Có nhiều dấu hiệu cho thấy tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS đang dần bị kiệt quệ về mặt tài chính, đang phải tìm cách thích nghi với tình hình suy giảm ngân quỹ do nhiều lãnh thổ quan trọng nơi có nhiều giếng dầu rơi vào tay chính phủ.
Hãng tin CNN trích dẫn một báo cáo của Công ty nghiên cứu IHS nói rằng thu nhập của IS đã sụt 80% trong vòng hai năm qua do một phần lớn nguồn thu từ dầu lửa và thuế bị cắt đứt. Báo cáo dựa trên các cuộc phỏng vấn, tài liệu thu thập được từ IS, dữ liệu của Liên Hiệp Quốc và các nguồn tin từ Syria cho thấy thu nhập từ dầu mỏ của IS hiện nay so với hai năm trước đã giảm mỗi tháng hơn 60 triệu USD. Nếu báo cáo này chính xác thì tình hình đã thay đổi nhiều đối với IS, tổ chức khủng bố giàu nhất thế giới bằng những hoạt động phi pháp như đánh thuế người dân sống ở những vùng đất mà họ chiếm đóng, bán dầu trên thị trường chợ đen, đánh cắp và đem bán những di vật khảo cổ học, bắt cóc đòi tiền chuộc. Sự mất mát lãnh thổ là nhân tố chính khiến IS mất nguồn thu. Ba năm sau khi tuyên bố thành lập Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria, lãnh thổ mà tổ chức khủng bố này gọi là đất nước đang bị thu hẹp với độ chóng mặt. IS đang mất dần quyền kiểm soát ở Mosul, thành trì lớn nhất của tổ chức này ở Iraq, trong khi thủ đô của IS là Raqqa ở Syria đang bị bao vây. Việc mất kiểm soát thành phố đông dân Mosul và hai tỉnh nhiều dầu là Raqqa và Homs đã có ảnh hưởng đặc biệt lớn tới khả năng kiếm tiền của IS. Các nhà phân tích cho rằng IS sẽ tìm cách thích nghi với nguồn thu nhập suy giảm và lãnh thổ eo hẹp bằng cách quay trở lại với những cuộc tấn công chớp nhoáng, tăng cường tính di động và gây bất ngờ vốn là thế mạnh của tổ chức khủng bố này. Mặc dù IS có vẻ như vẫn tham gia vào một số hoạt động thương mại, đặc biệt là khai thác dầu nhưng đã có những dấu hiệu cho thấy nhóm này đang cố gắng tăng dự trữ tài chính, đẩy mạnh sự dịch chuyển từ một nền kinh tế tập trung cao sang một nền kinh tế thời chiến nhằm chuẩn bị nguồn tài chính cho một cuộc nổi dậy trong tương lai.
- N.N