Theo Quy ước Liên Hiệp Quốc về chống sa mạc hóa (UNCCD), nạn hạn hán trên thế giới hiện đang có những tác động nghiêm trọng về các mặt kinh tế – xã hội và môi trường, sẽ gây ra nhiều trường hợp tử vong hơn và số người phải rời bỏ chỗ ở nhiều hơn là các thiên tai khác. Vào năm 2050, nhu cầu về nước sạch sẽ tăng 50% do dân số toàn cầu tăng lên, nhất là tại những vùng khô hạn, khiến cho tình trạng thiếu nước trở nên đáng báo động hơn bao giờ hết. Và châu Phi sẽ là nơi gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của tình trạng hạn hán kéo dài. Gần đây, ông José Graziano da Silva, Tổng giám đốc Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO), đã đi thăm một số vùng bị ảnh hưởng của nạn hạn hán tại miền Đông Bắc Nigeria, nơi xung đột quân sự buộc 2,5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, ruộng vườn để tìm nơi an toàn hơn. Những gì ông da Silva nhìn thấy đã làm u tối hơn bức tranh sinh hoạt của người châu Phi tại nhiều nơi ở châu lục này. Lưu vực hồ Chad ở hạ Sahara vốn là nguồn cung cấp nước chính của cả vùng đã mất 90% khối lượng nước chứa trong khoảng thời gian từ năm 1963 đến năm 2013, ảnh hưởng nặng nề lên đời sống cư dân. Cả khu vực rộng lớn chứa một phần các nước Nigeria, Cameroun, Chad và Niger đang đứng trước một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thế giới, khoảng 7 triệu người đang ở trên bờ vực của nạn đói, với cấp độ 4 ở thang điểm từ 1 đến 5, trong đó 5 là đói thật sự.
Nạn hạn hán đe dọa trực tiếp sự tăng trưởng GDP của châu Phi, nhất là vùng hạ Sahara, làm thiệt hại ngân sách, kéo dài thời gian hồi phục kinh tế và đòi hỏi sự viện trợ khẩn cấp của cộng đồng quốc tế trong tương lai. Các hộ gia đình cũng chịu tác động không kém, nhất là những gia đình sống bằng các ngành nông nghiệp dựa nhiều vào nước mưa. Năm 2012, Chương trình Thực phẩm Thế giới (WFP) đã hỗ trợ cho 54,2 triệu cư dân châu Phi 2,7 tỉ USD, chiếm 66% toàn bộ kinh phí của tổ chức này trong năm. Theo các nhà nghiên cứu, sự hỗ trợ khẩn cấp và kịp thời dành cho châu Phi là điều hết sức cần thiết, 1 USD can thiệp sớm sẽ cứu vãn được 4,4 USD phải chi sau khi cuộc khủng hoảng nổ ra.
- Lê Nguyễn tổng hợp
Xem thêm:
- Sa mạc đang vùi lấp 2/3 đất đai châu Phi
- Châu Phi sẽ có một “Vạn lý trường thành xanh”
- LHQ làm gì khi châu Phi có 830 triệu người trẻ vào năm 2050?