Tòa trọng tài Thường trực của Liên Hiệp Quốc (PCA) đặt tại The Hague, Hà Lan, hôm 29-10 phán quyết rằng họ có đủ thẩm quyền để xét xử vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan tới Biển Đông và đã bác luận điểm của Trung Quốc rằng đây là tranh chấp về chủ quyền và vượt ra ngoài thẩm quyền của tòa.
Phán quyết này được cho là một thắng lợi bước đầu của Philippines. PCA sẽ bắt đầu xem xét các bằng chứng của Philippines theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Hiện chưa rõ các phiên tranh tụng tiếp theo sẽ được tổ chức khi nào.
Một ngày sau khi Tòa trọng tài đưa ra phán quyết, Bắc Kinh cho biết sẽ không chấp nhận bất cứ phán quyết nào của định chế này.
Đơn kiện của Philippines nói rõ yêu sách “đường chín đoạn”, hay còn gọi là “đường lưỡi bò”, mà Trung Quốc dùng để khoanh vùng chủ quyền của mình ở Biển Đông là trái với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) mà cả Trung Quốc và Philippines đều là thành viên ký kết.
Tuy nhiên, Trung Quốc cho rằng vụ kiện là về chủ quyền và PCA không đủ thẩm quyền xét xử. Hãng tin Reuters dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân phát biểu với báo giới ở Bắc Kinh rằng: “Chúng tôi sẽ không tham gia và không chấp nhận tòa án. Các phán quyết hoặc kết quả từ tòa sẽ không ảnh hưởng đến quan điểm của Trung Quốc”.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Philippines trở lại con đường đối thoại để giải quyết tranh chấp giữa hai bên trong vấn đề Biển Đông. Bắc Kinh luôn muốn tiến hành giải quyết song phương với từng bên trong tranh chấp, trái với quan điểm đa phương của các nước có liên quan.
Với tư cách thành viên thường trực có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, lập trường nêu trên của Trung Quốc có thể khiến nước này rơi vào thế khó về ngoại giao nếu tòa án phán quyết Bắc Kinh vi phạm một trong những quy chế của Liên Hiệp Quốc.
T.K (DNSGCT)