Mariam Escofet, 53 tuổi, họa sĩ người Tây Ban Nha hiện sống và làm việc tại London (Anh) đã thực hiện bức chân dung chính thức cuối cùng của Nữ hoàng Anh Elizabeth II ra mắt vào cuối tháng 7 năm nay. Nữ họa sĩ đã bật mí với tờ L’édition du soir về cuộc gặp gỡ với Nữ hoàng Anh và việc thực hiện bức chân dung.
Chuyên vẽ chân dung, nữ nghệ sĩ Tây Ban Nha Mariam Escofet đã được đặc quyền vẽ chân dung Nữ hoàng Elizabeth II được công bố vào ngày 25 tháng 7 năm 2020.
Những buổi gặp gỡ với Nữ hoàng, mối quan hệ với những người chung quanh, nguồn cảm hứng… Nữ nghệ sĩ đồng ý thuật lại những trải nghiệm này.
____Bằng cách nào chị (Mariam Escofet) được chọn là họa sĩ vẽ chân dung chính thức cho Nữ hoàng?
Đầu năm 2019, tôi được phòng Trưng bày Chân dung Quốc gia ở London liên lạc và thông báo rằng ngài Simon McDonald, Bộ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao và Khối Thịnh vượng chung, muốn gặp tôi để thảo luận về việc vẽ bức chân dung cho Nữ hoàng.
Ngài Simon đã xem bức chân dung tôi vẽ mẹ tôi, tác phẩm đã mang đến cho tôi giải thưởng BP Portrait Award năm 2018. Bức chân dung này được trưng bày tại sảnh tiếp tân chính của Bộ, đã gây ấn tượng đặc biết đối với ngài Simon bởi nhân vật có tuổi trong tác phẩm được thể hiện rất nghiêm túc. Và thế là ngài Simon quyết định chọn tôi là người vẽ chân dung cho Nữ hoàng.
____Chị đã phản ứng thế nào?
Khi biết ngài Simon MacDonald muốn tôi vẽ bức chân dung cho Nữ hoàng, tôi rất hứng khởi vì tôi coi đó như một sự xác nhận tài năng của tôi với tư cách là một nghệ sĩ. Tôi cũng hiểu rằng đó là sự biểu lộ lời ngợi khen đối với tôi.
Nhưng tất nhiên, tôi cũng cảm thấy lo lắng và căng thẳng vì không phải lúc nào những đơn đặt hàng của Hoàng gia cũng được các nhà phê phán, bình luận đón nhận.
____Chị có đồng ý ngay không?
Tôi đã không chút do dự, dù chỉ một giây! Tôi luôn đón nhận những thử thách trong công việc của mình vì tôi nghĩ thử thách càng lớn thì tài năng của mình càng trưởng thành. Trong sự nghiệp, các dự án càng đưa tôi ra xa khỏi vùng tiện nghi, thoải mái, an toàn thì chúng càng được tôi đón chào.
Tất nhiên, trước khi bắt đầu, tôi đã nghĩ đến áp lực to lớn của những bức tranh Hoàng gia. Tôi cũng nghĩ trong đầu tác phẩm của Hans Holbein Le Jeune, họa sĩ thời Phục hưng nổi tiếng với bức chân dung các nhà ngoại giao Pháp mang tên Les Ambassadeurs (Các vị Sứ giả) vì tôi thấy ông ấy đã nắm bắt được thực chất của những nhân vật mà ông ấy vẽ. Tôi đã cố gắng lấy cảm hứng từ đó.
____Tác phẩm Les Ambassadeurs đã giúp chị như thế nào?
Nó đã cho tôi ý tưởng về sự biến dạng và một chút siêu thực. Tôi đã thực hiện ý tưởng đó trên mặt ngoài của một cái tách: vì vậy chúng ta có thể thấy ở đó một huân chương đặc biệt thánh Michel và thánh George cũng như một huân chương Ngoại giao. Với tôi, biểu tượng này mang lại ý nghĩa đáng yêu cho cái tách khiêm tốn này.
____Lần đầu tiên chị gặp Nữ hoàng là khi nào?
Cuộc gặp gỡ đầu tiên diễn ra vào tháng 7 năm 2019 tại lâu đài Windsor. Tôi được phép xem trước căn phòng và nhờ đó, tôi biết vài chi tiết của nơi mà tôi quan tâm có thể nằm trong bức chân dung.
Cuộc diện kiến kéo dài trong một giờ thật ra không dài mấy ! Tôi quyết định tập trung vào bố cục của bức chân dung.
____Ấn tượng đầu tiên của chị là gì?
Trước đó, tôi chưa hề gặp mặt Nữ hoàng Elizabeth II. Tôi thật sự không biết phải mong đợi điều gì, nhưng ngay lập tức tôi bị thu hút bởi một số phẩm chất: sự rạng rỡ và lòng tốt, tính hài hước và sự ấm áp của Nữ hoàng mà tôi đánh giá rất cao.
Buổi vẽ thứ hai diễn ta vào tháng 2 năm 2020 tại Cung điện Buckingham, London. Lần này, tôi tập trung vào những đường nét trên khuôn mặt của Nữ hoàng.
____Là một họa sĩ chuyển vẽ chân dung, vẽ Nữ hoàng khác với vẽ những người khác như thế nào?
Nhìn chung, tôi không mấy quan tâm đến sự nổi tiếng. Tôi cho rằng đó là một bức màn khó tháo ra. Nữ hoàng Elizabeth II hẳn là người trị vì được kính trọng nhất trên thế giới và rất được người dân yêu mến. Vì vậy, tôi rất ý thức khi được vẻ một nhân vật mang tính biểu tượng. Nhưng tôi muốn tác phẩm này trở thành bức chân dung thân mật, gần gũi với Nữ hoàng: thể hiện tính nhân văn của bà mà vẫn nêu bật đặc tính của một Nữ hoàng. Tôi muốn thể hiện sự hài hòa giữa hai khía cạnh này.
Tôi cũng ý thức rằng tôi đang vẽ một nhân vật dễ nhận biết nhất thế giới. Đó là một áp lực vì mỗi người có cái nhìn chủ quan về Nữ hoàng và về con người của Bà. Làm thế nào để vẽ khuôn mặt của một người mà cả thế giới đều biết? Đó là câu hỏi có sức thách thức lớn nhất đối với tôi.
____Chị có giải thích cách tiếp cận nghệ thuật của chị?
Ngay từ buổi vẽ đầu tiên, tôi đã chuẩn bị hai bản phác thảo biến thể từ cùng một ý tưởng. Tôi thường làm theo cách này: trước hết, tôi chuẩn bị bố cục, đặc biệt là cho các bức chân dung. Tôi thấy điều này là rất hữu ích để thể hiện chủ đề chính, đồng thời để phân bố ánh sáng.
Tôi luôn muốn khách hàng thấy hướng đi của công việc mình tiến hành. Ngài Simon và tôi cùng đồng thuận thực hiện bức chân dung toàn thân.
____Đoàn tùy tùng của Nữ hoàng có tham gia vào quá trình hoàn thành bức chân dung?
Không có sự can thiệp nào từ Cung điện hay từ Bộ Ngoại giao: họ hoàn toàn đặt niềm tin vào tôi. Tôi được toàn quyền quyết định bố cục cũng như kích thước tác phẩm của mình. Tất nhiên, tôi đã tham khảo ý kiến của ngài Simon về một số ý tưởng của tôi để đảm bảo rằng ngài đồng ý với tôi dù tôi không bị buộc phải làm vậy.
____Việc thực hiện bức chân dung mất bao lâu?
Tôi mất 7 tháng để hoàn thành bức chân dung. Nếu tính luôn toàn bộ quá trình, từ buổi đầu tiên chọn bố cục cho đến khi chính thức vẽ, tổng cộng tôi mất tròn 1 năm. Mất nhiều thời gian vì tôi sử dụng nhiều lớp sơn để tạo ‘nguồn ánh sáng’ cho tác phẩm.
____Ánh sáng cũng rất quan trọng để vẽ bức tranh này?
Kỹ thuật mà tôi sử dụng với nhiều lớp sơn chồng lên nhau đòi hỏi sự tỉ mỉ và mất nhiều thời gian, nhưng bù lại nó nêu bật được tầm quan trọng của sự tương phản ánh sáng. Tôi tuần tự xây dựng ánh sáng và bóng tối. Các lớp màu sơn khác nhau nâng cao chất lượng của độ sâu và ánh sáng.
Ngay từ khi bắt đầu công việc, tôi muốn chân dung Nữ hoàng nhẹ nhàng tỏa ra ánh hào quang. Màu vàng của ghế và màu trắng của mái tóc Nữ hoàng tạo ra điểm nhấn ‘ánh sáng’ trung tâm, tượng trưng cho nguồn năng lượng vây quanh nhân vật. Tôi cố ý chọn 2 điểm đó vì chúng có nhiều ánh sáng nhất.
____Chị cảm thấy thế nào khi bức chân dung được công khai trước Nữ hoàng?
Tất nhiên, tôi hơi bị căng thẳng. Bộ Ngoại giao đã dành 1 tuần để chuẩn bị kỹ lưỡng cho sự kiện này. Tôi cũng rất ấn tượng với sự chú ý đến từng chi tiết. Ngày công bố, không khí có một chút hồi hộp, tôi nghĩ mọi người đều cảm nhận điều đó.
Tôi biết rằng Nữ hoàng rất khéo léo với những bức chân dung. Bà không bao giờ tỏ ra thiên vị. Nhưng thật đáng yêu khi thấy bà hạnh phúc: bà đã mỉm cười trong suốt buổi ra mắt tác phẩm.