Mỹ vì cho rằng là nơi bao che tham nhũng.
– Chấm dứt đạo luật y tế Obamacare.
– Điều quan trọng là Donald Trump cũng chủ trương nước Mỹ nay phải quay về với những lợi ích của mình, không có nghĩa vụ quốc tế với bất cứ tổ chức quốc tế cũng như quốc gia nào.
Lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến II, cử tri Mỹ lựa chọn một tổng thống nhiều khả năng sẽ làm đảo lộn trật tự quốc tế từng được những đời tổng thống trước duy trì trong hàng chục năm qua, có khả năng đưa nước Mỹ vào tình trạng bị cô lập. Nhiều người cho rằng chiến thắng của ông Trump báo trước viễn cảnh Mỹ sẽ tập trung nhiều hơn vào chính sách đối nội và để thế giới tự giải quyết những vấn đề đang tồn tại.Cam kết triển khai một chính sách chặt chẽ về kinh tế và quân sự của tổng thống đắc cử Mỹ khiến chính quyền nhiều nước đồng minh phải nghĩ đến một tương lai không có sự hỗ trợ từ Washington.
Câu hỏi đặt ra là liệu Mỹ có tiếp tục can dự vào các vấn đề quốc tế với vai trò như một đối tác tin cậy với bạn bè và đồng minh nữa hay không? Nếu chính sách này chấm dứt, tất cả các đồng minh của Mỹ tại châu Âu, Trung Đông và châu Á buộc phải xem xét lại cách thức tự phòng vệ.
Viễn cảnh rút quân khỏi Đức, nơi quân đội Mỹ hiện diện trong hơn bảy thập niên qua, đang gây ra tâm trạng bối rối cho giới chức nước này và cả NATO. Phải chăng rồi đây châu Âu sẽ phải tự đảm bảo an ninh của mình.
Mexico có lẽ là quốc gia lo ngại nhất đối với chiến thắng của ông Trump do những tuyên bố mang tính không tưởng xây tường ngăn cách giữa biên giới hai nước trước đây của ông. Với kim ngạch thương mại đạt 531 tỉ USD trong năm 2015, Mexico là đối tác lớn thứ ba của Mỹ sau Canada và Trung Quốc. Năm triệu việc làm của Mỹ hiện phụ thuộc vào quan hệ kinh tế với nước láng giềng này.
Trong khi đó Israel, một đồng minh thân thiết của Mỹ, cũng đang lo ngại về nguy cơ ông Trump sẽ chấm dứt sự hiện diện quân sự tại Trung Đông.
Ông Yohanan Plesner, cựu nghị sĩ Quốc hội Israel tuyên bố “Tình hình tại Syria đang rất hỗn loạn. Mỹ phải nhanh chóng xem xét việc có nên tiếp tục duy trì vai trò tích cực trong việc định hình sự phát triển của khu vực này hay không”.
Thậm chí, một số quốc gia có thể hưởng lợi từ chính sách hạn chế can thiệp của Mỹ cũng tỏ ra bất an về những hệ quả sắp tới. Nhìn bề ngoài có vẻ vô lý, nhưng Trung Quốc đang lo ngại trước cam kết rút quân khỏi châu Á của tổng thống đắc cử Mỹ.
Ông Shen Dingli, giáo sư quan hệ thuộc Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, phân tích về điều này như sau: “Nếu ông Trump thực sự rút quân khỏi Nhật, nước này có thể phát triển vũ khí hạt nhân. Hàn Quốc cũng có thể tìm cách sở hữu loại vũ khí này, nếu ông Trump hủy bỏ kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa và để Seoul phải tự mình đối phó với những đe dọa từ Bình Nhưỡng”.
Thắng lợi của ông Trump với những chủ trương thay đổi về nhiều lĩnh vực từ kinh tế và việc làm đến chính trị, đối ngoại, khiến giới quan sát thời cuộc cho rằng biết đâu sẽ có một nước Mỹ khác xuất hiện và người ta đang theo dõi các diễn biến tới đây mà một phần đã có lời giải.
Diễn biến trước tiên là ông Donald Trump đổi giọng về một loạt cam kết tranh cử. Hôm 11-11 khi gặp Wall Street Journal, ông đã tránh trả lời câu hỏi liệu có tiếp tục theo đuổi cam kết là chỉ định công tố viên đặc biệt để điều tra việc bà Hillary Clinton sử dụng email cá nhân khi làm ngoại trưởng hay không. Ông nói “đó không phải là điều tôi bỏ nhiều thời gian suy nghĩ, bởi vì tôi muốn tập trung vào giải quyết vấn đề y tế, việc làm, kiểm soát biên giới và cải cách thuế”. Tuyên bố này của ông có thể làm phật lòng những người ủng hộ nhiệt thành đã cùng ông hô vang khẩu hiệu “Tống bà ta vào tù” tại các điểm vận động tranh cử.
Về luật chăm sóc y tếObamacare, sau cuộc tiếp xúc với Tổng thống Obama tại Nhà Trắng, ông Trump cho biết ông muốn giữ lại một số phần trong luật này và có thể tìm cách sửa đổi các quy chế chứ không hủy bỏ nó.
Cựu Chủ tịch hạ viện Newt Gingrich, một cố vấn của ông Trump, cho rằng tổng thống đắc cử có thể sẽ không tìm cách yêu cầu Mexico trả tiền xây tường ngăn chặn dân nhập cưở biên giới. Trong khi đó, cựu Thị trưởng New York Rudolph Giuliani, một cố vấn thân cận của ông Trump, cho biết chắc chắn bức tường sẽ được xây nhưng không nói rõ về thời gian.
Sau khi đi ra từ một cuộc họp với các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa tại tòa nhà quốc hội Mỹ hôm 10-11, ông Trump được phóng viên hỏi về ba ưu tiên hàng đầu của ông sau khi nhậm chức. Ông đề cập đến việc bảo đảm biên giới, cải cách chăm sóc sức khỏe và tạo việc làm.
“Ông có yêu cầu quốc hội cấm tất cả người Hồi giáo vào nước Mỹ hay không?”, một phóng viên hỏi. Ông Trump dường như nghe thấy câu hỏi nhưng không trả lời mà cảm ơn tất cả mọi người rồi rời đi.
Chưa đầy 36 giờ sau khi ông Trump giành chiến thắng trước bà Hillary Clinton, tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama đã mời tổng thống vừa đắc cử Donald Trump đến trò chuyện trực tiếp tại Phòng Bầu dục, một sự kiện mà ông Obama mô tả là “cuộc trao đổi tuyệt vời”.
Căn cứ vào những lời qua tiếng lại trước đó giữa hai người trong chiến dịch tranh cử, nhiều người cho rằng cuộc gặp giữa họ hẳn còn ít nhiều lúng túng.
Dẫu vậy, ông Trump, người trước đây từng gọi ông Obama là “tổng thống dốt nát nhất trong lịch sử của chúng ta”, thì nay đã nói “thật là vinh dự lớn lao” khi ông được gặp gỡ nhà lãnh đạo của nước Mỹ. Ông Trump cũng nói ông mong muốn sẽ nhận được những lời khuyên từ Tổng thống Obama.
Tổng thống Obama, người trước đây từng nói ông Trump là người hay rên la và “không đủ tư cách” để trở thành tổng tư lệnh nước Mỹ, nay đã cam kết sẽ ủng hộ ông Trump. Ông Obama nói với ông Trump chính quyền của ông sẽ “làm mọi điều có thể để giúp ông thành công, vì nếu ông thành công, đất nước sẽ thành công”.
Theo giới quan chức Nhà Trắng, hai ông đã thảo luận về một loạt các vấn đề liên quan tới những cuộc hội đàm tới đây của Tổng thống Obama và các nhà lãnh đạo của Đức, Hy Lạp và khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong chuyến công du tuần tới. Trong chuyến đi đó, ông Obama chắc chắn sẽ phải đối diện với nhiều câu hỏi liên quan tới vai trò của nước Mỹ trong các vấn đề thế giới tới đây như thế nào.
Trong lúc đó, hàng vạn người tại New York, Los Angeles, Boston, Chicago, Philadelphia, Portland và các thành phố, các khu học xá sinh viên khác tiếp tục biểu tình qua ngày thứ năm để phản đối ông Donald Trump, mà ban đầu ông cho là không công bằng. Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau, ông thay đổi giọng điệu với lời ca ngợi “Các nhóm nhỏ biểu tình tối qua có đam mê với đất nước vĩ đại của chúng ta”.
Liệu những gì ông Donald Trump đã đề ra trong chiến dịch tranh cử có đổi thay hay không, khi vào thời điểm này ông đang được báo cáo và tiếp cận những tài liệu thuộc chiến lược quốc gia và tin tức tình báo. Trong cơ chế quốc hội lưỡng đảng của Mỹ thì đối với các vấn đề chiến lược, quyền quyết định lại không do người đứng đầu hành pháp, liệu tân tổng thống có thể thực hiện hết những gì đã cam kết hay không?
- Tổng hợp