Bản làng ẩn giữa rừng già
Sau một ngày ngắm chè, cọ cho thỏa mắt và ngủ qua đêm tại Thanh Sơn, chúng tôi tiếp tục lên đường hướng về phía rừng sâu núi thẳm. Trải qua hơn ba chục cây số đường đèo dốc quanh co từ điểm rẽ trên quốc lộ 32, chúng tôi tới cổng chào vườn quốc gia Xuân Sơn. Anh Thanh, một nhân viên làm việc ở văn phòng của vườn quốc gia tỏ ra ngạc nhiên khi mới đầu buổi sáng mà đã có một nhóm người trẻ tới được nơi này.
Vườn quốc gia Xuân Sơn rất rộng lớn nhưng chưa được quy hoạch để đưa vào khai thác du lịch, mới chỉ được khảo sát, lập dự án. Đi trekking Xuân Sơn một ngày là hơi ít, nhưng nếu có sự giúp sức của người địa phương thì cũng có thể đến được những điểm chính. Anh cho biết đến bản Dù, bản Lấp, bản Cỏi của người Mường thì không xa lắm, như động viên chúng tôi không chùn bước. Sau khi chào tạm biệt người chỉ đường đầu tiên, chúng tôi thẳng tiến. Thế nhưng chỉ ít phút là một con dốc dựng đứng hiện ra, xe nào cũng phải về ngay số 1 mà vẫn rất ì ạch bò lết. Qua dốc thì một tuyệt cảnh trần gian hiện ra. “Sao đẹp thế không biết!” – mọi người phấn khởi reo lên. Những khóm hoa trạng nguyên đỏ thắm chạy dọc theo con đường nhỏ tô điểm cho núi rừng thêm sức sống và vẻ đẹp quyến rũ. Xa xa, những màn sương mờ đang bao phủ các đỉnh núi, những đám mây trắng bồng bềnh, ôm ấp lấy núi non trùng điệp.
Núi rừng trong hơi sớm cùng những khóm hoa trạng nguyên thật đẹp
Buổi sáng trong lành, tinh khiết giữa rừng quả là thật tuyệt vời. Cứ hết một con dốc phải toát mồ hôi, cứng tay lái mới vượt qua được là niềm sung sướng lại trào dâng và chúng tôi cứ thả cho xe tự trôi để tận hưởng cảm giác hương rừng ban mai. Rồi bản Dù nằm ở gần lõi rừng quốc gia Xuân Sơn cũng từ từ hiện ra sau làn sương mờ. Từ những nóc nhà đất mái rơm hay nhà sàn thấp lè tè vang lên tiếng chó sủa inh ỏi vì có sự xuất hiện quá sớm của những lữ khách phương xa. Ở đây, có tới 90% dân số là bà con dân tộc Mường, chỉ có một nhóm người Kinh đến làm nghề buôn bán, thường chọn những vị trí trung tâm nhất, sát đường giao thông huyết mạch để xây nhà ở.
Chiếc cân để bán sắn của người Mường đặt ngay bên bìa rừng Xuân Sơn
Trong màn sương sớm, vài người dân đã lục đục dậy nhóm lửa thổi cơm sáng. Vượt qua gần chục cây số từ bản Dù, chúng tôi lại bắt gặp một khu vực có vài nóc nhà mọc lên giữa rừng. Chị Hà Thị Trắc, người Mường, cho biết đó là bản Lấp, thuộc xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, rất gần với lõi rừng quốc gia Xuân Sơn. Tuy là bản, tương đương với thôn dưới xuôi, nhưng ở đây chưa có đủ ba chục nóc nhà. Chúng tôi dạo bộ quanh bản một vòng và nhận ra cái nghèo vẫn là gam màu chủ đạo. Gia đình nào khá giả thì có gỗ làm tường nhà, mái lợp bằng rơm theo dạng nhà sàn, còn lại hầu hết là nhà vách đất, mái fibro xi măng thấp lụp xụp. Tài sản lớn nhất của các gia đình ấy chỉ là chiếc xe máy Wave hay Dream “Tàu” hoặc con bò, con trâu. Trong nhà tuềnh toàng vài cái giường, chõng tre, kế đó là khu bếp đen màu bồ hóng.
Thác Xoan đổ ra từ khe đá tuyệt sắc
Chị Trắc tâm sự về cảnh sống giữa rừng: “Chúng tôi chủ yếu phụ thuộc vào rừng. Sáng sáng, đàn ông vào rừng kiếm củi, bắt cua, cá để bán. Phụ nữ ở nhà nấu cơm, trông con, mang quần áo ra suối giặt… Từ đây ra trung tâm huyện cũng xa, phải lần theo đường rừng rất khó đi nên cả năm chúng tôi chỉ ra vài ba lần để mua sắm những thứ thiết yếu cho gia đình như xà phòng, nước mắm, bột ngọt, quần áo”.
Con đường với những tán cây cổ thụ trong rừng Xuân Sơn
Một điều thật may mắn là khi đang chuyện trò và hỏi đường chị Trắc thì chúng tôi phát hiện anh Hà Văn Hùng đang xỏủng để chuẩn bị vào rừng mót củi, bắt cua. Anh Hùng năm nay 35 tuổi, rất hồ hởi khi biết khách lạ từ Hà Nội lên. Thấy chúng tôi có ý định vào rừng, anh vui vẻ đồng ý đi cùng để chỉ đường. Dù tiếng Kinh chưa sõi, anh vẫn rất chịu khó nói, nhưng thật tình, nhiều lúc không hiểu nổi anh nói gì. Khi chúng tôi hỏi khoảng cách từ đây đến thác này, hang kia bao xa, anh Hùng cứ phải gãi đầu gãi tai rồi phán: “Mười mét!”. Bất kể khoảng cách chỉ nửa cây số hay ba cây số, anh đều có câu trả lời “Mười mét!”, khiến chúng tôi cứ phá lên cười và anh cũng cười theo một cách thích thú.
Đi tìm vẻ đẹp nơi thâm u
Ngày nào anh Hùng cũng vào rừng quốc gia Xuân Sơn để nhặt củi, bắt cua đá mưu sinh. Dụng cụ luôn theo sát bên mình của anh là con dao chặt củi và đôi ủng. “Bọn mình chỉ được vào đây mót củi thôi, không chặt cây. Nếu làm trái là các anh kiểm lâm nhắc nhở ngay”. Những cây gỗ nhỏ đã khô hoặc bị gãy đổ được anh lượm mang về và vì cây làm củi không nhiều nên bắt cua đá mới là nghề mưu sinh chính của anh.
Chúng tôi vừa đi bộ, vừa thở phì phò, còn anh Hùng thì cứ thao thao bất tuyệt kể về Xuân Sơn. Cũng phải thôi, đã 35 năm sống giữa rừng thì tình cảm với đất, với rừng của anh chắc chắn phải rất mãnh liệt. Anh cho biết: “Rừng này đẹp lắm, trong rừng có ba, bốn cái thác rất hùng vĩ và còn có thêm hàng chục hang đá rất đẹp. Người dưới xuôi còn ít biết đến chỗ này. Cuối tuần thỉnh thoảng mới có đoàn đến nhưng cũng chỉ cưỡi ngựa xem hoa, thăm mấy bản bên ngoài, ít ai dám chinh phục thác và leo hang đá. Chỉ có một số người dân tộc, các cán bộ kiểm lâm và quản lý vườn quốc gia Xuân Sơn mới biết. Ngay trên sơ đồ chỉ dẫn ở cổng vườn cũng còn thiếu nhiều tên thác, tên hang”.