Hát một ca khúc do anh sáng tác dành cho cuộc triển lãm mới nhất của mình tại TP. Hồ Chí Minh (gallery Tự Do, 53 Hồ Tùng Mậu, Q.1 từ 4 đến 25-8) trong ngày khai mạc, họa sĩ Tôn Thất Bằng kể lại câu chuyện tình của lá và hoa, cũng chính là tự sự nghệ thuật của anh ở tuổi “tri thiên mệnh”.
Tôn Thất Bằng vẫn nhớ như in lần anh được gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hai mươi năm về trước, khi mang đến nhà ông một bức tranh bột màu trên giấy ưng ý của anh và được nhạc sĩ “phán” một từ: “lạ” – có thể coi là một lời ngợi khen ngắn gọn dành cho anh, kẻ đã rẽ ngang vào hội họa ngay từ lúc còn theo học âm nhạc tại Đại học Nghệ thuật Huế. Bức tranh ấy, sau này được anh đặt tên là Chánh niệm và gìn giữ như một bảo vật của đời mình.
Hơn hai mươi năm vẽ tranh không ngừng, có thể nói đến hôm nay Tôn Thất Bằng đã tạo dựng được một sự nghiệp mà không phải họa sĩ tự học nào cũng có được. Anh đã có 20 cuộc triển lãm cá nhân trong nước và ở nhiều phòng tranh tại Mỹ, Úc, Bỉ, Singapore, Hongkong; và trong suốt hành trình nghệ thuật đó, tranh của anh hầu như gắn với chủ đề thơ ấu, cái “cố hương sáng tạo” không hề vơi đi trong anh theo thời gian, kể từ ngày bắt đầu đi vào thế giới sắc màu. Trong tranh anh, những hình ảnh lặp đi lặp lại là những đứa trẻ “áo dệt bằng lá cây, váy kết bằng cọng cỏ, khi đứng vững hai chân, khi nghiêng ngả, mất thăng bằng như múa may, bay bổng, sống ngoài trọng lực” (Đặng Tiến) – phải chăng đó là hình ảnh những nạn nhân thơ ngây của số phận vốn dĩ thường nghiệt ngã (?), là những con ngựa gỗ biểu thị cái nhìn mộng mơ của tuổi nhỏ về cuộc sống, là những đồng xu gieo quẻ của trò chơi định mệnh, và đặc biệt là những chiếc lá – thông điệp về thời gian, sự sinh sôi và tàn phai…
Nhưng trong thế giới dù luôn bị ám thị bởi sự hữu hạn của kiếp người và sự chi phối của số phận ấy, hoa vẫn luôn bừng nở như nụ cười an nhiên, tự tại của người đã ít nhiều ngộ được lẽ vô thường. Như lời của ca khúc Chuyện tình lá và hoa mà anh viết cho triển lãm này: “Trời sinh tôi ra cho tôi nhiều đam mê, đam mê những sắc màu, đam mê nốt nhạc hay. Trời yêu thương cho tôi thêm một chiếc lá, cho thêm một bông hoa, bông hoa biết mỉm cười… Lá và hoa gặp nhau giữa cõi vô thường này… Lá và hoa bên nhau đi hết thiên đường này…”.
Và sau hai mươi năm cầm cọ, trong tranh Tôn Thất Bằng giờ đây, bên cạnh những hình ảnh quen thuộc đã định hình và ngày càng được trau chuốt về mặt kỹ thuật, có một biểu tượng mới: một vết son đỏ có hình dáng của phôi thai mà anh đặt tên là “Khởi nguồn sự sống”. Anh thổ lộ: “Từ nay, tôi đưa biểu trưng này vào trong các tác phẩm hội họa của tôi như là một ký hiệu của riêng tôi. Biểu trưng có thể đứng đâu đó trong không gian tranh và còn được thu nhỏ đặt bên cạnh dưới chữ ký, thay cho năm tháng, thời điểm sáng tác. Với riêng tôi, theo các truyền thống tôn giáo phương Đông, biểu trưng đó như là “lời cầu kinh” hằng ngày trong đời sống, là hơi thở, là sự chuyển hóa, sinh sôi trong vũ trụ sinh động vậy”.
Biểu trưng “Khởi nguồn sự sống” không chỉ để xác định “cái tôi” của họa sĩ mà theo lời anh còn nhằm “giúp giới thưởng ngoạn dễ nhận ra tranh Tôn Thất Bằng” và là cách anh tự bảo vệ mình trước tệ nạn tranh chép, tranh nhái.
- Y Chiêu