Tình trạng thanh khoản tuy không còn căng thẳng với những cuộc chạy đua lãi suất, nhưng thay vào đó các ngân hàng tiếp tục đối mặt với nguy cơ nợ xấu và rất khó khăn trong việc tìm khách hàng để cho vay, giải ngân nguồn vốn huy động. Tăng trưởng tín dụng dù đã cải thiện vào cuối năm nhưng 2013 vẫn là năm thứ hai liên tiếp toàn hệ thống ngân hàng không đạt được mục tiêu. Rồi những thông tin về cắt giảm nhân sự, lương thưởng, doanh thu, lợi nhuận của các ngân hàng thương mại trên các phương tiện truyền thông… Với tất cả những điều kể trên, phải chăng 2014 sẽ là một năm khó khăn nữa của ngành ngân hàng?
Đúng là ngành ngân hàng sẽ tiếp tục khó khăn nếu như cơ quan quản lý và từng ngân hàng không có sự chuyển mình mạnh mẽ thời gian qua. Sau hơn hai năm thực hiện đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã xử lý được tám trong số chín tổ chức tín dụng yếu kém. Theo điều tra xu hướng kinh doanh quý I-2014 vừa được Vụ Dự báo thống kê tiền tệ thuộc Ngân hàng Nhà nước tiến hành, đối tượng là toàn bộ các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, kết quả thu được là khá tích cực. Nhu cầu sử dụng các dịch vụ ngân hàng, nhất là nhu cầu gửi tiền và vay vốn, tiếp tục phục hồi, có xu hướng tăng từ cuối năm trước và còn tiếp tục tăng trong năm nay. Nhu cầu vay vốn từ nhóm khách hàng cá nhân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ tăng mạnh so với năm ngoái. Để đón đầu xu hướng này và cũng nhằm khuyến khích nhiều người sử dụng sản phẩm, dịch vụ của mình, các ngân hàng tiếp tục có những chính sách giảm giá dịch vụ. Với sự ổn định của mặt bằng lãi suất huy động và sức hấp dẫn nhất định từ kênh tiền gửi tiết kiệm so với các kênh đầu tư khác, các ngân hàng hy vọng tiếp tục huy động được nguồn vốn dồi dào, đồng thời nghiệp vụ cho vay trong năm 2014 sẽ cải thiện hơn hai năm khó khăn vừa qua. Nhiều ngân hàng đã mạnh dạn đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn mức chung (12 – 14%) của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2014. Thanh khoản dự kiến sẽ tiếp tục đà ổn định, khiến cho nhu cầu vay vốn trên thị trường liên ngân hàng giảm mạnh, nợ xấu đã và đang được tích cực xử lý và thu hồi. Nhưng dù có sự hoạt động khá tích cực của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của các tổ chức tín dụng hiện vẫn ở mức cao (4,6%). Chỉ trong mấy tháng cuối năm 2013, VAMC đã mua được 38.900 tỉ đồng nợ gốc từ 35 tổ chức tín dụng, vượt kế hoạch đề ra.
Quan trọng hơn, sự “phục hồi” của các ngân hàng thể hiện rõ nhất thông qua các báo cáo tài chính năm vừa qua, với kết quả lợi nhuận tương đối khả quan, dù vẫn thấp hơn so với năm trước đó. Đặc biệt, trong số này có cả một số ngân hàng một năm trước còn được xếp vào loại yếu kém, phải tái cơ cấu, tỷ lệ nợ xấu cao, không những chất lượng tín dụng giảm mà tổng tài sản cũng giảm mạnh, có nguy cơ mất vốn. Nay, các tiêu chí như tổng tài sản, lợi nhuận, huy động vốn, tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng đã tăng, tỷ lệ nợ xấu giảm xuống, số lượng khách hàng ổn định… Bản thân các tổ chức tín dụng cũng tin tưởng vào sự bình ổn của hệ thống, thể hiện ở mức độ tín nhiệm của các thành viên trên thị trường liên ngân hàng ngày càng được cải thiện. Bằng sự nỗ lực của mình, có thể tin rằng các ngân hàng thương mại sẽ có một kết quả hoạt động tốt đẹp hơn trong năm nay.
Minh Hằng